Ký ức về một thời hoa lửa

06:02, 04/02/2020

Cô lưu giữ những kỷ vật đó như để lưu giữ những ký ức của một thời hoa lửa. Thời đó, cô và những đồng đội trong đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của dân tộc hôm nay.

Cô lưu giữ những kỷ vật đó như để lưu giữ những ký ức của một thời hoa lửa. Thời đó, cô và những đồng đội trong đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã sống và chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của dân tộc hôm nay.
 
Tượng Bác Hồ, món quà vô giá và ý nghĩa gắn liền với cả cuộc đời của cựu nữ pháo binh Lưu Thị Thanh An và được cô lưu giữ từ năm 1976 đến nay. Ảnh: K.Phúc
Tượng Bác Hồ, món quà vô giá và ý nghĩa gắn liền với cả cuộc đời của cựu nữ pháo binh Lưu Thị Thanh An và được cô lưu giữ từ năm 1976 đến nay. Ảnh: K.Phúc
 
Căn phòng kỷ vật
 
Năm nay đã 75 tuổi nhưng cô Sáu An, tên gọi thân thuộc mà nhiều người dân Bảo Lộc vẫn thường gọi bà Lưu Thị Thanh An - nguyên Bí thư Huyện ủy Bảo Lộc, vẫn còn rất minh mẫn và khá nhanh nhẹn. Gặp cô tại buổi Thành ủy Bảo Lộc tổ chức kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mới đây, giọng cô vẫn hào sảng, ký ức của cô vẫn còn nguyên vẹn một thời hoa lửa với những đồng đội nữ của mình. Cô bảo rằng ở Bảo Lộc hiện còn khoảng 100 chị em trước đây tham gia đơn vị nữ pháo binh 8/3. Mấy chị em vẫn thường xuyên gặp nhau trong những dịp hiếu hỉ, ma chay, thăm nhau lúc ốm đau bệnh tật và cùng nhau quây quần tổ chức giỗ các anh hùng liệt sỹ hàng năm. Bởi lẽ, “mình không làm thì ai làm, mình làm không chỉ cho những người đã chết mà làm cho những người còn sống hôm nay, cho thế hệ trẻ mai sau biết về truyền thống cách mạng của dân tộc, về hào khí của dân tộc để mà tiếp bước” - cô Sáu An chia sẻ. 
 
Cách đây đã lâu lắm rồi, tại ngôi nhà của mình trên đường Quang Trung (Phường II, TP Bảo Lộc), cô Sáu An dành riêng một căn phòng để lưu giữ tất cả những kỷ vật thời chiến và cả những kỷ niệm thời cô Sáu đang đương chức. Với cô Sáu và với những ai biết về cô, căn phòng ấy chính là tâm huyết, là hiện thân của một thời kháng chiến gian khổ và kiên cường mà cô đã đi qua. 
 
Cô không nhớ căn phòng ấy được hình thành từ bao giờ, cô chỉ biết những kỷ vật ấy đã theo cô từ lâu lắm, từ khi cô còn là con gái cho đến khi đi kháng chiến chống Mỹ và tận sau ngày giải phóng vẫn còn vẹn nguyên. Khi tuổi đã ngả sang chiều, cô mang chúng ra lau chùi, nâng niu rồi trang trọng treo lên tường, bày biện ngăn nắp trong tủ kính, thậm chí mỗi một kỷ vật còn được cô in bên cạnh một dòng chữ thuyết minh tên gọi, hoàn cảnh lưu giữ. Cô Sáu bảo: “Mới đây, Bảo tàng Phụ nữ Trung ương vào xin thêm một số kỷ vật liên quan đến chị Lê Thị Pha. Ban đầu, tôi không muốn tặng nhưng nghĩ những kỷ vật này rồi sẽ được nhiều người biết đến nên đã đồng ý”. 
 
Cô Sáu trân quý những kỷ vật ấy bởi lẽ gắn với những ký ức, những hy sinh mất mát mãi không phai mờ. Đó có thể là những chiến lợi phẩm thu được trong những trận đụng độ với giặc Mỹ, cho đến đôi dép cao su, cái võng bằng vải dù, tấm đắp, đôi chén ăn cơm đã theo cô từ thời con gái, đôi đũa cũ mèm được bộ đội vót trong căn cứ, cặp dĩa nhỏ đồng đội mừng đám cưới cô với chú Sáu, cho đến chiếc túi vải của người đồng đội Lê Thị Pha để lại, bộ đồ bà ba đen, chiếc khăn rằn và tấm áo sĩ quan quân hàm thiếu úy của cô Sáu… Tất cả đều gắn với những kỷ niệm và những giá trị mà có lẽ cô Sáu là người thấu hiểu hơn ai hết. 
 
Hỏi cô sao lại giữ lại cho mình nhiều kỷ vật đến thế, cô bảo: “Cô đã cùng với anh chị em đi trước chiến đấu cho công cuộc giải phóng dân tộc, giờ cô càng ngày càng lớn nên nghĩ mình cần lưu giữ lại những kỷ vật đó, một mặt để giữ kỷ niệm cho riêng mình, mặt khác muốn con cháu biết được truyền thống hào hùng và oanh liệt của những thế hệ đi trước”.
 
Anh Nguyễn Văn Định - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ nữ Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha. Ảnh: K.Phúc
Anh Nguyễn Văn Định - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đại Lào (TP Bảo Lộc) kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ nữ Anh hùng liệt sỹ Lê Thị Pha. Ảnh: K.Phúc
 
Oanh liệt Đội nữ pháo binh 8/3
 
Không chỉ có những kỷ vật thời chiến, cô Sáu còn dành hẳn một bức tường lớn trong phòng để treo những tấm hình cô sưu tập về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi một tấm hình đều được chú thích cặn kẽ thời điểm Bác sống, nơi Bác đến, chốn Bác đi, lời Bác căn dặn... Phần lớn là hình đen trắng và có rất nhiều tấm hình trong số đó độc nhất vô nhị, dẫu mép đã sờn, nét đã mờ nhưng cô Sáu quý hơn tất thảy. Nhưng dường như đó không phải là điểm nhấn mà căn phòng để lại trong cảm nhận của những ai thoạt tiên bước vào. Nằm ngay chính diện là một gian thờ lớn, rất trang trọng và tôn nghiêm, cô Sáu lập để dành tưởng nhớ và ghi ơn người con gái còn rất trẻ trong di ảnh. Đó là chị Lê Thị Pha, người nữ anh hùng, người Chính trị viên của đơn vị nữ pháo binh 8/3, thủ trưởng của cô Sáu. 
 
 “Cái chết của chị Pha làm cho tất cả đồng chí, đồng đội nhớ mãi hình ảnh dũng cảm của chị. Bọn địch khi giết chết chị Pha thì đốt xác và kéo lê chị Pha trên đường 20. Sau 26 năm mới tìm được hài cốt chị Pha đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ Củ Chi. Tình chị em gắn bó lâu dài, dù chị Pha không còn nữa, nhưng tôi vẫn nhớ mãi và lập bàn thờ chị, mong là tình chị em luôn mãi bên nhau. Cho nên tôi có viết 2 câu liễn để tặng chị Pha là: Chiến đấu kiên cường chơn liệt nữ, Vũ uy bất khuất thị anh thư. Hai câu liễn đó tôi treo trang trọng hai bên bàn thờ chị Lê Thị Pha và các anh hùng liệt sỹ” - cô Sáu An chia sẻ.
 
Căn phòng ấy còn lưu giữ rất nhiều những Bằng khen mà cô Sáu và đơn vị nữ pháo binh 8/3 đã được chỉ huy khen tặng sau mỗi trận chiến. Trong số đó có 2 bằng khen ghi dấu 2 trận chiến được cô Sáu giữ gìn cẩn thận, đó là “Trận pháo kích đêm mùng 2 đến mùng 4/10/1969” và “Trận chiến ngày 27 đến 29/1/1973 tại An Lạc” (Lộc An ngày nay). Trận đánh đầu tiên khi cô Sáu đang còn là Chính trị viên phó kiêm Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 đơn vị nữ pháo binh 8/3. 
 
Cô Sáu nhớ lại: “Hồi đó đơn vị này sử dụng cối 82 ly, điều làm tôi nhớ mãi mà nếu ai không trong cuộc thì không thể tin được, đó là toàn đơn vị 42 chị em, chỉ được huấn luyện trong 7 ngày thôi về pháo binh nhưng dám phối hợp với đơn vị bạn đánh vào tòa tỉnh của lính Mỹ. Nếu không có lòng quyết tâm và dũng cảm thì cũng dễ nao lòng lắm. Đêm hôm đó mới hành quân ra, gặp một đại đội Mỹ thì đánh nhau khiến 2 chị hy sinh, còn lại một số bị thương, nhưng vũ khí không bị mất. Đơn vị chiến đấu rất dũng cảm, sau đó phối hợp với đơn vị 744 đánh vào tòa tỉnh và đánh vào lữ đoàn hậu cần đóng ở Nghĩa trang liệt sỹ bây giờ. Trong 15 ngày đánh vào tòa tỉnh 2 lần, diệt 21 tên, phá hủy 1 máy bay trực thăng L19, trận đó về đơn vị được tặng bằng khen”. 
 
Trận đánh thứ 2 đúng vào dịp Bác Hồ mất, cả đơn vị tiếc thương và quyết tâm biến đau thương thành hành động. Phối hợp với đơn vị đặc công 200C của Quân khu, đánh vào Sư đoàn 53 của Mỹ ngụy đóng ở chợ cũ, bắn hơn 100 quả đạn pháo vào sư đoàn này, diệt gần 300 tên giặc Mỹ. Thời điểm năm 1973, đơn vị nữ pháo binh 8/3 sau một thời gian gián đoạn hoạt động do chị Lê Thị Pha hy sinh, nay thành lập lại và quyền chỉ huy thuộc về cô Sáu An. Không chỉ 2 trận đánh kể trên, đơn vị nữ pháo binh 8/3 giai đoạn này đã tham gia nhiều trận chiến ác liệt kéo dài nhiều ngày và làm cho quân địch tổn thất rất nhiều. Cô Sáu không nhớ rõ nhưng kể từ khi thành lập lại vào năm 1973 đến ngày giải phóng, đơn vị đã đánh trên 50 trận, bắt sống và làm bị thương trên 300 tên giặc. Đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và nhiều bằng khen cho cá nhân. Dẫu sau này, suốt quá trình công tác kinh qua nhiều cương vị quan trọng trong đội ngũ lãnh đạo tỉnh và Bảo Lộc, được nhiều sở, ngành, đoàn thể tặng vô số bằng khen, giấy khen, nhưng dường như với cô Sáu những tấm bằng khen ghi lại những chiến công của đội nữ pháo binh 8/3 là những tấm bằng khen quý giá nhất, được cô lưu giữ cẩn thận và hay lấy ra kể lại mỗi khi các bạn trẻ có dịp ghé qua phòng truyền thống của mình. 
 
Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, hẳn là những phần thưởng mà cô Sáu rất quý và tự hào trong suốt cuộc đời cống hiến và phấn đấu của mình. 
 
Ngày nay, tại xã Đại Lào, ngoài ngôi trường THPT mang tên Lê Thị Pha thì ngôi miếu thờ người nữ anh hùng này trên quốc lộ vẫn thường xuyên được dâng hoa, thắp hương bởi những đồng đội cũ, những bạn học sinh nhân các dịp kỷ niệm trọng đại của đất nước. Nơi đặt ngôi miếu thờ chính là nơi thi thể liệt sỹ Lê Thị Pha được tìm thấy. Giờ đây, thi hài liệt sỹ đã được đưa về Nghĩa trang Liệt sỹ Củ Chi chôn cất. Cô Sáu An chia sẻ: “Trước đây khi còn khỏe mạnh, cô thường được nhà trường mời xuống nói về quá trình chiến đấu của đơn vị nữ pháo binh 8/3, về truyền thống cách mạng của dân tộc. Đây cũng là một cách để giáo dục cho thế hệ mai sau biết trân trọng quá khứ và biết sống cho Tổ quốc nhiều hơn. Rồi đây, truyền thống cách mạng vẻ vang ấy của dân tộc sẽ được nối tiếp bền chặt.
 
Ngày 22/12/1968, tại Suối Cheo, xã Lộc Bắc, Đội nữ pháo binh được thành lập (lấy phiên hiệu 8/3). Quân số ban đầu gồm 42 đồng chí. Trong đó, có 20 đồng chí là người K’Ho, Mạ, hầu hết ở Lộc Bắc, Lộc Bảo và Đinh Trang Thượng. Đơn vị nhanh chóng tham gia học tập chiến thuật đánh pháo binh, bộ binh, bảo đảm khả năng chiến đấu độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng vũ trang khác của tỉnh Lâm Đồng. Trong 6 năm công tác và chiến đấu, đơn vị đã đánh địch trên 50 trận bằng pháo binh và bộ binh. Diệt và làm bị thương gần 300 tên Mỹ - ngụy, trong đó có hơn 40 lính Mỹ. Bắn cháy 4 máy bay, phá hủy 3 khẩu pháo 105 mm, bắn cháy và phá hủy 50 xe quân sự các loại, thu 30 khẩu súng, phá hủy 1 kho xăng và nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Toàn đơn vị được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, 66 huân chương các loại, 40 danh hiệu dũng sĩ và nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp khen tặng. Vinh dự lớn lao cho đơn vị là liệt sỹ Lê Thị Pha - Chính trị viên, được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân ngày 6/11/1979.
 
ĐÔNG ANH - HẢI UYÊN