Đưng Trang mùa thác reo

06:04, 17/04/2020

Phía thượng nguồn sông K'Rông Nô, neo theo con suối Đưng K'Nớh là nơi cộng cư của 33 hộ dân người K'Ho và người Mường. Thôn Đưng Trang, địa danh cuối của huyện Lạc Dương giáp huyện Đam Rông,...

Phía thượng nguồn sông K’Rông Nô, neo theo con suối Đưng K’Nớh là nơi cộng cư của 33 hộ dân người K’Ho và người Mường. Thôn Đưng Trang, địa danh cuối của huyện Lạc Dương giáp huyện Đam Rông, dù vẫn còn là thôn nghèo nhất của xã nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, nhưng nay kinh tế - xã hội đã phát triển gấp nhiều lần so với 16 năm trước tôi đến.
 
Xong cống hộp, ô tô sẽ thông sang Đam Rông thời gian tới
Xong cống hộp, ô tô sẽ thông sang Đam Rông thời gian tới
 
“Trẻ em như búp trên cành”
 
Năm 2003, tôi đi xe thồ đến Đưng Trang, tấp vào một nhà lá bên đường, may mắn đúng nhà Thôn phó Bon Niêng Ha Bông. Lúc đó thôn nghèo toàn diện. 27 hộ với 117 nhân khẩu, có 5 nhà “tình thương”. Ha Bông cho biết, thôn có 18 học sinh (HS) các độ tuổi học lớp 1. Nhưng có 5 cháu đủ 6 tuổi không đi học được như Phi Xrôn Ha Chang, K’Lăng, K’Muh, Rơ Ông Ha Hon và Phi Xrôn Kavơ con của thôn trưởng. Các cháu không có bà con ở gần trường để tạm trú, từ nhà ra trường đi bộ hơn 2 giờ đường rừng, đành không “kiếm” được cái chữ. Thời điểm này, chưa có trẻ em nào học THCS mặc dù xã đã có trường. Tôi nhớ mãi câu nói của Ha Bông: “Mình đã đạt tiêu chuẩn biết chữ của quốc gia, được cấp giấy chứng nhận rồi mà!”. Anh rất tự hào, nhưng đó mới chỉ là chương trình xóa mù chữ thôi... 
 
Giờ trở lại, Đưng Trang thay đổi rất nhiều. Hộ đồng bào dân tộc tại chỗ chỉ tăng một hộ, với 21 nhân khẩu; tính cả hộ người Mường-Kinh đến định cư, toàn thôn có 33 hộ, 164 nhân khẩu. Thế nhưng thôn có hẳn phân trường học mầm non với nhiều thiết bị hiện đại dạy trên lớp và tổ chức hoạt động ngoài trời. Trường xây dựng năm 2015 từ hỗ trợ hơn 400 triệu đồng của một tổ chức phi chính phủ quốc tế và 2 năm qua, huyện đầu tư hơn 600 triệu đồng. Trước đây, giáo viên từ xã thay phiên nhau vào dạy, giờ đã có 2 cô giáo người của thôn, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm. Hiệu trưởng Trường Mầm non Nguyễn Thị Nông nói: “Học trò dưới Đưng Trang đa số học giỏi hơn các thôn trên này mới hay chớ. Nhưng đa số phụ huynh lại ít quan tâm con em mình nên học trò đi lang thang, đến giờ học mới lên lớp”. Trước tình hình này, giải pháp duy trì sĩ số và đặc biệt là nâng chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ được quan tâm. Trường kêu gọi các nhà hảo tâm cũng như vận động giáo viên trong nhà trường đóng góp lương thực và thực phẩm, vì 120.000 đồng/tháng/HS theo quy định của Nhà nước chưa thể đáp ứng. Số trẻ không đủ để định biên cấp dưỡng, cô giáo vừa dạy học vừa nấu ăn và tổ chức bán trú cho 11 trẻ từ 2 đến 5 tuổi. Tình yêu thương ấy là cốt lõi để “giữ chân” HS. Từ năm học 2016-2017 đến nay, tất cả 10 HS Đưng Trang hoàn thành chương trình mầm non đều được vào lớp 1. 
 
Mọi HS tiểu học, THCS, THPT ở Đưng Trang đều được hưởng chính sách nội trú. Tiểu học, THCS học trường xã, THPT học trường tỉnh và huyện. HS được bố mẹ chở ra trường, ở lại cả tuần. Nhà nước chu cấp đủ ăn, ở, sách vở. Không còn cảnh đi bộ cả ngày đường rừng, mang vài bò gạo, nhúm rau rừng hay dăm con cá suối nhỏ tẹo của nhà đến trường như ngày Bon Niêng Ha Liêng đi học cấp 2 ở huyện nữa. “Khổ lắm”, anh nói. “Muốn làm việc thì phải học chớ”, vợ anh, chị Phi xrôn K’Nga kết luận. Đó là hiện thực: Ha Liêng là trưởng thôn đầu tiên của Đưng Trang từ năm 1999, sau lên xã làm phó chủ tịch HĐND, giờ là Chủ tịch Mặt trận xã kiêm bí thư thôn từ đầu năm này. Gia đình K’Nga có truyền thống học hành, em út Phi Xrôn Ha N’Rang từng là Chủ tịch UBND xã, nay là Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã; cô chị là giáo viên mầm non. 
 
Câu chuyện học hành của thôn Đưng Trang được vợ chồng Ha Liêng chắp nối dài ra trong niềm vui. Tất cả trẻ trong độ tuổi đã hoàn thành chương trình tiểu học đều vào THCS. Thôn đã có 8 người học THPT, trong đó gia đình Ha Liêng có 2 người, anh và con trai đầu Ha Chàng, cậu ấy tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đang làm nhân viên tại Trường Tiểu học xã. Đó là 2 cô giáo là K’Wơh và K’Pi tốt nghiệp cao đẳng sư phạm dạy mầm non; Ha Muôn xong trung cấp làm địa chính xã; Ha Rét hoàn thành nghĩa vụ quân sự làm công ty vận tải đường biển…
 
 Nguồn thu nhập quan trọng đối với phụ nữ nhờ làm thổ cẩm
Nguồn thu nhập quan trọng đối với phụ nữ nhờ làm thổ cẩm
 
Thay đổi gấp chục lần
 
Ha Liêng khẳng định như vậy khi so sánh thời lập thôn mà anh làm thôn trưởng và hiện nay. Giờ không còn chủ yếu vô rừng làm lâm sản phụ như đào củ cung, rút dây mây song, tìm cây lan, lột cây măng… và “quanh quanh phát được thì trồng ít lúa, còn cà phê chưa ai nghĩ tới”. Khoảng năm 1997, 1998, cây cà phê mới có chỗ đứng trên đất Đưng Trang, “nó vào theo Chương trình 327”. Cùng đó, chăn nuôi phát triển dần. Dân có cái ăn mới tính đến chuyện làm nhà. Giờ 100% nhà tranh được thay đổi bằng nhà mái tôn, vách gỗ, nền xi măng, trong đó Nhà nước hỗ trợ tôn và xi măng. 
 
Năm 2004, Đưng Trang có điện lưới quốc gia. Ha Liêng cho tôi biết, nhà nào cũng có tivi, bếp ga, nồi cơm điện... Cả thôn có mấy chiếc tủ lạnh và khoảng hơn 50 chiếc xe máy... Các hộ dân bình quân được chia mỗi hộ khoảng 1 ha đất canh tác nông nghiệp. Mỗi hộ được có hơn 1 sào lúa, 2 vụ/năm, năng suất khoảng gần 2 tấn/sào. Thu nhập chính từ cà phê, nhà khá nhất đạt khoảng 2 tấn nhân, giá bán không bị tư thương ép mất tới 1/3 như xưa nữa. Thời điểm này, ôtô vào lấy giá 28.000 đồng/kg nhân khô. Rất vui là Đưng Trang thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà nên hàng năm được hỗ trợ 40 triệu đồng mua sắm thiết bị máy móc bơm nước tưới nông nghiệp. Lương thực tự cung, thực phẩm và các nhu cầu sinh hoạt khác quy từ cà phê và lâm sản ngoài gỗ như lan, mây, măng... Đặc biệt là mật ong rừng, đúng mùa bà con đi thu được hàng trăm lít, mật ong treo giá trung bình 400.000 đồng/lít, mật ong đất giá 500.000 đồng/lít... Một số hộ như bà Rơ Ông K’Rao, bà Bon Niêng K’Nghe… còn thu nhập từ dệt thổ cẩm, trung bình mỗi tấm có giá 600.000 đồng. Và nữa, cả 28 hộ đều được nhận khoán quản lý bảo vệ rừng, bình quân 28 ha/hộ; mỗi quý nhận 1,5 triệu đồng. Vợ chồng K’Nga - Ha Liêng đồng thanh rằng, mấy năm nay không có xảy ra cháy rừng hay bị phá rừng. Tổ trưởng là anh Đinh Văn Tám, dân tộc Kinh ở Thanh Hóa vào lập nghiệp với cô gái dân tộc Mường, Trương Thị Diện, làm chủ quán. Quán rất nhiều hàng, từ lương thực đến thực phẩm, từ bánh kẹo, sữa đến kem đánh răng, giấy vệ sinh, dày, dép,... Cô Diện cho biết, giá chỉ chênh lệch so với ngoài ít nhất 500 đồng (gói mì tôm), 1.000 đồng (hộp sữa) và cao nhất 2.000 đồng (nước ngọt, giày dép)...
 
Cây cối xanh tươi nhờ có máy bơm hỗ trợ từ Vườn quốc gia
Cây cối xanh tươi nhờ có máy bơm hỗ trợ từ Vườn quốc gia
 
Nhịp cầu nối bờ vui 
 
Khi tôi có mặt tại thôn Đưng Trang, ngay ngõ nhà Ha Liêng, công trình cống hộp đang khẩn trương thi công. Cống rộng 5 m, dài 12 m; gồm 3 khoang, mỗi khoang 4 m. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch xã Đưng K’Nớ Thân Văn Hữu cho biết, lãnh đạo 2 huyện Lạc Dương và Đam Rông đã đến tận Đưng Trang họp thống nhất sẽ triển khai làm tiếp 7 km đường đất từ Đưng Trang sang xã Đạ Long. Cùng với đó, vài tháng nữa cống này hoàn thành, Đưng Trang và Đạ Long không còn là những địa phận cụt đường ô tô. Hàng hóa thông thương, kinh tế - xã hội có cơ hội chuyển bước ngoặt. 
 
Ngoài đầu tư con đường, Nghị quyết xã Đưng K’Nớ hướng đến Đưng Trang phát triển chăn nuôi nhỏ. Bí thư Huyện ủy Phạm Triều cho tôi biết, huyện đang tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Đưng K’Nớh. Chủ tịch Hữu thì chia sẻ, xã đang kết nối một số đơn vị hỗ trợ riêng cho thôn Đưng Trang thông qua việc thua mua sản phẩm dệt thổ cẩm, gùi, mật ong... Đặc biệt là thác Đưng Trang, danh thắng cấp tỉnh đã quy hoạch 21 ha đang mời gọi các nhà đầu tư. Kết nối điểm du lịch suối nước nóng Đạ Long và thác 7 tầng Đưng Trang, cùng đặc sắc văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân bản địa sẽ là tour du lịch sinh thái đặc biệt ở Nam Tây Nguyên. Tôi rất kỳ vọng, chỉ tiêu mà Đưng K’Nớh đặt ra năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,3% xuống 8-9% sẽ thành công. Dĩ nhiên, trong đó, trọng điểm là thôn Đưng Trang. Đưng K’Nớh đã không còn là “ốc đảo”, đang thôi ám ảnh về xứ ruồi vàng nhiều nhất Nam Tây Nguyên, và sẽ là điểm hẹn hấp dẫn du khách của các huyết mạch nối miền Trung và Tây Nguyên - duyên hải Nam Trung Bộ - miền Đông Nam Bộ.
 
Tháng 4/2020
 
Bút ký: MINH ĐẠO