Kết nối những tấm lòng

06:05, 11/05/2020

Họ vốn là những con người xa lạ nhưng qua những trang nhật ký chiến trường của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh đã trở nên thân tình, gần gũi.

Họ vốn là những con người xa lạ nhưng qua những trang nhật ký chiến trường của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh đã trở nên thân tình, gần gũi.
 
Ông Bùi Hùng Tuấn (giữa), em trai liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh bên những người bạn, độc giả cuốn Khát vọng sống và yêu - Nhật ký của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh tại Lâm Đồng.
Ông Bùi Hùng Tuấn (giữa), em trai liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh bên những người bạn, độc giả cuốn Khát vọng sống và yêu - Nhật ký của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh tại Lâm Đồng.
 
Bà Phạm Thị Diệu Huệ (xã Đam B’ri, thành phố Bảo Lộc) kể rằng, cơ duyên bà đọc được những trang nhật ký chiến trường của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh (sinh năm 1944 tại Phú Thọ, hy sinh năm 1972 tại Quảng Trị) là vì trước năm 2012 bà có một trang blog cá nhân. Từ trang này, bà tình cờ vào trang blog cá nhân của ông Bùi Hùng Tuấn, em trai liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh. Chẳng là hồi ấy, mỗi ngày, ông Tuấn post (đưa) một trang nhật ký của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh lên trang blog cá nhân. Từng câu chữ, từng lời văn, cả những bài thơ của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh viết về người lính ở chiến trường rất chân thực, không hề tô vẽ cuốn hút bà một cách kỳ lạ. Thế là bà đọc không bỏ sót một trang nhật ký nào. “Vô hình trung, tôi trở thành một độc giả của cuốn nhật ký chiến trường do liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh viết từ khi cuốn sách chưa được xuất bản”, bà Huệ phấn khởi.
 
Từ những thông tin mà bà có được về liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh thông qua việc đọc các trang nhật ký, trong một lần về thăm quê hương Quảng Trị, bà chạy xe máy đến Nghĩa trang Đường 9, nơi liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh đang yên nghỉ, viếng mộ người anh hùng liệt sỹ. “Ấy là một buổi chiều mưa. Mưa xong thì trời hửng nắng. Ngắm nhìn ngôi mộ của anh Đỉnh trong thời khắc ấy, tôi thật sự xúc động nên viết 4 câu thơ tặng anh Đỉnh. Bốn câu thơ như sau: “Âm dương cách trở quá anh ơi/ Nghĩa trang Đường 9 mưa tối trời/ Lặng lẽ mình em bên góc mộ/ Mong anh yên nghỉ lệ chực rơi!”. Tôi đã gửi bài thơ cho anh Tuấn, kèm theo bức ảnh của tôi bên mộ liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh. Sau này, năm 2012, khi cuốn nhật ký “Khát vọng sống và yêu” của anh Đỉnh được xuất bản, thật vinh dự 4 câu thơ tôi viết tặng anh Đỉnh được gia đình liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh đưa vào tập sách”, bà Huệ chia sẻ.
 
Cầm trên tay cuốn “Khát vọng sống và yêu”, tập nhật ký chiến trường của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh, nhạc sĩ Trần Khánh Nam (thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) cho biết: “Tôi rất xúc động khi đọc cuốn nhật ký này, nhất là ở những trang liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh viết về tình cảnh bịn rịn, thương nhớ trước lúc chia tay bà con, xóm giềng, người yêu, để lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Mạch cảm xúc đó, tôi sáng tác nên ca khúc Đồng đội ơi anh có nhớ mùa xuân”.
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam cho hay, ca khúc “Đồng đội ơi anh có nhớ mùa xuân” là một khúc ca tri ân công lao của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có công lao của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh; đồng thời, là lời sẻ chia với những người mẹ, người vợ, người thân của các anh hùng liệt sỹ đã gánh chịu nỗi đau mất con, mất chồng. “Ca khúc “Đồng đội ơi anh có nhớ mùa xuân” của nhạc sĩ Trần Khánh Nam, phỏng thơ liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh, nó như một bản tổng kết về anh Đỉnh, từ khi nhận giấy báo nhập ngũ, lên đường chiến đấu, rồi hy sinh, cũng như niềm mong mỏi, hy vọng của những người thân mong ngóng ngày anh trở về”, em trai liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh, Bùi Hùng Tuấn nhận xét.
 
Theo ông Tuấn, mùa hè đỏ lửa năm 1972, liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh đã hy sinh trên đất Quảng Trị, lúc mới 28 tuổi. “Khát vọng sống và yêu” là cuốn sách tập hợp những ghi chép của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh về cuộc sống sôi động của một chiến binh diễn ra hàng ngày suốt 8 năm ròng rã, từ năm 1964 đến cuối 1971. “Những trang nhật ký viết về những sự kiện của đất nước, cùng khát vọng sống của thế hệ thanh niên thời đó của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh giúp chúng tôi hiểu hơn về những năm tháng chiến tranh, những gì mà thanh niên thế hệ các anh đã làm để đất nước có được hòa bình”, bà Huệ thành thật. “Việc gia đình chúng tôi phối hợp với Nhà Xuất bản Thanh Niên xuất bản cuốn sách “Khát vọng sống và yêu” - Nhật ký của liệt sỹ Bùi Kim Đỉnh, và thành lập Quỹ học bổng Bùi Kim Đỉnh cũng là cách tiếp lửa truyền thống cách mạng đến thế hệ mai sau. Nhờ cuốn nhật ký chiến trường của anh Đỉnh, gia đình chúng tôi có thêm những độc giả, những người bạn như anh Nam, chị Huệ”, ông Tuấn tâm sự.
 
TRỊNH CHU