Thu phí tự động qua trạm BOT: Còn phải đợi thêm

10:02, 20/02/2020

Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), hạn chót tiến hành hình thức này trên toàn quốc là ngày 31/12/2019...

Theo Quyết định 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), hạn chót tiến hành hình thức này trên toàn quốc là ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc nên tới thời điểm này cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng, việc thực hiện ETC giai đoạn 2 vẫn đang tiếp tục phải đợi từ phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các nhà liên doanh cung cấp dịch vụ phần mềm.
 
Việc thu phí tự động điện tử không dừng (ETC) tại Trạm BOT Định An chưa thể đi vào hoạt động do gặp vướng mắc từ phía Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ.
Việc thu phí tự động điện tử không dừng (ETC) tại Trạm BOT Định An chưa thể đi vào hoạt động do gặp vướng mắc từ phía Bộ GTVT và nhà cung cấp dịch vụ.
 
Theo Bộ GTVT, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng với mục đích khắc phục, hạn chế bất cập của hình thức dừng thu phí (như tăng cường tốc độ lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân), hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, giúp minh bạch trong quản lý doanh thu tại các trạm thu phí. Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT đã lập, phê duyệt dự án và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ theo quy định. 
 
Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí theo hình thức Hợp đồng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) được chia làm 2 giai đoạn (2 dự án), bao gồm: Dự án giai đoạn 1 (gọi tắt BOO1) áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; Dự án giai đoạn 2 (BOO2) áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc. Để đủ điều kiện triển khai thực hiện dự án, các bên cần đàm phán ký kết 2 loại hợp đồng gồm Phụ lục hợp đồng BOT về việc thu phí tự động không dừng giữa Bộ GTVT với các nhà đầu tư BOT và Hợp đồng dịch vụ giữa các nhà đầu tư BOT với nhà cung cấp dịch vụ. 
 
Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai, theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng mới đây, việc triển khai hệ thống thu phí tự động hết sức chậm trễ, có sự lúng túng trong triển khai, chưa đạt yêu cầu về tiến độ đã đề ra.
 
Các dự án thu phí tự động BOO1 và dự án thu phí tự động BOO2 còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xử lý, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai toàn hệ thống thu phí tự động, tạo dư luận xấu trong Nhân dân; phương án triển khai thu phí các dự án BOT thuộc địa phương quản lý cũng chưa được xây dựng và triển khai trên thực tế; Với tình hình tiến độ triển khai dự án giai đoạn 2 chậm như trên, các trạm BOT thu phí tự động giai đoạn BOO2 cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng hiện tiếp tục phải chờ các hướng dẫn thực hiện các thủ tục từ phía Bộ GTVT và chỉ đạo của Chính phủ. Ông Nguyễn Đình Trưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hùng Phát, đơn vị quản lý vận hành Trạm BOT Định An (dự án đường cao tốc Liên Khương - Prenn) cho biết, tới thời điểm trước Tết Nguyến đán Canh Tý, đơn vị đã hoàn tất các bước theo hướng dẫn từ Sở GTVT tỉnh cũng như Tổng cục Đường bộ Việt Nam, như: trình, duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm tra thiết kế, thẩm định giá thiết bị, thiết kế bản vẽ thi công, làm việc với đơn vị cung cấp công nghệ để ký hợp đồng nguyên tắc... Và tới thời điểm này, Công ty TNHH Hùng Phát đang đợi UBND tỉnh Lâm Đồng có quyết định phê duyệt Dự án ETC và hướng dẫn từ phía Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đánh giá, thời gian qua, tỉnh đã ghi nhận sự cố gắng từ phía Sở GTVT, Công ty TNHH Hùng Phát trong việc tích cực triển khai các nội dung về thu phí điện tử không dừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Việc triển khai chậm so với yêu cầu do còn nhiều vướng mắc khách quan về thời gian lấy ý kiến từ Bộ GTVT lâu và Bộ hướng dẫn chưa rõ ràng, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ còn lúng túng và đang vướng mắc về pháp lý... Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, UBND tỉnh giao Sở GTVT thẩm định hồ sơ phê duyệt Dự án ETC của Công ty Hùng Phát theo hướng: Đầu tư 6 làn thu phí ETC với tổng kinh phí 19,1 tỷ đồng, nhằm đảm bảo phương án tài chính UBND tỉnh đã ký kết với nhà đầu tư. Sau khi tỉnh có quyết định duyệt Dự án ETC Trạm BOT Định An, Công ty Hùng Phát khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng hệ thống. Đồng thời, đơn vị phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan để xin ý kiến từ Bộ GTVT, để có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc chọn đơn vị cung cấp dịch vụ Backend làm cơ sở để thực hiện ETC.
 
C.THÀNH