Giảm thiểu ô nhiễm trong khai thác khoáng sản

06:03, 17/03/2020

Theo UBND huyện Đơn Dương, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 5 cơ sở sản xuất đá xây dựng và 6 cơ sở khai thác cát sỏi đang hoạt động. 

Theo UBND huyện Đơn Dương, trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 5 cơ sở sản xuất đá xây dựng và 6 cơ sở khai thác cát sỏi đang hoạt động. 
 
Đây là những cơ sở được cấp phép, trong đó 5 cơ sở sản xuất đá xây dựng có công suất thiết kế 5,169 triệu m 3 (công suất tiêu thụ thực tế trên địa bàn hằng năm chỉ vào khoảng 0,185 triệu m 3); còn 6 cơ sở khai thác cát có tổng công suất thiết kế 0,568 triệu m 3 (công suất thiết kế này có thể cao hơn so với số báo cáo do các bãi bồi trên sông suối thường biến động trong mùa mưa), trong thực tế công suất tiêu thụ và khai thác trung bình hằng năm chỉ ở mức 0,076 triệu m 3
 
Theo chỉ đạo, các ngành chức năng của huyện đã tăng cường kiểm tra các đơn vị này, yêu cầu chấp hành các qui định của pháp luật trong hoạt động; thực thi đầy đủ các điều khoản đã cam kết trong đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh môi trường; thực hiện tốt công tác hoàn nguyên mỏ và khu vực sản xuất sau khi khai thác. 
 
Với các đơn vị khai thác cát sỏi lòng sông, Đơn Dương cho biết cũng yêu cầu không gây ô nhiễm môi trường, không gây sạt lở, sụt lún bờ sông khi khai thác. Với các đơn vị khai thác đá làm vật liệu xây dựng, bên cạnh yêu cầu hạn chế dùng mìn nổ trong hoạt động khai thác đá, huyện cũng đề xuất thực hiện nghiêm túc việc không cấp phép thăm dò, khai thác đá làm vật liệu xây dựng ở chân sườn đồi, núi và dọc theo các tuyến quốc lộ để bảo vệ cảnh quan môi trường, khuyến khích các đơn vị sản xuất đá xây dựng kết hợp đầu tư dây chuyền sản xuất cát nhân tạo, vật liệu xây dựng không nung. 
 
Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hoạt động trên địa bàn huyện với công nghệ khai thác lạc hậu đã gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. 
 
 Chẳng hạn phần lớn các mỏ đá xây dựng hiện nay thường khai thác bằng nổ mìn, quy trình sản xuất thủ công, lạc hậu, không có hệ thống thu bụi, khiến cho hàm lượng bụi ở nơi làm việc lớn gấp nhiều lần so với cho phép. 
 
Theo đánh giá của huyện, việc khai thác khoáng sản gây ra những hệ quả tiêu cực về môi trường, không chỉ làm phát sinh các chất thải nguy hiểm, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước, làm mất đa dạng sinh học, tàn phá rừng mà còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, hạ thấp nước ngầm những vùng lân cận, thay đổi hướng chảy trong túi nước ngầm, gây ô nhiễm túi nước ngầm nằm dưới vùng khai mỏ do nước ô nhiễm ở tầng mặt ngấm xuống. 
 
 Chính vì vậy, trong một báo cáo gần đây, UBND huyện Đơn Dương đã đề nghị UBND tỉnh cần kiểm tra, rà soát lại trữ lượng khoáng sản trên địa bàn tỉnh để quy hoạch cho phù hợp, đồng thời đề nghị tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động quá trình khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp hiện nay để giảm thiểu tình trạng gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến bức xúc trong người dân. 
 
VIẾT TRỌNG