Di Linh "gồng mình" chống hạn

06:03, 06/03/2020

Ðã hơn ba tháng nay nắng hạn kéo dài khiến hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn huyện Di Linh đang thiếu nguồn nước tưới...

Ðã hơn ba tháng nay nắng hạn kéo dài khiến hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn huyện Di Linh đang thiếu nguồn nước tưới. Hiện tại có một số nơi các dòng suối, ao, hồ tích nước đều đã cạn nước trơ đáy… và chưa năm nào người dân huyện Di Linh phải đối mặt với tình hình hạn hán khốc liệt như năm nay.
 
Bà con nông dân xã Tân Thượng đang ngày đêm tưới nước
Bà con nông dân xã Tân Thượng đang ngày đêm tưới nước
 
Anh K’Kim ở Thôn 1, xã Tân Thượng có 2,5 ha cà phê, hạn hán kéo dài đã làm cho rẫy cà phê có hiện tượng rũ và héo lá, khô cành. Bên cạnh đó, do khó khăn về nguồn nước tưới nên từ những ngày giáp Tết Nguyên đán anh K’Kim cùng 5 hộ trong dòng họ đã liên kết, tận dụng nguồn nước từ dòng suối, khe suối tưới cho vườn cà phê. “Ở khu vực này không có hồ đập, chủ yếu tận dụng nguồn nước từ ao nhỏ và khe suối. Rẫy cà phê lại nằm ở đồi cao cách xa nguồn nước từ 500 - 1.000 mét, vì vậy muốn tưới được phải sử dụng từ 2 máy bơm và từ 10 đến 17 cuộn ống. Bình quân một ngày chỉ tưới được 3 sào, tiêu tốn trên 60 lít dầu. Đây chỉ mới tưới đợt 1 mà nguồn nước đã có dấu hiệu cạn rồi, chắc đợt 2 chỉ trông chờ vào nước trời”, anh K’Kim lo lắng. 
 
Tình hình khô hạn kéo dài cũng đã khiến hàng chục ha lúa nước ở xã Bảo Thuận và Tam Bố không đủ nguồn nước để cày ải và gieo sạ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất lúa vụ Đông Xuân của địa phương.
 
Ông K’Sép ở thôn Kròt Dờng, xã Bảo Thuận bày tỏ: “Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện Di Linh chưa bao giờ người dân phải đối mặt với tình hình hạn hán căng thẳng như năm nay. Để chống hạn cho cây cà phê, ngoài nguồn nước từ công trình thủy lợi Ka La, thời gian qua, bà con đã tận dụng triệt để các nguồn nước từ suối Dà Riồng và tại đập đầu mối thuộc công trình nước sinh hoạt tự chảy… tưới hàng 100 ha cà phê dưới chân núi. Hiện dòng suối Dà Riồng cũng đã cạn và có khoảng 40 ha lúa vụ 2 chưa có nguồn nước để cày bừa”. 
 
Còn ông Phạm Tấn Châu - Cán bộ phụ trách Nông lâm nghiệp xã Tam Bố cho hay: “Hiện nay, các dòng suối, ao hồ tích nước trên địa bàn xã Tam Bố đã cạn trơ đáy ảnh hưởng đến chỉ tiêu kế hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương. Do thiếu nước nên đến thời điểm này trên 40 ha diện tích lúa đông xuân tại khu vực này bà con vẫn chưa thể sản xuất được và 35 ha lúa đã gieo sạ cũng đang trong tình trạng thiếu nước”.
 
Tại các xã Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Gia Hiệp, ngoài nguồn nước từ công trình thủy lợi Ka La, thì còn có hệ thống ao, hồ nhỏ, giếng khoan, đập bậc thang… cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện các nguồn nước từ dòng suối, khe suối tự nhiên cho đến hệ thống ao, hồ nhỏ và vừa này mực nước cũng đã xuống thấp. 
 
Ông Trần Nhật Thi - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: Trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 52 công trình thủy lợi bao gồm: 37 hồ chứa nước, 15 đập dâng, chủ động tưới của các công trình thủy lợi 13.242 ha; Nhân dân tự đào 6.118 ao, hồ, tưới cho khoảng 8.236 ha; tận dụng sông suối, khe mạch trên địa bàn tưới được 9.336,2 ha; và 5.894 ha được tưới từ khoảng 3.500 giếng khoan.
 
Theo ông Vũ Hồng Long - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh: “Di Linh là vùng trọng điểm sản xuất cà phê của tỉnh Lâm Đồng với hơn 44.598 ha. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng trong mùa khô hạn, thời gian qua, huyện Di Linh đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác nạo vét kênh mương, tu sửa các công trình thủy lợi; xây dựng phương án điều tiết tích nước, phân phối nguồn nước từ sông suối, ao hồ thủy lợi nhỏ và vừa; đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân nạo vét ao hồ và tưới nước tiết kiệm tránh lãng phí nguồn nước…”. 
 
Thống kê đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Di Linh số diện tích cây trồng đã được người dân tưới đợt 1 đạt 98%, tưới đợt 2 được 75% và 21% diện tích đã được tưới đợt 3. Riêng về sản xuất vụ lúa Đông Xuân đã làm đất, gieo cấy được 662 ha, đạt 62,44% kế hoạch, trong đó số diện tích đã xuống giống được 582 ha.
 
NDONG BRỪM