Chế độ dinh dưỡng hợp lý, phòng chống dịch bệnh Covid-19

02:04, 09/04/2020

(LĐ online) - Bên cạnh các biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lối sống tích cực, lành mạnh...

(LĐ online) - Bên cạnh các biện pháp phòng chống lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, theo khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới, chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lối sống tích cực, lành mạnh cũng đóng góp vai trò quan trọng giúp nâng cao miễn dịch và phòng chống bệnh dịch. Chế độ dinh dưỡng hợp lý và đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.
 
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh minh họa
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Ảnh minh họa

 

1. Đảm bảo an toàn thực phẩm

- Khi đi mua thực phẩm: 
 
Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm. Không mua thực phẩm bị ôi, hỏng. Tuyệt đối không tiếp xúc, mua bán thịt động vật, gia cầm chết do bị bệnh vì đây là các nguồn gây bệnh.
 
Rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia cầm, gia súc và các loại thịt sống.
 
- Chế biến thực phẩm tại nhà:
 
Sử dụng găng tay, khẩu trang, đeo tạp dề khi chế biến đồ ăn.
 
Sử dụng dao và thớt riêng khi làm thực phẩm sống và chín để tránh lây nhiễm chéo.
 
Sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh.
 
Nấu chính các loại thức ăn trước khi ăn để bảo đảm tiêu diệt các mầm bệnh như: Virus, vi khuẩn…
 
- Ăn uống đảm bảo vệ sinh:
 
Ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm.
 
Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống: Không sử dụng đũa, muỗng mình ăn để gắp, xúc các món ăn dùng chung; phải sử dụng muỗng đũa riêng để lấy thức ăn, sau đó mới sử dụng muỗng đũa của cá nhân để ăn của mình. 
 
Không uống chung ly nước.
 
2. Tăng cường miễn dịch cho cơ thể
 
- Thực hiện tốt 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi (theo Tháp dinh dưỡng cân bằng cho người Việt dành cho mọi lứa tuổi khác nhau do Viện Dinh Dưỡng – Bộ Y tế ban hành).
 
- Bổ sung thực phẩm nhiều đạm (protein) trong các bữa ăn hàng ngày giúp cơ thể duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh và giúp nhanh lành bệnh. Chất đạm còn cung cấp nguyên liệu tổng hợp các tế bào bạch cầu và kháng thể. Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm: Thịt, cá, trứng, sữa và các loại đậu, đỗ, rau củ… nên phối hợp đa dạng thực phẩm trong bữa ăn.
 
- Cung cấp đầy đủ các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất cần thiết có tác dụng tăng cường miễn dịch trong bữa ăn hàng ngày (A, C, D, E, sắt, kẽm, selen). Đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
 
- Vitamin A, Beta-caroten và Omega-3: Đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa chống lại sự tấn công của virus gây bệnh. Thực phẩm chứa các chất này là cá và các loại hải sản, gan động vật, lòng đỏ trứng.
 
- Vitamin C: Nguồn thực phẩm giàu Vitamin C gồm cam, bưởi, ổi, quýt, nho… và các loại rau tươi như cà chua, súp lơ, củ cải, ớt chuông… Đây là chất dinh dưỡng giúp ức chế sự tổng hợp của virus mới xâm nhập.
 
- Vitamin E: Trong cơ thể, Vitamin E tham gia chuyển hóa của các tế bào, bảo vệ màng tế bào khỏi bị oxy hóa. Thực phẩm giàu Vitamin E chủ yếu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu ô liu, các loại hạt và các loại rau có màu xanh đậm. 
 
- Vitamin D: Liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch, tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh. Nguồn chính của Vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ cực tím mặt trời. Mỗi ngày cần tắm nắng từ 15-30 phút, sử dụng các thực phẩm như gan cá, trứng, lòng đỏ trứng, hải sản… trong bữa ăn hàng ngày.
 
- Selen: Là một trong những khoáng chất vi lượng thiết yếu có thể ngăn chặn những rối loạn chuyển hóa, góp phần xây dựng cơ thể khỏe mạnh, làm chậm quá trình lão hóa, chống oxy hóa mạnh, chống nhiễm trùng cho cơ thể. Nguồn là các loại thực phẩm như gạo nâu, lúa mạch, rong biển, cá…
 
- Sắt và kẽm: Giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ miễn dịch. Nguồn cung cấp kẽm ở hàu, cua, thị bò, lợn, gà… giúp cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.
 
Nếu trong khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên hoặc khi cơ thể được bác sĩ chẩn đoán bị thiếu vi chất dinh dưỡng, chúng ta nên bổ sung chất vi dinh dưỡng bằng các sản phẩm có chứa vi sắt, kẽm, Vitamin A, D, E … hoặc viên đa vi chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa Flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể, các thực phẩm giàu Flavonoid như các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, trà xanh…
 
3. Uống nước đúng cách 
 
Cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau. Tỷ lệ 2/3 lượng nước do đồ uống cung cấp, phần còn lại do thực phẩm khác cung cấp:
 
- Uống nước sạch và đun sôi để nguội, uống chậm, từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày ngay cả khi không khát, không được để miệng và cổ họng khô.
 
- Không uống nước đun đi đun lại nhiều lần; không uống nước nhiều trước khi đi ngủ; không nên uống nước ngọt thay cho nước lọc; những đồ uống chứa cồn, trà, cà phê có tác dụng lợi tiểu làm tăng tốc độ mất nước qua thận, do vậy cần hạn chế.
 
4. Giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh
 
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như: Khăn mặt, bàn chải đánh răng, ly uống nước; thường xuyên giặt khăn và giữ khăn luôn khô, sạch, treo ở những nơi thoáng mát.
 
- Tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, mũi, miệng. Hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác trong thời gian còn dịch bệnh. Nên dùng khăn giấy sạch khi dụi mắt, lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng hoặc với dung dịch sát khuẩn.
 
- Các vật dụng, các vị trí mà mọi người thường xuyên tiếp xúc như: Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, khóa vòi nước, bàn làm việc, máy tính, điện thoại, đồ chơi… hoặc bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay cần cẩn thận và hãy lau sạch các vật dụng này thường xuyên.
 
Bên cạnh đó, chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ nghỉ cần có quy luật; bảo đảm thời gian ngủ mỗi ngày không ít hơn 7 tiếng, tránh thức khuya. Thực hiện các bài tập thể dục cá nhân, thời gian mỗi ngày tập luyện ít nhất 30 phút ở cường độ trung bình làm tăng nhịp tim và nhịp thở; hạn chế hoạt động thể thao ở những nơi đông người để tránh lây nhiễm chéo; tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhẹ 15 phút mỗi ngày giúp cơ thể tổng hợp đủ Vitamin D.
 
KIM CÚC