Suốt đời theo ánh sáng của Người

06:06, 21/06/2020

"Được gặp Bác Hồ là vinh dự, tự hào lớn nhất trong cuộc đời tôi. Hình ảnh, cử chỉ ân cần, lời căn dặn của Người, tôi khắc cốt, ghi tâm để suốt đời mình không thể làm điều xấu, điều ác"...

“Được gặp Bác Hồ là vinh dự, tự hào lớn nhất trong cuộc đời tôi. Hình ảnh, cử chỉ ân cần, lời căn dặn của Người, tôi khắc cốt, ghi tâm để suốt đời mình không thể làm điều xấu, điều ác” - Kể về 2 lần được gặp Bác, bà Lê Thị Hoàng Mai (Bùi Thị Xuân - Phường 2, Đà Lạt), một người làm báo lão thành bùi ngùi xúc động. 
 
Bà Hoàng Mai (thứ 3 từ trái qua) trong chương trình giao lưu thơ nhạc “Vang mãi lời gọi của Bác” nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2020).
Bà Hoàng Mai (thứ 3 từ trái qua) trong chương trình giao lưu thơ nhạc “Vang mãi lời gọi của Bác” nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2020).
 
Cho dù 56 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về hai lần gặp Bác Hồ của bà Lê Thị Hoàng Mai (sinh năm 1945) không thể phai mờ. Bà Mai kể: Năm 1962, bà là một trong 4 học sinh của thành Vinh - Nghệ An thi đậu Đại học Tổng hợp Văn - Hà Nội. Nhà có đến 9 anh chị em, em út mới lên ba, nên cuộc sống vô cùng khó khăn, bà được cậu ruột (anh trai của mẹ) là bác sĩ Hoàng Sử (lúc đó là Đại biểu Quốc hội khóa III, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Trưởng khoa Radium) cưu mang nuôi ăn học. Nhờ cậu thân quen với thầy Hiệu trưởng Lê Tôn và Hiệu phó Lê Văn Thêm mà bà được các thầy cho biết Đài Tiếng nói Việt Nam sắp tổ chức một cuộc thử tiếng để tuyển chọn phát thanh viên. Mới học năm thứ 2, được các thầy động viên, bà Mai tham dự cuộc thử tiếng do ông Trần Lâm - Giám đốc Đài trực tiếp tuyển. Vượt qua rất nhiều ứng viên tham dự là học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, người lao động chân tay đến từ khắp miền Bắc, bà Mai là một trong hai người trúng tuyển vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì còn trẻ nên bà dễ dàng đổi giọng khi sống và học tập ở Hà Nội, khiến ông Trần Lâm cũng lấy làm lạ “Tại sao dân Nghệ Tĩnh mà lại nói được tiếng phổ thông”.
 
Bà Hoàng Mai được phân công làm ở Ban Nói của Đài gồm 12 phát thanh viên (ở số 39-Bà Triệu) có công an gác cổng, có 12 phòng bá âm, nền ván gỗ, thảm cách âm, tĩnh lặng. Ở tuổi 19, bà được phụ trách chương trình “Măng non đất nước” và buổi “Nhắn tin vào Nam”, thỉnh thoảng mới phát thời sự (chương trình thời sự chủ yếu do các phát thanh viên (PTV) lớn tuổi đều có giọng đọc rất hay đảm nhiệm như chị Tuyết Mai, anh Việt Khoa - Trưởng ban...). Một ngày của bà bắt đầu, sáng dậy đến Đài, mang thẻ vào cổng, tập quai hàm 15 phút (a, ô, e, ê, i, u, ư), rồi ăn sáng bánh mì do cô lao công mua. Được các anh, chị dìu dắt, hướng dẫn tập quai hàm, đọc phải tròn vành, rõ chữ; khi đọc trong phòng kín phải như đứng trước diễn đàn, muốn đọc xã luận hay có khi phải vừa đọc vừa vung tay. Lúc đọc trong phòng kín phải có biên tập ngồi ngoài kiểm thính... Để làm được nhạc hiệu “Đây là buổi phát thanh Măng non đất nước” bà phải thu đi thu lại, nói tới nói lui 3 ngày mới xong. Điều đó cho thấy làm một chương trình cầu kỳ, công phu, vất vả. Nhờ làm việc nghiêm túc, cần mẫn, bà nhanh chóng được nhiều người ngưỡng mộ, vì mọi người ra trường mới có việc làm, thì bà mới 19 tuổi chưa học xong đã được đi làm và nổi tiếng. Trước sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng lứa, bà chỉ cho rằng việc lao động nghệ thuật là để kiếm miếng cơm manh áo do hoàn cảnh khó khăn đưa đẩy nên phải đi làm. Tiền thù lao, tiền lương đủ để bà phụ giúp cha mẹ nuôi một đàn em ăn học.
 
Nhờ có khả năng về thơ văn, nên bà Mai được làm 2 ban, vừa Ban Nói vừa Ban Văn nghệ (số 58.Quán Sứ), nhưng công việc chính vẫn ở Ban Nói và cũng chính tại đây bà mới được gặp Bác Hồ. Trong khi tiếng nói của đài miền Nam ẽo ẹt, ru ngủ, nghe nhức nhối; Đài Tiếng nói Việt Nam lại hùng hồn, có tính chất kêu gọi, định hướng, chỉ đạo cả phong trào đánh Mỹ, điều đó đòi hỏi những con người làm trong Ban Nói phải là những người mẫu mực. Ngày 25 tháng 9 năm 1964, như thường lệ, 7 giờ sáng anh em trong Ban Nói đến Đài, cùng nhau phân bài, nghiên cứu, gạch đầu nối (nối từng từ ghép để đọc trơn tru, không vấp) chuẩn bị một buổi thu thanh. 8 giờ sáng, tự nhiên thấy chị tạp vụ đạp phăng guốc dép qua 2 bên như dẹp đường, mọi người không biết chuyện gì đang xảy ra, thì thấy chị ấy chạy lên lầu hốt hoảng nói “Cụ Hồ đến”.
 
Bác cùng các ông bà Lê Thị Thập, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Phan Kế Toại và Giám đốc Đài Trần Lâm đi lên lầu. Bác bước vào phòng và giơ tay nói mọi người ngồi xuống. Tất cả 12 PTV đang đọc trong phòng bá âm đều dừng công việc ra đón Bác. Ông Trần Lâm nói “Hôm nay vinh dự cho Ban Nói của Đài, Bác Hồ của chúng ta đến thăm các anh các chị, trong tất cả các ban, chỉ có Ban Nói được Bác đến thăm”. Mọi người cuống lên không ai kịp vỗ tay, cứ ngơ ngác nhìn Bác. Sau khi ổn định, Bác hỏi “Các cháu có khỏe không?”. Mọi người cùng đồng thanh đáp “Chúng cháu khỏe”. Bác nói: “Các cháu nên nhớ, từ căn phòng nhỏ hẹp này, tiếng của các cháu bay tận Pari. Cho dù các cháu làm việc hàng ngày thì thấy bình thường, nhưng rất là quan trọng đấy”. Bác nói tiếp: “Bây giờ Bác nói về chuyên môn một chút, theo Bác thì có 3 loại bài, các cháu thể hiện đã đúng rồi, nhưng Bác nhắc để các cháu biết nghiệp vụ báo nói khác với báo in. Theo Bác thì có ba thể loại, thứ nhất là bình luận, xã luận - Phát thanh viên Iury Levitan của đài Xô Viết, sau một bài đọc của anh ta, hàng trăm binh lính hồng quân Liên Xô đã xông lên tiêu diệt phát xít Đức ở thế chiến thứ II. Những người đọc xã luận, bình luận là mang tính chất định hướng, nó chỉ đạo cả một phong trào, làm chuyển hướng cả luồng suy nghĩ của mọi người, nên loại bài này là quan trọng nhất, giọng đọc phải hùng hồn, thúc giục vì nó thể hiện ý chí của Nhà nước, của Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân, nên cần chú trọng loại bài này. Loại thứ 2 là tin tức, theo Bác nên đọc nhanh hơn, đừng đọc ề à, ê a như học trò là không được, mà phải đọc một cách sôi nổi hơn, mãnh liệt hơn, cuốn hút người nghe vào sự kiện đó. Vì tin tức là chủ lực của báo nói và cả báo in. Tin sâu, hay tin vắn trước khi đọc phải nghiên cứu trước. Loại bài thứ ba là văn học nghệ thuật, trong đó có cả thiếu nhi thì phải đọc uyển chuyển, tha thiết, mềm mỏng, nó như một bài ca lúc trầm lúc bổng, cháu Lan Hương đọc truyện đêm khuya rất là hay, từ Bắc vào Nam đêm khuya đều chờ nghe những câu chuyện đó”. Rồi Bác dặn dò về cuộc sống riêng tư: Hàng chục triệu đồng bào đang hàng ngày nghe tiếng nói của các cháu, là người của công chúng, các cháu phải sống mẫu mực, xây dựng lối sống trong sáng, lành mạnh thì tiếng nói của các cháu càng thêm thuyết phục.
 
Hết căn dặn về nghiệp vụ, Bác hỏi: Trong Ban Nói của mình ai là người nhỏ tuổi nhất? PTV Việt Khoa chỉ ngay cô gái có hai bím tóc dài buộc nơ đang đứng bên cạnh Bác tự lúc nào là bà Hoàng Mai; đồng thời giới thiệu là sinh viên tổng hợp văn, vì có giọng nói tương đối chuẩn nên “đi tắt ngang”. Bác vỗ vai bà Hoàng Mai, hỏi: - Cháu quê ở đâu? - Cháu ở thị xã Vinh, Nghệ An, cách quê Bác 20 cây số thôi. Bác ngạc nhiên: “Ôi, dân Nghệ choa mà nói hay ra phết”. Mọi người vỗ tay. Bác hỏi tiếp: - Cháu ở Hà Nội thì ở đường nào? - Cháu ở 14B Hàn Thuyên. - Cháu ở với ai? - Cháu ở với cậu ruột là bác sĩ Hoàng Sử, Đại biểu Quốc hội. Bác quay lại hỏi đến đời sống của mọi người: - Hiện giờ “tiêu chuẩn” của các cháu như thế nào? - Chúng cháu ai cũng đều được gạo 13 kg, thịt 5 lạng, đường nửa kg mỗi tháng. Bác nói với Giám đốc Trần Lâm làm ngay một văn bản gửi lãnh đạo thành phố Hà Nội tăng tiêu chuẩn thêm gấp đôi. Và sau này những người làm công việc nghệ thuật cũng được tăng lên như thế. 
 
Sau đó ông Phan Kế Toại, bà Thập cũng phát biểu khen ngợi các PTV có giọng nói, giọng đọc thu phục lòng người. PTV Nguyễn Thơ tâm sự ở ngoài chúng tôi nói dở, nhưng khi phát thanh thì lạ kỳ lắm, tự nhiên trở thành tiếng nói Việt Nam. Mỗi người một quê, một giọng nói khác nhau, có người ở Hưng Yên, tổ trưởng là người Thanh Hóa, cô Hoàng Mai là người Nghệ Tĩnh, nhưng khi đã đi vào làn sóng của một đài cách mạng, ngồi trước micro rồi thì trở thành một giọng nói chung, trở thành Tiếng nói Việt Nam. 
 
Một tuần sau, bà Hoàng Mai được cậu cho một vé mời xem xiếc Việt Nam ở Nhà hát Nhân Dân (đường Trần Hưng Đạo - NV), do vị bác sĩ bận học tiếng Nga. Đến nhà hát, bà được đi lối dành cho đại biểu, qua cửa vào cánh gà đi xuống ngồi vào hàng ghế đầu tiên theo giấy mời, thì bên cạnh thấy có ghế để trống. Đèn vụt tắt. Bỗng từ cánh gà có một ông già mặc bộ quần áo nâu đi thẳng đến chỗ bà Hoàng Mai và ngồi xuống ghế ngay bên cạnh. Bà Mai tưởng có sự cố gì xảy ra. Nhân dân Hà Nội trong khán đài cùng đứng dậy hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm. Bác Hồ muôn năm”. Bác đứng ngay dậy giơ hai tay ra hiệu cho Nhân dân ngồi xuống. Mọi người cùng ngồi, ai cũng rạo rực hẳn lên. Thì ra Ban tổ chức đã sắp xếp bác sĩ Hoàng Sử ngồi cạnh Bác Hồ để phòng sự cố về sức khỏe, nhưng chính bác sĩ Hoàng Sử cũng không nghĩ ra nên đưa giấy mời cho cháu mình đi xem, vì vậy bà Hoàng Mai thêm một lần nữa được gặp Bác. Cả hàng ghế dành cho cán bộ cấp cao của Chính phủ, Bác nhìn sang bên cạnh thấy bà Hoàng Mai, Bác cười: “Lại gặp đây rồi! Cháu cũng thích xiếc lắm à”. Bà Mai giải thích với Bác việc mình có giấy mời. Bác bảo: Bác sĩ Hoàng Sử từng chiếu điện cho Bác 2 lần”, rồi Bác động viên bà Mai: “Cháu cố gắng giữ lấy nghề. Bác nghe buổi phát thanh măng non, Bác rất thích, cháu làm rất tốt, cháu nói rất duyên dáng, nhí nhảnh, giọng rất hồn nhiên, tươi vui”. 
 
Đêm biểu diễn bắt đầu, Bác chăm chú dõi theo từng tiết mục, thi thoảng Bác hỏi “Cháu có hiểu không?”, Bác giải thích từng động tác; nhất là đến tiết mục ảo thuật cô gái ngồi trong hòm gỗ, kiếm đâm qua hòm khiến mọi người sợ hãi, la ó, Bác nói mọi người đừng sợ, vì kiếm có lò xo, khi đâm kiếm sẽ rụt lại cho nên không có gì đáng sợ. Đến tiết mục hài kịch, Bác cũng cười to sảng khoái như bao khán giả. 10 tiết mục trôi qua, buổi diễn kết thúc, Bác bước nhanh lên sân khấu, cầm lấy micro và nói: “Đây là kẹo vừng Bác tặng riêng cho diễn viên xiếc Việt Nam. Kẹo vừng này được làm từ mật ở quê Bác gửi ra tặng, còn vừng này là tự tay Bác trồng trong Phủ Chủ tịch”. Cả khán đài vỗ tay náo nhiệt. Bác đi xuống chỗ ngồi hỏi han bà Hoàng Mai đi về bằng phương tiện gì, rồi chia tay ra về...
 
Hai lần gặp Bác đều là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên, đặc biệt là những lời căn dặn về nghiệp vụ làm báo nói, sự giản dị ân cần, phong thái, cách ứng xử với quần chúng gần gũi của Bác là động lực để bà luôn vượt mọi khó khăn, tiến về phía trước, nhắc nhở bà trong mỗi lời nói, hành động. Cuối năm 1965, Mỹ bắt đầu “leo thang” phá hoại miền Bắc, 20 tuổi, bà được tăng cường về công tác ở Đài Phát thanh Hà Bắc. Cuộc chiến mỗi ngày thêm ác liệt, Đài Hà Bắc phải sơ tán qua cầu sông Thương (ở địa phận Bắc Giang bây giờ), có nhiều thời khắc máy bay địch quần ngang dọc trên trời, ngồi trong tầm mưa bom, bà Hoàng Mai không biết sợ chết là gì, giọng nói vẫn phát đi lanh lảnh “Đồng bào chú ý. Đồng bào chú ý. Máy bay địch đang ở cách ta 1 km...”. Có lần một phi công Mỹ bị bắn rơi xuống cánh đồng gần nơi bà phát sóng, rất nhiều nông dân với cuốc thuổng, gậy gộc ùa đến tấn công vì lòng căm thù, bà Mai đã dang tay bảo vệ an toàn cho tên giặc lái rồi giao cho tổ chức, sau đó bà được tuyên dương. Vừa là phóng viên, vừa làm biên tập, vừa PTV, kiêm luôn kỹ thuật, bà xông xáo trên khắp tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang bây giờ) bằng sức trẻ không mệt mỏi. 
 
Đất nước thống nhất, năm 1976, bà cùng chồng được biệt phái vào Đà Lạt công tác ở Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng. Chuyến đi về N’Thol Hạ, bà phải nằm sát đất để tránh đường đạn của Fulro bắn phá. Bà rong ruổi khắp các vùng kinh tế mới, nông trường thanh niên xung phong khai hoang mở đất; Quyết liệt đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Rồi bà chuyển về Sở Văn hóa Thông tin làm tờ tập san cho sở này, vừa viết, vừa biên tập, dàn dựng, sửa morat cho đến khi nghỉ hưu (1994). Sau 31 năm làm công tác báo chí, ở vị trí nào, bà Hoàng Mai cũng phát huy hết khả năng, làm việc trách nhiệm của người làm báo cách mạng, bà được đồng nghiệp tin yêu, để lại ấn tượng tình cảm đẹp trong lòng những người bà có cơ hội gặp gỡ. 
 
Nghỉ hưu bà tiếp tục đóng góp tích cực cho phong trào địa phương. Đặc biệt, bà đứng ra thành lập, làm chủ nhiệm, duy trì hoạt động CLB thơ Lâm Đồng suốt 20 năm qua. Dù 56 năm đã trôi qua, từ cô gái mười chín đôi mươi, nay bà Lê Thị Hoàng Mai đã ở tuổi 75, nhưng những lần gặp Bác Hồ và hình ảnh của Người vẫn in đậm không bao giờ phai mờ. “Trên mọi bước đường đi của đời mình, có ánh sáng của Bác soi đường, khiến mình không thể làm điều xấu, điều ác được” - bà Hoàng Mai xúc động.
 
QUỲNH UYỂN