Xây dựng nông thôn mới bền vững: Không thể bỏ quên yếu tố môi trường

06:03, 25/03/2020

Tính đến hết tháng 2/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 92/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đơn Dương là một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của toàn quốc...

Tính đến hết tháng 2/2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có 92/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Đơn Dương là một trong 4 huyện trong toàn quốc được Trung ương chọn chỉ đạo thực hiện Đề án mô hình thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu của toàn quốc. Nhưng, thách thức trong xây dựng nông thôn mới (XD NTM) một cách bền vững với Lâm Đồng vẫn tồn tại và địa phương đang trăn trở tìm hướng giải quyết. 
 
Nhân dân tham gia làm đường nông thôn tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà
Nhân dân tham gia làm đường nông thôn tại thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà
 
Thành quả xây dựng NTM 
 
Thông tin từ Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình XD NTM tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng nguồn lực huy động giai đoạn 2016 - 2019 cho XD NTM đạt xấp xỉ 32 ngàn tỷ đồng. Nguồn vốn tới từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp, vốn tín dụng và từ cả đóng góp của cư dân nông thôn với mức 1 ngàn tỷ đồng. Không chỉ góp tiền, Nhân dân còn đóng góp hàng trăm ha đất, hàng vạn cây trồng, hàng ngàn công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng. 
 
Tính tới hết tháng 2/2020, toàn tỉnh có 92/111 xã đạt chuẩn NTM; huyện Đơn Dương đạt chuẩn huyện NTM, huyện Đức Trọng, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc đã hoàn thành nhiệm vụ XD NTM. Mặc dù vậy, Lâm Đồng vẫn đánh giá, XD NTM của địa phương tuy có nhiều thành công nhưng vẫn có không ít thách thức, trong đó có hai thách thức lớn nhất về môi trường và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, một trong những nhân tố giúp nông thôn phát triển bền vững.
 
Bảo vệ môi trường và xây dựng các chuỗi liên kết 
 
Ban chỉ đạo XD NTM Lâm Đồng đánh giá, dù phong trào XD NTM đạt kết quả rất khả quan, xếp hạng cao toàn quốc nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều tiêu chí chưa bền vững và cần quá trình lâu dài. Cụ thể như công tác bảo vệ môi trường nông thôn tuy được quan tâm nhưng kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, kể cả đối với những địa phương đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Việc thu gom rác thải chưa triệt để, xử lý mới ở mức chôn lấp, tỷ lệ cây xanh giảm dần..., nhiều vấn nạn môi trường đang trở thành sức ép tại nông thôn. 
 
Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà, huyện Lâm Hà cho biết, dù xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nhưng vấn đề môi trường còn rất khó khăn. Việc thu gom rác thải, đóng phí thu gom, rác thải nhựa, rác thải nông nghiệp... vẫn là nỗi lo thường trực của Nam Hà. Ngay cả với các thị trấn như Đinh Văn của huyện Lâm Hà, việc bảo vệ môi trường vẫn là vấn đề khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình XD NTM bền vững. Không chỉ Lâm Hà, hầu hết các địa phương cấp xã, thị trấn trong toàn tỉnh, vấn đề môi trường vẫn là nỗi lo thường trực. Ngay cả Đơn Dương, huyện đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và đang trong quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, số lượng cây xanh giảm sút khiến cảnh quan môi trường nông thôn thiếu mảng xanh cũng đang là nỗi lo của địa phương.
 
Không chỉ môi trường, việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị còn hạn chế, kinh tế tập thể đã tăng nhanh về số lượng HTX nhưng nhiều HTX có quy mô nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Toàn tỉnh có 2 liên hiệp HTX, 234 HTX với 6.855 thành viên. Về chuỗi liên kết sản xuất có 125 chuỗi với sự tham gia của 75 doanh nghiệp, 40 HTX, 42 tổ hợp tác, cơ sở và trên 13 ngàn nông dân. Tuy nhiên, lượng nông sản tiêu thụ qua các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ còn chiếm số lượng ít so với sản lượng nông sản toàn tỉnh. Ngay thành phố Đà Lạt, lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố chia sẻ, việc động viên Nhân dân tham gia các tổ chức hợp tác rất khó, HTX đã thành lập thì hoạt động cũng chưa thực sự hiệu quả. Theo Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo Chương trình XD NTM tỉnh Lâm Đồng đánh giá, liên kết sản xuất tại vùng cây công nghiệp còn yếu, liên kết vùng rau hoa, lúa tốt hơn nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. 
 
Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chia sẻ, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững là mục tiêu xuyên suốt của Lâm Đồng nhằm xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Và, chỉ khi có vùng nguyên liệu bền vững, nông sản Lâm Đồng mới tham gia được vào chuỗi liên kết tiêu thụ toàn cầu, đảm bảo nông thôn phát triển bền vững.  
 
 DIỆP QUỲNH