Cho một Đạ Huoai sạch và đẹp

06:03, 31/03/2020

Không chỉ duy trì tốt việc phát động ra quân làm sạch đường đi mỗi tháng một lần trong toàn huyện, đến nay Đạ Huoai đã có những tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải hoạt động trong từng xã theo hình thức xã hội hóa. 

Không chỉ duy trì tốt việc phát động ra quân làm sạch đường đi mỗi tháng một lần trong toàn huyện, đến nay Đạ Huoai đã có những tổ vệ sinh môi trường thu gom rác thải hoạt động trong từng xã theo hình thức xã hội hóa. 
 
Một con đường cỏ lạc tại thị trấn Đam M’ri
Một con đường cỏ lạc tại thị trấn Đam M’ri
 
Ra quân mỗi tháng 
 
“Từ khi phát động phong trào đến nay, Đạ Huoai duy trì rất tốt mô hình trong toàn huyện, hầu như tháng nào cũng vậy cứ đến chủ nhật cuối cùng của tháng lại ra quân” - bà Vũ Thị Phương - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Huoai - đơn vị phụ trách mô hình của huyện cho biết.
 
Tất cả bắt đầu từ tháng 2/2014 khi Huyện ủy Đạ Huoai phát động “Ngày Chủ nhật vì môi trường” nhằm vận động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong huyện ra quân thu gom rác thải làm sạch đường phố. Phong trào này sau đó nhanh chóng lan nhanh tại địa phương, được huyện xây dựng thành mô hình và mô hình này hiện đang được vận hành bởi Ban Tuyên giáo Huyện ủy.
 
Và không chỉ cán bộ, công chức, viên chức ở cả cấp huyện và cấp xã, thị trấn tham gia ra quân, mô hình sau đó đã vận động được đông đảo người dân trên địa bàn các thôn, các tổ dân phố cũng cùng tham gia ra quân vào ngày Chủ nhật cuối cùng hàng tháng. Riêng với khối các cơ quan, đơn vị trường học thực hiện mô hình vào cuối buổi chiều ngày thứ Sáu tuần cuối cùng của tháng.
 
Theo bà Phương, mỗi đợt ra quân như thế có đợt có cả nghìn người cùng tham gia, đồng loạt trên 61/61 thôn, tổ dân phố của 9 xã, thị trấn và tại các cơ quan, đơn vị trong huyện với các hoạt động như phát quang bụi rậm dọc các con đường giao thông, khơi thông cống rãnh; dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải sinh hoạt dọc các con đường; thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong các nhà vườn; chăm sóc cây xanh, trồng và chăm sóc các tuyến đường hoa cỏ lạc, chỉnh trang hàng rào, tôn tạo cảnh quan môi trường...
 
Điểm mạnh của mô hình này theo bà Phương chính là sự quan tâm rất lớn của toàn huyện, do cấp ủy phát động nên đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc với sự tham gia của các đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã, thôn. Mô hình này đến nay đã duy trì thành nền nếp, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong mọi người dân trên địa bàn.
 
Việc duy trì mô hình này một cách hiệu quả suốt trong một thời gian dài đã mang lại những kết quả tích cực: cảnh quan trong huyện dần thay đổi, từ các tuyến đường tại 2 thị trấn trong huyện cũng như đến các xã hầu như rất ít hoặc không có rác thải vương vãi; nhiều khu dân cư trong các xã xuất hiện các con đường trồng cỏ lạc xanh mướt cùng những hàng rào hoa “xanh - sạch - đẹp” được trồng và chăm sóc cẩn thận.
 
“Chỉ cần mọi người cùng đồng lòng, mỗi người một tay để mang đến sự thay đổi. Đã có không ít các con đường sạch đẹp, những khu dân cư sạch đẹp xuất hiện trên địa bàn hiện nay”- bà Phương nói.
 
Những đội thu gom rác thải “xã hội hóa”
 
Nhưng rác thu gom trên đường phải cần vận chuyển đến các bãi rác; những đội thu gom rác thải được thành lập tại các xã, thị trấn trong huyện Đạ Huoai hiện nay chính là bước phát triển kế tiếp của phong trào bảo vệ môi trường tại Đạ Huoai do huyện phát động những năm gần đây.
 
Trong tháng 3/2015, theo yêu cầu của huyện, các tổ dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tại các xã được thành lập. Mỗi tổ như vậy theo bà Phương, có từ 2-3 thành viên làm việc, ban đầu huyện hỗ trợ mỗi tổ 20 triệu đồng để mua phương tiện vận chuyển, còn tiền chi trả cho các thành viên trong tổ lấy từ tiền phí thu gom rác thải của các gia đình trong xã tham gia.
 
Cho đến nay, tất cả 7/7 xã của Đạ Huoai đều có các tổ thu gom rác thải sinh hoạt hoạt động, riêng 2 thị trấn còn lại việc thu gom rác thải do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện đảm trách. Định kỳ các ngày trong tuần, các tổ thu gom này sẽ đến từng thôn, xóm để gom rác sinh hoạt vận chuyển về điểm tập kết rác của xã. Tại điểm tập kết rác, Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng của huyện chịu trách nhiệm vận chuyển về chôn lấp tại bãi rác của huyện. 
 
Cho đến nay, việc thu gom rác thải sinh hoạt trong các cộng đồng dân cư, nhất là cư dân vùng nông thôn đã được Đạ Huoai duy trì rất tốt. Rác thải sinh hoạt được người dân cho vào các thùng rác bố trí hợp lý dọc 2 bên các tuyến đường thôn, xóm, hoặc tại các điểm đông dân cư, hay để trước nhà để tổ dịch vụ đến thu gom cho vào xe vận chuyển. Chính quyền trong xã vận động dân đăng ký sử dụng dịch vụ thu gom với chi phí 22 nghìn đồng/tháng, hiện nay đã có đến trên 82% gia đình vùng nông thôn trong huyện sử dụng dịch vụ thu gom rác thải này. 
 
Theo ngành chức năng Đạ Huoai, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện hàng ngày khoảng gần 30 tấn; đến nay huyện đã thu gom được khoảng gần 26 tấn/ngày, chiếm trên 86%. Phần lớn số rác còn lại được người dân tự xử lý, chôn lấp, đốt trong vườn.
 
Nhờ việc thu gom rác thải có hệ thống, nên theo bà Phương, cảnh quan nông thôn trong huyện đã chuyển biến đầy tích cực, thác thải được thu gom, ít và không còn cái cảnh vứt rác bừa bãi vào vùng đất trống công cộng hay đổ xuống sông, suối... Hầu hết các xã kể cả các xã vùng sâu đến nay theo bà Phương đều làm tốt việc thu gom rác thải, có những xã như Đoàn Kết - xã với rất đông cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng thực hiện rất tốt việc thu gom rác sinh hoạt, với hơn 90% hộ gia đình trong xã tham gia đóng phí thu gom hàng tháng.
 
“Điều đáng nói, hầu hết các thành viên của các tổ dịch vụ thu gom rác sinh hoạt tại các xã đều nêu cao tinh thần trách nhiệm làm việc, nhiệt tình, không chỉ thu gom còn vận động mọi người bỏ rác đúng chỗ, không vứt rác ra đường, góp phần nâng cao nhận thức mọi người về bảo vệ môi trường” - bà Phương nhận xét.
 
Tuy nhiên, trong dịp này, bà Phương cũng đề nghị các cấp nếu được nên hỗ trợ các tổ đồ bảo hộ lao động để các thành viên trong tổ ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ môi trường của mình.
 
VIẾT TRỌNG