Mỏ Vẹt đi sau về trước

05:05, 22/05/2020

Doi đất hình mỏ con chim vẹt nên ở huyện Đạ Tẻh người ta gọi là vùng Mỏ Vẹt, còn địa danh hành chính là Thôn 11 và nay sáp nhập thành Thôn 9 của xã Đạ Kho...

Doi đất hình mỏ con chim vẹt nên ở huyện Đạ Tẻh người ta gọi là vùng Mỏ Vẹt, còn địa danh hành chính là Thôn 11 và nay sáp nhập thành Thôn 9 của xã Đạ Kho. Neo vào bờ sông Đồng Nai bồi lở, khi lũ lụt lớn, Mỏ Vẹt thành ốc đảo. Vậy mà 5 năm nay, giao thông, điện lưới, cây trồng, vùng đất “thay áo mới”, mặt bằng thu nhập từ nông nghiệp cao nhất xã và là tốp đầu trong huyện.
 
Cầu treo nối bờ vui Mỏ Vẹt với Nam Cát Tiên
Cầu treo nối bờ vui Mỏ Vẹt với Nam Cát Tiên
 
Cư dân Mỏ Vẹt hình thành vốn bắt đầu chủ yếu là những quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ thống nhất đất nước, năm 1975. Họ đến từ các miền quê ở miền Bắc: Hà Tây, Phú Thọ, Ninh Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa... Dân số dần đông lên và cũng biến động nhiều. Nguyên do vùng đất khó khăn đi lại, nhất là trẻ con học hành, khoảng 30 hộ dời nhà sang bên kia sông, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, trong đó khoảng 20 hộ không còn là dân số Mỏ Vẹt theo đăng ký sổ bộ xã Đạ Kho. Sang đó, có chợ, có trường, bầu đoàn thê tử tắt sông, đóng cọc dựng nhà. Khoảng năm 2013 - 2014, khi Mỏ Vẹt đã có đường nhựa thông từ trung tâm xã Đạ Kho vào; cột đang đóng để chuẩn bị kéo điện lưới quốc gia. Nhà nước tích cực đầu tư cho Mỏ Vẹt, riêng năm 2014, hạ tầng giao thông và điện khoảng 25 tỷ đồng. Bà con bên kia sông bắt đầu hồi hương... Tại thời điểm hôm nay, ông Tường Duy Thưởng, nguyên Bí thư và Phó Bí thư thôn nhiều năm nay cho tôi biết, toàn Thôn 9 có 85 hộ với hơn 350 nhân khẩu, trong đó 62 hộ (290 nhân khẩu) định cư tại chỗ. Nhưng gần như 100% hộ, người bên này sông và người bên kia sông đều canh tác sản xuất trên tổng diện tích đất của Thôn 9 gần 350 ha. Dù doi đất ngày một bị “sông ăn”, sông rộng ra, đất thu hẹp lại, nhưng dinh dưỡng nhiều nhờ phù sa. Đất Mỏ Vẹt trở thành “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). 
 
Đất màu mỡ, nông dân cần cù và chịu khó, đó là lý do quan trọng nhất để kinh tế nông nghiệp của Thôn 9 - Mỏ Vẹt vươn lên tốp đầu trong huyện. Năm năm trước, tôi vào nhà Thôn trưởng Lê Hồng Khanh được ông chia sẻ: Tổng diện tích đất trồng của thôn hơn 200 ha, cây chủ lực là điều, hơn 30 ha bắp quay vòng với rau, khoai, đậu... Năm đó, thôn được mùa, điều và bắp đều lên giá và trước đêm trừ tịch 4 ngày, ánh sáng điện lưới chính thức tỏa sáng mỗi nhà sau ngót 20 năm chỉ có đèn dầu. Mỏ Vẹt còn cách trở việc giao thương, ra Chợ Đạ Tẻh 11 km, qua Đồng Nai chỉ 2 km, nhưng phải qua cầu phao bắc tạm hoặc bằng đò ngang. Mùa lũ, nước sông Đồng Nai cuồn cuộn, vô cùng nguy hiểm nên ước mơ về một chiếc cầu treo của bà con dần thành hiện thực. Bộ Giao thông và Vận tải quyết định đầu tư chiếc cầu treo nối 2 bờ Mỏ Vẹt và xã Nam Cát Tiên với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. 
 
Lần này trở lại Mỏ Vẹt, tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm xúc dâng trào niềm vui khi được chứng kiến dập dìu người qua kẻ lại trên chiếc cầu treo. Hết rồi, cảnh chị Trần Thị Tường gác cầu phao do dân tự tạo để thu mỗi lượt người qua cầu 5 ngàn đồng như 5 năm trước. Đặc biệt, càng vui khi nhiều khu canh tác trùng điệp màu xanh của Mỏ Vẹt. Đó là thành quả rất to lớn của sự mạnh dạn chuyển đổi từ cây điều sang cây bưởi da xanh và sầu riêng. Theo công chức địa chính xã Lê Văn Đông, Thôn 9 tiên phong chuyển đổi nên trong lúc các thôn mới bắt đầu thì nay cây trái trong thôn đã phát triển 2 năm, trong đó một số diện tích bưởi đã thu hoạch. Cũng theo anh Đông, chất lượng và sản lượng bưởi da xanh của Thôn 9 cao hơn hẳn bưởi ở vùng miền Tây vì đất không bị nhiễm mặn và phèn. Vì vậy đã có những hộ dân từ miền Tây lên mua đất vùng Đạ Kho. Còn Phó Bí thư thôn Tường Duy Thưởng cho biết, “Thôn trưởng Lê Hồng Khanh là người làm gương mẫu đi đầu trong thôn”. Hiện ông Khanh có khoảng 1,7 ha bưởi và khoảng 1 ha dâu tằm. Qua so sánh của ông Thưởng và anh Đông cho thấy, hiệu quả của chuyển đổi rất rõ: 1 ha điều bình quân chỉ thu vào khoảng 40 triệu đồng/năm; trong lúc 1 ha dâu tằm trung bình thu khoảng 160 triệu đồng; với bưởi và đặc biệt sầu riêng thì hiệu quả kinh tế còn cao hơn nhiều so với dâu tằm. Ngoài hộ ông Khanh còn có các hộ thu nhập cao bằng sản xuất nông nghiệp nhờ chuyển đổi như hộ ông Tường Duy Thường (em trai của ông Thưởng) với 2 ha bưởi và dâu, khoảng 1 ha trồng xen mắc ca và sầu riêng. Hộ ông Phạm Văn Phong có 2 ha bưởi, sầu riêng và mít không hạt... Mức thu nhập bình quân của những hộ khá đã đạt được trên 40 triệu đồng/đầu người/năm. Anh Đông cho biết, toàn Thôn 9 hiện có 680 ha đất gieo trồng, trong đó các hộ bên Nam Cát Tiên canh tác khoảng gần 400 ha, 62 hộ định cư tại Thôn 9 canh tác khoảng hơn 300 ha. Nhờ có điện, cây được tưới nước chống hạn; có đường chuyên chở nông sản không còn bị ép giá bán. Hiệu quả kinh tế ở Thôn 9 đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất của xã Đạ Kho đạt 70 triệu đồng/ha vào năm 2019, tăng 15 triệu đồng so với năm 2015 và tăng 10 triệu đồng so với Nghị quyết đề ra. 
 
Đến nay, Thôn 9 chỉ còn 2 hộ nghèo (tỷ lệ 0,027%), đó là ông Nguyễn Văn Phường (người trong nhà thường xuyên ốm đau), hộ anh Bùi Tiến Thành (không có đất canh tác do mới từ xã Mỹ Đức đến) và 5 hộ cận nghèo. Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người/năm của thôn đạt 23,5 triệu đồng, năm nay phấn đấu đạt từ 28-30 triệu đồng. 100% hộ trong thôn được dùng điện lưới và sử dụng nước hợp vệ sinh. Tỷ lệ học sinh học đến bậc THPT đạt khoảng 80%, trong số đó khoảng 75% tiếp tục học lên bậc đại học, cao đẳng. Chủ tịch xã Vũ Duy Hạ cũng cho tôi biết, HĐND tỉnh Lâm Đồng đã nhất trí ghi kế hoạch vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng trục đường 11 km từ Ngã ba Trảng Dầu vào cầu treo Thôn 9. Những tin vui ấy sẽ xóa tan ám ảnh ốc đảo một thời Mỏ Vẹt. 
 
Ghi chép: MINH ĐẠO