Không phân biệt chỉ định sử dụng thuốc giữa người bệnh có thẻ BHYT và người bệnh tự trả viện phí

06:02, 28/02/2020

Lâu nay, một số người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn cho rằng có sự phân biệt của cơ sở KCB đối với người bệnh khi đi KCB mà sử dụng thẻ BHYT với người bệnh tự trả viện phí (không sử dụng thẻ BHYT) hoặc thuốc BHYT không tốt bằng thuốc sử dụng cho bệnh nhân không BHYT... 

Lâu nay, một số người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) vẫn cho rằng có sự phân biệt của cơ sở KCB đối với người bệnh khi đi KCB mà sử dụng thẻ BHYT với người bệnh tự trả viện phí (không sử dụng thẻ BHYT) hoặc thuốc BHYT không tốt bằng thuốc sử dụng cho bệnh nhân không BHYT... Điều này hoàn toàn không đúng và không có cơ sở, bởi lẽ: Trên cơ sở Danh mục thuốc tân dược, thuốc đông dược theo quy định của Bộ Y tế được phân theo hạng bệnh viện; nghĩa là tùy theo hạng bệnh viện được cấp có thẩm quyền phê duyệt mà được sử dụng những loại thuốc gì để đảm bảo công tác KCB phục vụ chung cho cả người bệnh có thẻ BHYT và người bệnh tự trả viện phí. Giá thuốc sử dụng tại mỗi cơ sở KCB đều phải thông qua công tác đấu thầu hằng năm do cơ sở KCB tự đấu thầu hoặc do Sở Y tế đấu thầu tập trung cho các cơ sở KCB theo quyết định của ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố. 
 
 Không hề có sự phân biệt về chỉ định sử dụng thuốc giữa người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh tự trả viện phí.
Không hề có sự phân biệt về chỉ định sử dụng thuốc giữa người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế và người bệnh tự trả viện phí.
 
Tại tỉnh Lâm Đồng, hằng năm căn cứ quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc tân dược, thuốc đông dược. Theo đó, UBND tỉnh giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng tổ chức đấu thầu, cung ứng thuốc tân dược sử dụng tại đơn vị và cho các cơ sở KCB công lập trên địa bàn thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc. Giao Sở Y tế tổ chức đấu thầu cung ứng thuốc tân dược cho 12 trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; đấu thầu dược liệu, thuốc từ dược liệu cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh. Giao Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc thương thảo, ký hợp đồng mua dược liệu, tổ chức bào chế thành phẩm và chuyển nhượng cho tất cả các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh theo nhu cầu sử dụng của các đơn vị. 
 
Như vậy, trên cơ sở kết quả đấu thầu thuốc của 3 chủ đầu tư là Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, danh mục các loại thuốc trúng thầu tại các cơ sở KCB với cùng mặt hàng, cùng giá thành đã trúng thầu, được dùng chung cho cả bệnh nhân có thẻ BHYT cũng như bệnh nhân tự trả viện phí. Việc khám bệnh, chữa bệnh, chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật phải tuân thủ phác đồ điều trị bệnh theo quy định của Bộ Y tế, không có sự phân biệt giữa người bệnh có thẻ BHYT với người bệnh tự thanh toán viện phí. 
 
Theo Bộ Y tế, Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có danh mục thuốc BHYT rộng rãi, đáp ứng nhu cầu điều trị so với mức đóng BHYT, nhất là giai đoạn hiện nay khi mà biểu giá viện phí đã có cơ cấu tiền lương của cán bộ, nhân viên ngành y tế. Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam mở rộng hơn khá nhiều so với Danh mục thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế thế giới (khoảng 400 thuốc) và danh mục thuốc BHYT của một số nước trong khu vực có điều kiện kinh tế phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… 
 
Thực tế cũng cho thấy thuốc lưu hành trên thị trường Việt Nam rất phong phú với nhiều chủng loại và hiệu quả khác nhau, nhiều loại thuốc chỉ mang tính chất hỗ trợ nhưng giá thành lại rất cao. Vì vậy với Danh mục thuốc được Bộ Y tế quy định sử dụng rộng rãi ở các hạng bệnh viện như hiện nay, cơ bản đáp ứng được công tác KCB cho người dân nói chung, trong đó có người bệnh BHYT, hướng tới sự hài lòng của người tham gia BHYT.
 
 BHXH TỈNH