Loay hoay chuyện bồi thường cây trồng làm đường tại Đam Rông

06:03, 31/03/2020

Dự án làm đường giao thông nông thôn cấp IV nối xã Phi Liêng và Đạ K'Nàng (huyện Đam Rông) đã khởi công xây dựng một thời gian dài, nhưng tới giờ chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết xong tiền bồi thường cây trồng trên đất cho người dân khiến đơn thư khiếu nại kéo dài.

Dự án làm đường giao thông nông thôn cấp IV nối xã Phi Liêng và Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông) đã khởi công xây dựng một thời gian dài, nhưng tới giờ chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết xong tiền bồi thường cây trồng trên đất cho người dân khiến đơn thư khiếu nại kéo dài.
 
Một nhánh đoạn đường chưa được thông tuyến hoàn toàn do chủ đầu tư chưa thống nhất được với người dân về đơn giá bồi thường cây trồng trên đất
Một nhánh đoạn đường chưa được thông tuyến hoàn toàn do chủ đầu tư chưa thống nhất được với người dân về đơn giá bồi thường cây trồng trên đất
 
Theo tường trình của 8 người dân thôn Liêng Đơn (xã Phi Liêng), năm 2017, huyện Đam Rông đã triển khai làm đường giao thông nông thôn, thuộc Dự án “Đường khu vực 200 vượt sông Đạ K’Nàng sang Póop Lé, Phi Liêng” với chủ trương Nhà nước bồi thường, hỗ trợ cây trồng và tài sản vật kiến trúc trên đất và Nhân dân hiến đất, làm đường.
 
Trước khi thi công làm đường, theo ông K’Bớ, chủ đầu tư là Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Đam Rông cùng người dân đã đi kiểm kê số cây trồng trên đất. Sau khi kiểm kê xong chủ đầu tư đã cho đối ứng 50% số tiền cây trồng bị thiệt hại. Thời điểm này, gần 100 hộ dân được đền bù cây trồng trên đất của dự án đều đồng thuận với mức đền bù, hỗ trợ và chấp thuận nhận số tiền còn lại vào tháng 11/2019.
 
Tuy nhiên, theo người dân, tới cuối năm 2019, khi đi nhận tiền bồi thường tài sản cây trồng, tài sản nhà trên đất thì rất nhiều hộ dân đã bất ngờ khi họ không được nhận đủ số tiền theo bản kiểm kê và bản dự thảo ban đầu mà chủ đầu tư đưa ra. “Phía chủ đầu tư giải thích do họ kiểm kê tính nhầm lên giá bồi thường cây trồng cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước nên giờ phải hạ xuống cho đúng do đó số tiền chỉ có như vậy thôi. Chúng tôi không đồng ý với cách giải thích trên và yêu cầu bồi thường đúng và đủ số tiền như biên bản kiểm kê cây trồng trong dự thảo lập lên ban đầu” - ông K’Bớ nói và cho biết thêm tới thời điểm hiện tại, nhiều người dân vẫn chưa được nhận đủ số tiền còn lại theo lời cam kết của chủ đầu tư.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hải Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Đam Rông cho biết: Dự án có tổng chiều dài 6 km, gồm 2 nhánh với vốn đầu tư 49 tỷ 549 triệu đồng, thời gian thực hiện trong 4 năm (2017 - 2020). 
Về việc có sự chênh lệch lớn đối với việc kiểm kê cây trồng so với dự thảo kiểm kê lập ban đầu khiến một số người dân có đơn thư kéo dài, ông Thái xác nhận: Đúng là có sự khác nhau trong cách tính trước và sau nên số tiền bồi thường, hỗ trợ có sự thay đổi. 
 
Theo ông Thái, thời điểm đầu đơn vị kiểm kê cây trồng để hỗ trợ người dân và thi công đường do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đam Rông làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, bên Trung tâm Phát triển quỹ đất kiểm kê số cây và tính trong dự thảo ban đầu không đúng về mật độ chuẩn cây trồng trên 1ha.
 
Ông Thái ví dụ trường hợp của ông K’Bớ (xã Phi Liêng) kiểm kê có tổng cộng 602 cây cà phê dòng Rubusta và nhân với đơn giá 177.000 đồng/cây sẽ ra 106,5 triệu đồng. Tuy nhiên, cách tính ban đầu như vậy không đúng theo Quyết định 03/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại đối với cây trồng trên đất. Theo Quyết định 03 thì mật độ cây trồng chuẩn 1 ha tương đương với 1.100 cây trồng chính. Đối với thửa đất trồng dày vượt 1.100 cây thì buộc phải đưa xuống tính theo cây trồng xen, trong đó cây trồng xen khi tính đơn giá hỗ trợ không được vượt quá một nửa của cây trồng chính. “Như vậy căn cứ vào Quyết định số 03/2013, căn cứ loại đất và diện tích thì ông K’Bớ chỉ được 236 cây trồng chính và 366 cây là cây trồng xen nên số tiền nhận thực chỉ còn 62,6 triệu đồng. Trong khi đó, dự thảo ban đầu của Trung tâm Phát triển quỹ đất lấy 602 cây cà phê của ông K’Bớ đưa vào diện cây trồng chính là cách tính không đúng nên chúng tôi phải điều chỉnh lại theo đúng quy định của UBND tỉnh” - ông Thái giải thích.
 
Hiện nay Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng được đổi thành Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng Công trình công cộng nên về quy trình công nhận mẫu con dấu, chữ ký kế toán… đơn vị này phải đợi cơ quan chức năng phê duyệt. Và theo ông Thái, trong một vài ngày tới, mới có thể rút tiền chi trả số tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân. Ngoài ra, tuyến đường khu vực 200 vượt sông Đạ K’Nàng sang Póop Lé, Phi Liêng tới thời điểm này vẫn còn khoảng 10 hộ chưa thống nhất với phương án bồi thường theo đơn giá Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng đưa ra nên vẫn còn khoảng 300-400 m đường chưa được thi công thông tuyến toàn bộ.
 
C.THÀNH - T.LINH