Di Linh: Đổi thay từ Chương trình 135

06:03, 25/03/2020

Những năm gần đây, huyện Di Linh đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế...

Những năm gần đây, huyện Di Linh đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội từng bước phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện...
 
Người dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, cung ứng làm thức ăn cho Công ty Vinamilk. Ảnh Hoàng Yên
Người dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, cung ứng làm thức ăn cho Công ty Vinamilk. Ảnh Hoàng Yên
 
Di Linh là huyện miền núi nằm ở phía Nam tỉnh Lâm Đồng, có 11/19 xã, thị trấn khu vực 2, 8 xã khu vực 1, với 26 thôn đặc biệt khó khăn; phân bố dân cư không đồng đều; đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 41,8% dân số toàn huyện, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn cao. 
 
Với sự phân bổ dân số và điều kiện sản xuất nêu trên, xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên huyện Di Linh đã tận dụng sự hỗ trợ từ các chương trình như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn mà điển hình là Chương trình 135. Sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020, đến nay 100% số thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Di Linh đã có đường giao thông cho xe cơ giới đi được đến trung tâm xã; các đường liên thôn, ngõ xóm đều sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 100% các xã đã có đủ trường, lớp học, trạm y tế đạt chuẩn theo quy định; 100% các xã có điểm bưu điện văn hóa xã và phủ sóng phát thanh truyền hình; các xã đều có trạm điện và 100% hộ dân ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn được sử dụng nước sinh hoạt. 
 
Công tác giáo dục, đào tạo luôn được coi trọng, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, củng cố từ mầm non đến THPT. Công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân thường xuyên được tăng cường. Tỷ lệ hộ nghèo của các xã, thôn đặc biệt khó khăn từ năm 2016 là 23,12% thì đến hết năm 2019 chỉ còn 6,9%, tỷ lệ hộ cận nghèo các xã, thôn cũng giảm từ 7,4% xuống còn 4,92%, thu nhập bình quân đạt trên 43 triệu đồng/người/năm... Hiện 14 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Ông K’Lào - Phó Phòng Dân tộc huyện Di Linh cho biết: Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. 
 
Có được kết quả ấy chính là nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trên địa bàn cũng như cố gắng vươn lên của bà con. Trong đó, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp được huyện tập trung thực hiện, các chính sách dân tộc giai đoạn 2014 - 2019 được chỉ đạo sát sao. 
 
Từ nguồn vốn Chương trình 135, đến nay toàn huyện thực hiện đầu tư 54 hạng mục công trình, trong đó đầu tư xây dựng mới 43 công trình, duy tu bảo dưỡng 11 công trình, hạng mục đầu tư chủ yếu là: đường giao thông, trường học, thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, công trình thể thao. Đặc biệt, hỗ trợ phát triển sản xuất cho hàng ngàn lượt đối tượng thụ hưởng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số tiền gần 5,4 tỷ đồng, chủ yếu là hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất. 
 
Hiện các công trình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
 
Đánh giá về hiệu quả từ việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số huyện Di Linh trong giai đoạn 2016 - 2020, ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Chúng ta có thể nhận thấy rõ nhất từ việc đưa giống cây trồng mới có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất; các nguồn vốn đều đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao từ việc lựa chọn danh mục, nội dung quy hoạch sản xuất. Khi thực hiện các mô hình, các chương trình sản xuất đã được người dân đồng tình thực hiện, sau khi thực hiện xong người dân bình chọn, nhận xét về các mô hình, chương trình sản xuất, do đó tạo được sự tin tưởng của người dân, thấy hiệu quả người dân tự đóng góp thêm kinh phí mở rộng mô hình.
 
Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đến nay, đời sống Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng được xây dựng, cải tạo khang trang. Huyện Di Linh cũng đã đạt tiêu chí thu nhập bình quân đầu người về xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả trên, đến đầu năm 2020 có 14 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện đã hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020. 
 
Có thể khẳng định, việc triển khai các chương trình, chính sách, dự án như thổi một luồng gió mới đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số Di Linh, giúp bà con có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đó chính là tiền đề để huyện Di Linh tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng nền kinh tế của huyện, phấn đấu trở thành huyện phát triển mạnh về kinh tế.  
 
THANH SA