30 năm đi tìm đồng đội

02:05, 01/05/2020

Những cảm xúc trong những ngày tháng Tư của ông Nguyễn Duy Dũng (Tổ dân phố 21, Phường 2, TP Đà Lạt) - một cựu chiến binh, ngoài niềm bồi hồi xúc động khi kỷ niệm thời quân ngũ của người lính "Cụ Hồ" ùa về, còn có ký ức về sự hy sinh của các đồng đội...

Những cảm xúc trong những ngày tháng Tư của ông Nguyễn Duy Dũng (Tổ dân phố 21, Phường 2, TP Đà Lạt) - một cựu chiến binh (CCB), ngoài niềm bồi hồi xúc động khi kỷ niệm thời quân ngũ của người lính “Cụ Hồ” ùa về, còn có ký ức về sự hy sinh của các đồng đội. Và cả niềm trăn trở, khi 30 năm qua, ông vẫn chưa thể nào tìm kiếm hết hài cốt đồng đội của mình.
 
Mỗi tháng Tư về, ông Nguyễn Duy Dũng lại đong đầy những ký ức trên chiến trường cùng các đồng đội của mình.
Mỗi tháng Tư về, ông Nguyễn Duy Dũng lại đong đầy những ký ức trên chiến trường cùng các đồng đội của mình.
 
Tuổi trẻ trên chiến trường Tuyên Đức
 
Năm nay đã 71 tuổi đời, gần 50 năm tuổi Đảng, 6 năm trực tiếp chiến đấu và lập nhiều chiến công trên chiến trường Tuyên Đức, dường như - giống như bao CCB khác mỗi khi nhắc về tuổi trẻ hào hùng của mình - giọng ông Nguyễn Duy Dũng sôi nổi hơn và xen lẫn cả niềm tự hào, xúc động.
 
Tháng 2/1968, giữa lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ của quân và dân ta đang trong giai đoạn ác liệt, chàng trai 19 tuổi Nguyễn Duy Dũng viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Đến tháng 11/1969, đơn vị ông được biên chế vào Tiểu đoàn 810, tỉnh Tuyên Đức. Những ngày khói lửa ấy, ông Dũng đã cùng đơn vị trực tiếp tham gia nhiều trận đánh quan trọng như: Ngày 31/3/1970 đánh vào Trung tâm Chính trị thị xã Đà Lạt; ngày 24/4/1970 đánh vào Khu Quân cụ Quyết Tiến của địch; Ngày 10/5/1970 đánh vào Trung tâm Cảnh sát dã chiến;...
 
Trong những tháng năm chiến trường ấy, ông nhớ nhất hai trận đánh, trận thứ nhất ta tấn công vào Trường Chiến tranh Chính trị của địch (Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Sau gần hai tháng trinh sát điều nghiên, đêm 31/3/1970 đơn vị của ông (C6) phối hợp với C5 của Tiểu đoàn 810 chia thành 4 mũi tiến công vào căn cứ của địch. Lúc đó, ông là người trực tiếp đi chuẩn bị chiến trường, được đơn vị phân công vào mũi thọc sâu đánh vào trung tâm chỉ huy. Thứ hai là trận chống càn ở Đồi đá vào cuối năm 1970. Trong trận chống càn này, ông và đồng đội đã tiêu diệt được 6 tên địch, 1 máy bay, thu 6 khẩu AR15, cá nhân ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huy hiệu Dũng sỹ diệt máy bay.
 
Với những chiến công lập được cũng như sự dũng cảm trong chiến đấu, năm 1974, ông Nguyễn Duy Dũng được đề nghị làm Đại đội trưởng c852 để hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị từ bên trong và trinh sát chuẩn bị đường cho quân chủ lực tấn công theo hướng Nam Đà Lạt, góp công vào thắng lợi giải phóng Đà Lạt ngày 3/4/1975.
 
Nặng lòng với đồng đội
 
Chiến tranh kết thúc, ông Dũng không về quê hương Bắc Ninh, mà quyết định ở lại, gắn bó với mảnh đất Nam Tây Nguyên này. Điều luôn khiến ông day dứt là trong số những đồng đội đã ngã xuống, có người đã được quy tập về các nghĩa trang hoặc về với gia đình, nhưng cũng có người đang nằm đâu đó giữa đại ngàn mà chưa tìm được. Chính vì vậy, kể từ năm 1990, ông bắt đầu cùng các đơn vị quân đội và thân nhân liệt sỹ tham gia các chuyến đi tìm đồng đội. Cứ như vậy, miệt mài mỗi năm từ 2 - 3 đợt, có năm đến 4 đợt, mỗi đợt như vậy có khi kéo dài 5 ngày, ông vẫn băng rừng, lội suối để dẫn đường theo trí nhớ và hiểu biết của mình cho đoàn tìm kiếm. Ông bảo rằng, đó là trách nhiệm, là tình cảm với đồng đội, vì “các anh em đã ngã xuống cho mình sống đến ngày hôm nay”. 
 
Trong ký ức của người CCB này, trí nhớ về những đồi cô Ba, đồi ông Hồng,... - những ngọn đồi đã bao lần ghi dấu bước chân của người lính trẻ Nguyễn Duy Dũng ngày đó, nay vẫn còn nguyên vẹn. Thế nhưng, khó khăn là không thể tránh khỏi, khi những phần mộ còn sót lại cần phải tìm kiếm, hoặc là không nắm rõ vị trí, địa hình thay đổi, hoặc nằm ở vùng sâu, vùng xa nhất. 30 năm với không biết bao nhiêu chuyến xa nhà, ông đã cùng các đơn vị tìm được 4 hài cốt đồng đội để gia đình đưa về thờ phụng hoặc quy tập về Nghĩa trang TP Đà Lạt. Số lượng vẫn rất ít ỏi, nhưng cũng phần nào giúp cho nỗi lòng của ông được nhẹ nhõm hơn.
 
Gặp ông khi chân phải bị gãy đang giai đoạn hồi phục, và sức khỏe đã yếu đi nhiều ở cái tuổi thất thập, nhưng ông vẫn khẳng định chắc nịch rằng: “Đồng đội của tôi vẫn đang nằm đâu đó ngoài kia, khi nào còn sức, còn khỏe thì tôi vẫn còn sẵn sàng cùng tham gia đi tìm. Chỉ lo nếu không tìm được mộ đồng đội trước khi tôi nằm xuống, thì sau này sẽ rất khó khăn, bởi vì địa hình địa vật ngày càng thay đổi, đất đai bị mưa lũ bào mòn, cây cối phủ kín nên những vật làm dấu hiệu nhận biết trên mộ các liệt sỹ ngày nào giờ cũng mất đi, rất khó xác định được chính xác”. Dù là vào năm 1990 hay bây giờ, ông vẫn sẵn sàng băng rừng lội suối, bởi “trước đây chúng tôi phải đi bộ gần cả 2 tiếng đồng hồ, hoặc cả buổi sáng mới tới nơi có mộ, thì bây giờ đường sá đã được mở, đã có xe chở tới tận nơi. Điều kiện đã dễ dàng thuận lợi hơn, vậy thì có gì mà phải ngại khó” - ông Dũng chia sẻ.
 
Ngoài hành trình gian nan đi tìm đồng đội, ông Nguyễn Duy Dũng còn là người tiên phong trong việc thành lập Ban Liên lạc Truyền thống Cách mạng hướng Đông Bắc; chắp bút soạn thảo cuốn Lịch sử Đảng bộ Phường 11, Đà Lạt; làm hồ sơ, thủ tục đề nghị Nhà nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phường 11, địa bàn mà đơn vị ông từng chiến đấu. Những việc làm đó của ông không chỉ để ghi lại những chiến công của quân và dân hướng Đông Bắc, mà còn thể hiện niềm tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc, các gia đình cách mạng có công nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến.
 
Trong những lần cùng CCB Nguyễn Duy Dũng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, Đại úy Hoàng Văn Châu - Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Lạc Dương đã có những chia sẻ chân thành rằng: “Bước chân của ông vẫn thoăn thoắt giữa đại ngàn, sau những lần đào xới mệt nhoài mà vẫn chưa tìm được dấu tích mộ người đã hi sinh, chúng tôi lại được ông vỗ vai, tiếp nước, động viên”. Đó cũng là động lực để Đại úy Châu cùng đồng đội quyết tâm khắc phục khó khăn, làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn đóng quân.
 
VIỆT QUỲNH