Một lòng vì người dân

02:05, 01/05/2020

Năm 2019, ông Kơ Dơng Ha Sia (SN 1957) được người dân tổ dân phố B'Nông Rết (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số cùng với trọng trách làm Tổ trưởng tổ dân phố.

Năm 2019, ông Kơ Dơng Ha Sia (SN 1957) được người dân tổ dân phố B’Nông Rết (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng với trọng trách làm Tổ trưởng tổ dân phố (TDP).
 
Ông Kơ Dơng Ha Sia (bìa trái) hướng dẫn người dân quy trình trồng dâu, nuôi tằm.
Ông Kơ Dơng Ha Sia (bìa trái) hướng dẫn người dân quy trình trồng dâu, nuôi tằm.
 
Là một TDP có đông đồng bào DTTS sinh sống với 385 dân, 1.900 nhân khẩu, đời sống bà con đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy ruộng lúa ở địa phương chỉ trồng được 1 vụ/năm, năng suất, chất lượng kém nên ông Kơ Dơng Ha Sia đã vận động bà con chuyển đổi hơn 15 ha sang trồng dâu nuôi tằm. 
 
Bằng những kiến thức tích lũy được khi dự các lớp tập huấn trồng dâu nuôi tằm ông đã tận tình giúp đỡ bà con về kỹ thuật trồng dâu cũng như nuôi tằm. Đến nay 20 hộ dân đã chuyển đổi thành công từ lúa 1 vụ sang trồng dâu nuôi tằm. Anh Ha Huy, một hộ dân thực hiện chuyển đổi cho biết: Được sự hướng dẫn của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ trực tiếp của ông Kơ Dơng Ha Sia, gia đình tôi chuyển đổi trên diện tích 3 sào trồng dâu nuôi tằm, mỗi năm thu khoảng 60 triệu đồng. 
 
Còn đối với các gia đình khác như Ha Bân, Ha B Rút, Ha Kai thì nhờ trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của họ dần ổn định hơn. Nhưng theo các hộ gia đình này thì bước đầu bắt tay vào nghề trồng dâu, nuôi tằm cũng không mấy ai hào hứng vì một lẽ họ đã quen với ruộng lúa chân lấm tay bùn. Cứ lật đất, nhặt cỏ, tra hạt lúa giống xuống ruộng, nhờ trời nhờ đất, năm có năm không. Làm nhiều, làm lâu thì trở thành thói quen canh tác, giờ chuyển đổi là nghe gay go lắm, nhưng nhờ ông Kơ Dơng Ha Sia phân tích hiệu quả của trồng dâu nuôi tằm nên người dân dần tin tưởng, thử nghiệm. Thành công ban đầu chỉ là một khoảng nhỏ trồng dâu, rồi đến vài sào, lúc đầu nuôi một nong tằm, sau thành hai, ba nong. Bây giờ có thể nói đối với 20 hộ dân được chuyển đổi thì trồng dâu, nuôi tằm đã thành “nghề” của họ vì bước đầu đã có tính chuyên nghiệp từ khâu trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm làm ra. 
 
Không chỉ vận động bà con chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ, ông còn vận động bà con thực hiện chương trình tái canh cà phê, tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm, dạy bảo con cháu, thanh niên sống và làm việc tích cực. Theo ông Kơ Dơng Ha Sia thì thời gian trước đây có một số đối tượng “tín dụng đen” đến địa phương để dán, phát tờ rơi cho vay. Ông đã trực tiếp đi cạo, xóa quảng cáo, thu lượm tờ rơi để báo cáo với chính quyền. Bên cạnh đó, ông đi từng nhà để nói chuyện với bà con về tình trạng “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi; nếu một khi đã rơi vào bẫy thì chỉ còn nước bán nhà, bán đất. Nhờ vậy, từ trước đến nay, không một hộ dân nào ở TDP B’Nông Rết rơi vào những cái bẫy giăng sẵn của “tín dụng đen”, cuộc sống người dân ổn định, chí thú làm ăn, tham gia tích cực vào các phong trào xây dựng quê hương, thôn xóm...
 
Hiện nay, TDP B’Nông Rết còn 8 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo và theo ông Kơ Dơng Ha Sia thì ông đã trực tiếp đến từng hộ dân để tìm hiểu nguyên nhân về khó khăn của họ tìm biện pháp giúp đỡ và báo cáo tình hình lên cấp trên có phương hướng giải quyết, giúp họ thoát nghèo nhanh và bền vững. Đối với những hộ này ông phân tích kỹ về nguyên nhân của nghèo đói, theo đó có hộ có ít đất sản xuất, hộ neo đơn, hộ không có sức lao động do bệnh tật... Qua tìm hiểu, ông đã tự đề ra phương hướng giúp đỡ họ như giúp tìm việc để cải thiện thu nhập đối với những hộ có ít đất sản xuất; đối với những người sức khỏe yếu ông cố gắng liên hệ những công việc lao động nhẹ ở trong thôn, chủ yếu dựa vào tình đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. 
 
Không chỉ vậy, sau khi tìm hiểu còn khoảng 90 hộ dân phải kéo nhờ đường điện nên ông đã thu thập ý kiến của người dân, có mô tả chi tiết về đường dây điện người dân tự kéo, nhu cầu thực tế về sử dụng điện để trình lên các cấp giải quyết nguyện vọng, đề đạt của người dân. 
 
Để góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh nên ông đã tích cực vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, trồng hoa dọc đường ở TDP. Nhờ vậy, những tuyến đường ở TDP, cỏ dại đã dần được thay thế bằng những khóm hoa tô điểm. 
 
Mặc dù đã có tuổi nhưng ông Kơ Dơng Ha Sia luôn tâm niệm rằng còn sức thì còn làm, đôi chân trần còn đi được cùng bà con thì mình cứ tiếp tục cùng người dân xây dựng TDP, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
 
ĐỨC TÚ