Đam Rông: Tháo gỡ bài toán trồng rừng cho người dân

06:03, 05/03/2020

Để người nông dân không quay lưng với việc trồng rừng sản xuất (trồng keo) và để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây keo, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ loại cây này...

Để người nông dân không quay lưng với việc trồng rừng sản xuất (trồng keo) và để có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế của cây keo, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ loại cây này. Và, liệu có cần xem xét lại phương án chuyển đổi, thay thế trồng rừng bằng cây keo?
 
Sau khi khai thác xong, người dân tham gia dự án trồng rừng tại huyện Đam Rông không còn mặn mà trồng mới, bởi hiệu quả kinh tế mang lại thấp
Sau khi khai thác xong, người dân tham gia dự án trồng rừng tại huyện Đam Rông không còn mặn mà trồng mới, bởi hiệu quả kinh tế mang lại thấp
 
Dân không mặn mà trồng mới
 
Về huyện Đam Rông, trên con đường từ UBND huyện đến ba xã Đầm Ròn (Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M’Rông) chúng tôi không khỏi buồn lòng khi chứng kiến những đồi keo vốn xanh mướt ở các vị trí trọng yếu được UBND huyện giao cho người dân trồng rừng sản xuất phải bỏ hoang từ nhiều năm nay. 
 
Theo BQL Rừng phòng hộ Sêrêpốk, sau khi được giao đất, người dân đã rầm rộ triển khai, phát dọn thực bì, triển khai đào hố trồng rừng. Chỉ tính riêng trong hai năm 2009 và năm 2010, diện tích trồng rừng đã đạt hơn 1.400 ha, có thời điểm diện tích trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện được người dân phát triển lên đến 4.000 ha. 
 
Tuy nhiên, khi cây keo đến thời điểm khai thác cũng là lúc dự án bộc lộ nhiều hạn chế khiến người dân không còn mặn mà hoặc dừng hẳn hoạt động trồng rừng, phần diện tích đã trồng không được chăm sóc, bảo vệ. Cả ngàn ha đất rừng cứ thế bị người dân bỏ hoang từ nhiều năm nay.
 
Ông Lơ Mu Ha Póh - Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết: Toàn xã có hơn 400 ha trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là đa phần các diện tích nông dân thu hoạch xong thì không tiến hành trồng mới. 
 
Lý giải điều này, theo ông Póh, đa số diện tích trồng keo của người dân đều nằm xa đường giao thông, không thuận tiện cho việc vận chuyển, không có đường vào nên doanh nghiệp bắt buộc phải mở đường hay thuê máy cày trung chuyển. Sau khi thương lái trừ mọi chi phí, họ chỉ trả cho chủ rừng 5 triệu đồng/ha, thậm chí nhiều chủ rừng còn cho khai thác không, đổi lại họ được mở đường đi vào khu sản xuất. 
 
Tại xã Đạ Long, địa hình, đất đai bị chia cắt, mỗi nhà sở hữu một mảnh, lô và cứ thế hầu như mạnh ai nấy trồng. Cây keo không chỉ được trồng ở đồi thấp mà còn lên các núi cao. Thế nhưng, việc mở những con đường ngang dọc trên núi rất khó khăn với chi phí quá lớn, doanh nghiệp thu mua lẫn người dân đều không kham nổi. 
 
Đó là chưa kể việc đưa máy xúc vào đào bới, mở đường cũng kéo theo nhiều hệ lụy, đất đai bị xói mòn, gây mất cân bằng môi trường sinh thái. Rồi thu hoạch thì thiếu đồng bộ, có rừng chưa đủ tuổi nhưng vì cần tiền, người trồng vẫn bán. Thực tế, chủ yếu người trồng rừng và tư thương tự “thuận mua vừa bán” chứ ít có doanh nghiệp đứng ra cam kết tiêu thụ. 
 
Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cũng có ưu đãi hạn chế, người dân canh tác kỹ thuật lạc hậu nên chất lượng, giá cả thấp. Chính vì vậy, chỉ sau từ 1-2 vụ trồng rừng và khai thác, mặc dù người dân thiếu đất sản xuất nhưng họ đành bỏ hoang, không tái đầu tư trên phần đất rừng đã được giao nhận - ông Póh cho hay. 
 
Tìm giải pháp chuyển đổi, trồng lại rừng
 
Trước tình trạng đất trống, đồi trọc do rừng sản xuất bị bỏ hoang ngày càng nhiều, và rồi tình trạng nắng hạn xảy ra gay gắt, đất đai khô cằn, nhiều địa phương đang kiến nghị cần xem xét lại trồng rừng chủ yếu bằng cây keo. Bởi, đã từ lâu ngành Lâm nghiệp chủ trương sử dụng chủ yếu cây keo đưa vào trồng rừng suốt từ Bắc vào Nam. 
 
Theo ông Lơ Mu Ha Póh, cây rừng trồng mới bây giờ chủ yếu là cây keo. Cây keo có đặc điểm là sinh trưởng, phát triển nhanh, mạnh với điều kiện đất rừng mới khai thác, đất tốt, có độ ẩm khá.
 
Keo là cây có tán lá to, cành nhiều, hút nước mạnh và phát tán nước cũng mạnh. Vì vậy, cây keo trồng trên đồi núi càng cao, càng dốc sinh trưởng càng kém do đất khô hạn. Đặc biệt trong đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài, trời không có mưa thì nhiều nơi trong xã cây keo chết khô.
 
Hơn nữa, cây keo có bộ rễ phát triển quá nông, không giúp nhiều cho việc sinh thủy và điều hòa nguồn nước ngầm, nước mặt. Chính vì vậy ở nơi nào có rừng cây keo nhiều thì những cánh đồng lúa phía dưới đó hầu như nước khô cạn và phải chuyển sang trồng các loại cây hoa màu khác.
 
Bên cạnh đó, việc trồng rừng bằng cây keo chỉ với mục đích sau khi trồng được 5-6 năm, thậm chí 4 năm đã chặt hết để bán lại cây cho các doanh nghiệp làm nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm. Vậy là rừng trồng lại trở thành rừng trọc trong lúc chờ trồng lại cây con hoặc để tái sinh. 
 
“Để thay đổi điều này, địa phương đã cùng với bà con nông dân tìm đến huyện Đạ Tẻh tham quan và học hỏi mô hình trồng tầm vông. Đây là mô hình đang rất có hiệu quả mà địa phương có thể học hỏi và áp dụng ngay. Trước mắt, chúng tôi vận động bà con triển khai xây dựng mô hình trồng tầm vông đầu tiên với quy mô tập trung khoảng 10 ha” - ông Póh cho hay.
 
Ông Nguyễn Văn Chính - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đam Rông đánh giá: Trong chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp, địa phương tính toán hình thành vùng nguyên liệu gỗ phục vụ cho chế biến sâu, nâng cao giá trị gỗ. Tuy nhiên, loay hoay nhiều năm rừng khai thác chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Phát triển rừng trồng gỗ lớn vẫn còn là… ước mơ. 
 
Theo số liệu thống kê, hiện toàn huyện có hơn 1.000 ha keo sau khi thu hoạch chưa được người dân trồng mới. 
 
Trước mắt, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và các xã tiến hành vận động bà con trồng lại rừng. Đối với các diện tích đất rừng được các hộ dân giao nhận nhưng bỏ hoang, chúng tôi đang rà soát cũng như đánh giá lại năng lực sản xuất, hộ nào không làm được thì chúng tôi kiến nghị buộc phải cắt hợp đồng giao đất trồng rừng để chuyển sang cho hộ có năng lực cao hơn.
 
Về lâu dài, để người nông dân không quay lưng, tái đầu tư trồng rừng, cũng như có thể duy trì vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp người nông dân có thể sống, có thu nhập cao từ việc trồng rừng. Giải quyết bài toán này, không còn cách nào khác là cần có sự chung tay vào cuộc của vai trò quản lý của Nhà nước, sự tích cực của nhà nông, sự đầu tư của nhà doanh nghiệp trong định hướng, mở các hướng đi; thực hiện các giải pháp về: kỹ thuật, giống, trồng, chăm sóc,… Trong đó, việc sắp xếp lại sản xuất, tìm đầu ra, mở lối đi cho cây keo giữ vai trò quyết định.
 
THANH SA