Phòng chống cháy, nổ trong mùa khô (Kỳ 1)

06:03, 02/03/2020

Cháy, nổ là tai họa vô cùng thảm khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và con người. Nguy cơ cháy, nổ luôn đe dọa cuộc sống bình yên của không chỉ các hộ gia đình mà còn của cả các tổ chức, doanh nghiệp lớn nhỏ...

[links()]
Cháy, nổ là tai họa vô cùng thảm khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và con người. Nguy cơ cháy, nổ luôn đe dọa cuộc sống bình yên của không chỉ các hộ gia đình mà còn của cả các tổ chức, doanh nghiệp lớn nhỏ. Chỉ một chút chủ quan, lơ là, mất cảnh giác thôi thì “bà hỏa” có thể viếng thăm bất cứ nơi nào cho dù đó là nơi nhà cao cửa rộng, hiện đại hay là những căn nhà lụp xụp, cấp 4 đơn sơ và để lại những hậu quả rất nặng nề. 
 
Còn nhiều khó khăn trong công tác phòng chống
 
Thời gian gần đây, các vụ cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng đang bước vào tháng cao điểm mùa khô, thời tiết nắng nóng hanh khô và gió nên nguy cơ cháy, nổ rất cao. Vì vậy, phòng, chống cháy, nổ đang là nhiệm vụ cấp bách của các cấp, các ngành, tổ chức, đơn vị và của mọi người dân. Công tác tuyên truyền, phòng chống cháy, nổ được triển khai bằng nhiều biện pháp cấp bách nhưng vẫn còn những vấn đề khiến cho công tác này gặp nhiều khó khăn.
 
 Lực lượng Cảnh sát PCCC dập lửa một ngôi nhà cấp 4 trên đường Ngô Thì Nhậm (Phường 4, TP Đà Lạt). Ảnh: Chính Thành
Lực lượng Cảnh sát PCCC dập lửa một ngôi nhà cấp 4 trên đường Ngô Thì Nhậm (Phường 4, TP Đà Lạt). Ảnh: Chính Thành
 
Gia tăng các vụ cháy nổ trong những tháng mùa khô
 
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn - cứu hộ Công an tỉnh cho biết, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh gần đây đang có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại và đang ở mức cảnh báo cao. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn - cứu hộ Công an tỉnh, từ 15/12/2019 đến 14/2/2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ cháy. Trong đó, có 7 vụ cháy nhà dân, 3 vụ cháy xưởng gỗ, 1 vụ cháy bãi rác, 1 vụ cháy xe ô tô và nhiều vụ cháy thực bì, cháy cỏ, cháy rừng lan vào nhà dân. 
 
Những vụ cháy này rất may không gây thiệt hại về người, nhưng đã làm 2 người bị thương, thiệt hại tài sản lên đến 2,3 tỷ đồng. Hầu hết các vụ cháy đều xảy ra ở nhà dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen lẫn trong khu dân cư. Các vụ đốt cỏ, đốt thực bì để phòng chống cháy rừng nhưng do không được trông coi cẩn thận cũng đã làm cháy lan vào nhà dân không kiểm soát được. Điều này cho thấy, nguyên nhân gây cháy tại các khu dân cư cũng như các cơ sở sản xuất chủ yếu là do ý thức chấp hành những quy định về phòng cháy chữa cháy của người dân, người đứng đầu cơ sở sản xuất còn hạn chế. Nhiều người còn chủ quan, chưa nắm vững kiến thức về phòng cháy chữa cháy…
 
Khi đang ngồi viết bài về công tác phòng chống cháy, nổ này, thì cũng là lúc tôi nhận được thông tin ở thị trấn Lạc Dương vừa xảy ra một vụ cháy kho lạnh chứa hoa hồng khiến người dân xung quanh một phen hoảng loạn. Rất may vụ cháy được lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp kịp thời khống chế và không để cháy lan rộng sang nhiều nhà dân xung quanh. Nói như vậy để thấy rằng, ý thức con người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm thiểu tai nạn cháy nổ và thiệt hại về người và tài sản.
 
Lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh tham gia chữa cháy.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh tham gia chữa cháy.
 
Ý thức phòng chống cháy nổ chưa cao
 
Trước hết, phải khẳng định rằng, không phải chờ đến khi các vụ cháy nổ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, mà thường xuyên mỗi năm, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ - cứu nạn vẫn luôn chủ động tham mưu với cấp trên đề xuất các biện pháp để triển khai công tác phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Đơn vị cũng thường xuyên kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn ở chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh; triển khai nhiều biện pháp, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất - kinh doanh…. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ tại khu dân cư và hộ gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng, theo phân tích là do còn nhiều khó khăn, mà chủ yếu là những yếu tố chủ quan. 
 
Trước tiên, phải kể đến đó là nhận thức của người dân về công tác phòng chống cháy nổ chưa cao. Người dân còn chưa nhận thức được rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong phòng cháy, chữa cháy, thiếu kỹ năng xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ đầu. Hầu hết người dân vẫn coi việc phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Một bộ phận người dân rất lơ là, mất cảnh giác, coi thường công tác phòng cháy, chữa cháy, không nhận thức được đầy đủ tác hại của cháy, nổ gây ra. Việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng PCCC đến với cư dân gặp khó khăn vì người dân không mấy mặn mà tham gia những buổi tập huấn, hoặc chỉ tham gia cho có lệ. Những buổi tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, kỹ năng phòng cháy chữa cháy cho người dân, cơ sở sản xuất, quán ăn, khách sạn vắng người có trách nhiệm tham dự…
 
Vụ cháy nhà vừa xảy ra đầu tháng 2/2020 trên đường Ngô Thì Nhậm, Đà Lạt
Vụ cháy nhà vừa xảy ra đầu tháng 2/2020 trên đường Ngô Thì Nhậm, Đà Lạt
 
Bên cạnh đó, ở các khu dân cư, lực lượng dân phòng cũng chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong công tác phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư. Một số địa phương xã, phường chưa lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, chưa kiểm tra về phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư theo qui định. Ở một số chung cư, còn những bất cập về bàn giao trách nhiệm quản lý, điều hành công tác phòng cháy chữa cháy. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng cháy chữa cháy tại khu dân cư, hộ gia đình chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu chiều sâu. Một số loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao chưa được qui định tại Phụ lục I, Nghị định 79/2014, như nhà trọ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xen lẫn khu dân cư, nhà có nhiều căn hộ cho thuê… khiến cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn - cứu hộ gặp khá nhiều khó khăn trong quản lý phòng cháy, chữa cháy đối với các loại hình này.
 
Qua những vụ cháy trong thời gian gần đây cho thấy, ý thức người dân là rất quan trọng. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cũng vô cùng cần thiết, góp phần giảm thiểu tối đa các vụ cháy cũng như hậu quả khi sự cố xảy ra.
 
Kỳ 2: Nhiều biện pháp chủ động phòng chống cháy, nổ.
 
NGUYỄN NGHĨA