Lâm Hà - có về đúng hẹn

02:05, 01/05/2020

Chưa từng ai nghi ngờ về tiềm năng của Lâm Hà, nhưng luôn có điều gì đó lấn cấn, rất khó giải thích bằng văn bản cụ thể hay lý lẽ đơn thuần để có thể thấu tình đạt lý nhìn nhận về mức độ phát triển của vùng đất này...

Chưa từng ai nghi ngờ về tiềm năng của Lâm Hà, nhưng luôn có điều gì đó lấn cấn, rất khó giải thích bằng văn bản cụ thể hay lý lẽ đơn thuần để có thể thấu tình đạt lý nhìn nhận về mức độ phát triển của vùng đất này. “Bình bình” là từ sâu sắc nhất để có thể diễn tả bằng lời khi nói về Lâm Hà, dù ở đây hội tụ đầy đủ những yếu tố căn bản nhất để trở thành một vùng kinh tế trọng điểm đầy năng động của Lâm Đồng.
 
Sau Đơn Dương (năm 2015) và Đức Trọng (năm 2019), Lâm Hà liệu có hoàn thành mục tiêu trở thành địa phương thứ 3 của Lâm Đồng được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2020. Điều này vẫn còn phải chờ thời gian trả lời khi năm 2020 cũng mới chỉ trôi qua hết quý I. Nói chờ đợi là có lý do, bởi ngoài yếu tố thời gian để rà soát lại các chỉ tiêu, hoàn thiện, củng cố hồ sơ, các khâu thẩm định, xét duyệt thì sự nỗ lực tột cùng với phương châm “không có điểm kết thúc” mới là điều mong mỏi lớn nhất chúng ta trông chờ ở Lâm Hà. Sự nỗ lực chưa bao giờ là thừa nếu nhìn lại quá trình của Đức Trọng, khi huyện này cũng đã phải lỡ hẹn qua rất nhiều cột mốc thời gian mới chạm được đích đến.
 
Một góc Nam Ban, vùng kinh tế phát triển của huyện Lâm Hà.
Một góc Nam Ban, vùng kinh tế phát triển của huyện Lâm Hà.
 
Theo đúng lộ trình
 
Sự vào cuộc đầy quyết tâm của Lâm Hà khi bắt đầu xây dựng NTM là điều không thể ai có thể phủ nhận. Theo Quyết định số 2885/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020 thì ở mức độ nào đó Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Hà đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình. 
 
Đến hết năm 2019, huyện đã có 14/14 xã bao gồm: Đông Thanh, Gia Lâm, Tân Văn, Đạ Đờn, Nam Hà, Hoài Đức, Đan Phượng, Phúc Thọ, Phú Sơn, Tân Hà, Tân Thanh, Liên Hà, Mê Linh, Phi Tô được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, trong đó có Gia Lâm cũng đã được công nhận là xã NTM nâng cao.
 
Việc về đích sớm với những xã có nhiều thế mạnh như Tân Văn, Gia Lâm, Đông Thanh, Phú Sơn... như một lẽ đương nhiên thì việc các xã như Liên Hà, Phi Tô, Mê Linh lại được xem như một cuộc chạy đua nước rút cần những cú bứt tốc ngoạn mục. Bên cạnh điểm xuất phát thấp, đây là những xã không có nhiều thuận lợi về giao thông, hộ nghèo thường tập trung nhiều vào các hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với thói quen canh tác lạc hậu, cũng như tính trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.
 
Sự thành công trong công cuộc xây dựng NTM ở các xã của huyện Lâm Hà không đơn thuần nằm ở 19 tiêu chí cụ thể với từng %, hay thước đo định lượng. Dù còn nhiều tồn tại cũng như mâu thuẫn phát sinh từ nhiều cộng đồng dân cư, nhưng sự đồng lòng của người dân Lâm Hà trong việc xây dựng NTM là điều không cần phải tranh cãi. Có thể khẳng định, đây chính là tiêu chí thứ 20, “tiêu chí lòng dân”, tiêu chí quan trọng nhất để Lâm Hà có thể thành công trong việc đạt được mục tiêu của mình.
 
Không khó để có thể minh chứng bằng những ví dụ cụ thể, thông qua cách tiến hành, triển khai và xây dựng từ những công trình hiện hữu. Như trong việc xây dựng nhà văn hóa thôn. Trước hết các xã tiến hành họp công khai để phổ biến cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nhà văn hóa, đưa ra các tiêu chuẩn, công năng của nhà văn hóa, địa điểm xây dựng... để người dân trực tiếp bàn luận, tham gia đóng góp ý kiến thiết thực, đồng thời quyết định xây dựng nhà văn hóa sao cho phù hợp với nơi mình đang sinh sống. Ngoài đóng góp trực tiếp của người dân, thì từng thôn cũng thành lập các tiểu ban để vận động các hội đoàn thể, doanh nghiệp, những người con quê hương, các gia đình có điều kiện kinh tế... đóng góp vật chất, kinh phí thông qua nhiều cách.
 
Hay như những công trình có thể tận mắt thấy rõ như việc xây dựng đường giao thông nông thôn. Việc vận động kinh phí cũng được thực hiện theo cách xây dựng nhà văn hóa, thêm vào đó, đường giao thông qua đất của hộ gia đình nào thì vận động gia đình đó thực hiện hiến đất và thực hiện luôn việc xây dựng hàng rào, cổng ngõ cho khang trang và cũng xem đây như là một tiêu chí để các gia đình thực hiện. Huyện Lâm Hà cũng linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn kinh phí để phân bổ về cho các xã. Khu dân cư, thôn xóm nào có nhu cầu làm đường, chỉ cần có đơn, nguyện vọng chính đáng sẽ được xét duyệt, qua đó đối ứng nguồn vốn giúp người dân làm rất nhanh các đường làng ngõ xóm. 
 
Sự đồng lòng của người dân Lâm Hà còn được thể hiện rõ qua từng mốc thời gian với thước đo là sự thay đổi của chính đời sống ấm no của người dân ở những nơi vốn được xem là đặc biệt khó khăn. Hang Hớt, Cổng Trời của xã Mê Linh là những thôn nghèo khó, nơi sinh sống tập trung của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số gốc bản địa. Không đơn thuần chỉ là vấn đề kinh tế, đã từng có thời gian đây còn là “điểm nóng” về tình hình an ninh trật tự trên nhiều phương diện, nhưng sự chăm lo của tỉnh Lâm Đồng nói chung và huyện Lâm Hà xét riêng đã giúp cho tâm lý người dân ổn định, chăm lo vào lao động, qua đó có nhiều sự thay đổi đến kinh ngạc. Không còn cách trở bởi giao thông thuận tiện đã vào đến từng ngõ nhà, đất đai hoang hóa đã được cải tạo, nhiều loại cây trồng có giá trị cao đã được cắm rễ, đây chính là yếu tố then chốt để miếng cơm manh áo thường nhật của người dân nơi đây ngày một no đủ hơn.
 
Gia Lâm đang hướng tới việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu về giáo dục
Gia Lâm đang hướng tới việc xây dựng xã NTM kiểu mẫu về giáo dục
 
Còn đó những lo ngại
 
Quá trình xây dựng NTM ở Lâm Hà nếu chỉ xét đến những tiêu chí, đến những mốc thời gian chắc chắn sẽ không có gì đáng để bàn cãi. Nhưng nếu đủ sâu sắc để mổ xẻ đến tận tường của từng góc cạnh vấn đề, sẽ không thiếu những căn nguyên đủ khiến nhiều người giật mình lo ngại.
 
Sự chậm thời điểm cán đích của một số xã, hay việc hoàn thành mục tiêu không sớm như dự kiến lại không hề nằm ở yếu tố phát triển kinh tế hay hoàn thành kết cấu hạ tầng.
 
Nếu ai đã từng đến Tân Hà của huyện Lâm Hà, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những ngạc nhiên. Bởi dù đây chỉ là một xã, nhưng Tân Hà không khác gì một thị tứ phát triển bậc nhất của một huyện lỵ nào đó. Bạn hoàn toàn có thể điềm nhiên sinh sống ở đây mà không phải lo nghĩ về sự tụt hậu với từng giây phút phát triển của đời sống hiện đại. Bạn có thể di chuyển hay kí gửi hàng hóa đến bất cứ đâu từ TP Hồ Chí Minh đến Hà Nội bởi hệ thống chuyên nghiệp của các dịch vụ vận tải nơi đây. Bạn cũng có thể không phải cất công đi xa mà vẫn có thể mua sắm bất cứ thứ gì, từ hàng xa xỉ phẩm đến các thiết bị chuyên dùng, từ đồ dùng sinh hoạt cá nhân đến vật tư nông nghiệp, từ hưởng thụ các thực phẩm đắt đỏ đến đồ chơi công nghệ... tất tần tật bạn có thể mua sắm phục vụ cho nhu cầu cá nhân, phục vụ đời sống lẫn trong kinh doanh, sản xuất. Nhưng rất khó tin, khi mãi đến năm 2018, Tân Hà mới được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, bởi rào cản tiêu chí an ninh trật tự xã hội. Cho đến hiện tại, khi đã được công nhận thì đây vẫn là mối lo, là cơn đau đầu không hề nhẹ của các cấp chính quyền, của các ngành chức năng ở Lâm Hà.
 
Hay như Gia Lâm, một xã được đánh giá toàn diện trong công cuộc xây dựng NTM lại cũng luôn tồn tại những hạn chế không được giải quyết dứt điểm. Cùng với Đông Thanh, Gia Lâm là một trong hai xã đầu tiên của Lâm Hà cán đích xã đạt chuẩn NTM. Tiếp đó, Gia Lâm cũng là xã đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao và tiếp tục đăng kí xã NTM kiểu mẫu về giáo dục. Đây cũng là xã điển hình của tỉnh khi liên tục hoàn thành các mục tiêu và là điểm sáng trong việc xây dựng NTM không chỉ riêng của Lâm Hà. Nhưng nếu xét riêng ở một góc độ nào đó, thì các vụ vi phạm về phá rừng (dù đây là vụ phá rừng trên đất nông nghiệp), và gần đây nhất là vụ một nhóm đối tượng hình sự cộm cán, nằm trong danh sách theo dõi của Công an tỉnh tụ tập sử dụng ma túy tại một quán karaoke đã ít nhiều làm cho danh hiệu được ghi nhận của Gia Lâm bị vấy bẩn. 
 
Rộng hơn, tình hình an ninh trật tự xã hội của Lâm Hà dù đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong thời gian gần đây, nhưng vẫn là một điểm nóng đáng báo động với nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, manh động và cực kỳ nguy hiểm. Bởi không ít lần, trong các cuộc họp, các buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh và các ngành chức năng với huyện Lâm Hà đều đặc biệt chú trọng nhắc tới vấn đề nổi cộm này. Thêm vào đó là những vụ phá rừng thường xuyên, trên diện rộng, gây bức xúc rất nhiều trong dư luận xã hội.
 
Tất nhiên, xét ở phạm vi tổng quát, không chỉ vì những vấn đề nhức nhối trên từng phương diện mà phủ nhận hết những nỗ lực đáng khen ngợi của Đảng bộ, chính quyền và người dân Lâm Hà trong mục tiêu chung là hướng đến đời sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Và cũng không ai có thể lấy đi hay tước bỏ danh hiệu đã đạt được của các địa phương sau rất nhiều nỗ lực để đạt được. 
 
Nhưng dù sao đi nữa, trên lộ trình phát triển bền vững, yếu tố an ninh trật tự luôn đặc biệt quan trọng. Một đời sống toàn diện cho người dân nông thôn, với vật chất và tinh thần tốt đẹp nhất sẽ không bao giờ có thể tồn tại nếu an ninh trật tự luôn đặt người dân ở mức phải cảnh giác.
 
Trở lại quan điểm được nhắc đến ngay từ đầu bài viết, chúng tôi và rất nhiều người đều tin vào tiềm năng và thế mạnh của Lâm Hà. Ở đó là một vùng đất trù phú với nhiều lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng. Lâm Hà còn có sự giao thoa phong phú của các sắc màu văn hóa trong mỗi cộng đồng dân cư. Đó thực sự là tài sản đáng quý để Lâm Hà có thể vươn mình mạnh mẽ khẳng định được vị thế của mình. Để đạt được điều đó, trước tiên Lâm Hà cần phải tự mình giải quyết được những vấn đề mâu thuẫn của chính mình, còn việc cán đích theo đúng thời hạn vẫn có thể chờ, bởi việc xây dựng NTM đâu chỉ đơn thuần nằm trên tấm bảng danh hiệu.
 
TUẤN LINH - THU HIỀN