Ký ức trong mỗi nếp nhà

05:06, 09/06/2020

Ở thôn Kon Rum xưa, nay là Thôn 14, 15, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, trong mỗi nếp nhà vẫn còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người K'Ho được trao truyền qua biết bao thế hệ. 

Ở thôn Kon Rum xưa, nay là Thôn 14, 15, xã Hòa Bắc, huyện Di Linh, trong mỗi nếp nhà vẫn còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người K’Ho được trao truyền qua biết bao thế hệ. 
 
Anh B’Rếp tranh thủ lúc rảnh rỗi để hoàn thành chiếc gùi đang đan dở cho con gái.
Anh B’Rếp tranh thủ lúc rảnh rỗi để hoàn thành chiếc gùi đang đan dở cho con gái.
 
Những chiếc gùi treo cao
 
Không kể thời gian lên rừng chặt mây, rồi chẻ mây, phơi lạt, anh B’Rếp tranh thủ những ngày mưa hay lúc rảnh rỗi, đan một tuần là xong một chiếc gùi đơn giản. “Gùi đan xong được phơi trên bếp lửa hong khô. Càng hong lâu, gùi càng lâu hỏng” - anh cho hay.
 
Trên chái bếp đã treo đầy những gùi lớn, gùi nhỏ, anh B’Rếp còn đan thêm chiếc gùi nhỏ nhắn với nhiều đường đan phức tạp hơn, để cô con gái mang đến trường diễn văn nghệ. Những đường mây chỉ mới bắt đầu phần đế, nhưng rồi sẽ đung đưa theo từng nhịp múa của cô gái K’Ho nhỏ, tự tin và cả tự hào.
 
Cũng như nhà anh B’Rếp, trong ngôi nhà nhỏ của già K’Gút cũng treo rất nhiều những chiếc gùi như thế, có cả những chiếc đã được trang trí rực rỡ. Đó đều là công sức của ông trong những ngày nông nhàn. Nhưng không phải đan sẵn để có dùng ngay khi cần như anh B’Rếp, già K’Gút bảo ông đan gùi để sau này mất đi, con cháu có cái mà dùng và khi dùng sẽ nhớ đến người cha, người ông với bàn tay tỉ mỉ cho từng đường đan cẩn thận, đẹp đẽ.
 
Hầu như ở Thôn 14, 15, nhà nào cũng tự đan gùi để sử dụng. Bà Ka Thị Chiếc - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Bắc chia sẻ, người K’Ho ở Hòa Bắc đều tự ý thức được rằng, việc đan gùi không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong cuộc sống của họ, mà đó còn là cách thức để họ lưu giữ nghề truyền thống của người dân bản địa, cũng như không để nghề này mai một theo thời gian. 
 
Giữ tiếng chiêng ngân
 
Trong ký ức của già làng K’Bún, thôn Kon Rum xưa được chia làm 2, gồm Kon Rum lớn (nay là Thôn 14) và Kon Rum nhỏ (nay là Thôn 15), nhưng người dân thì luôn như người một nhà. Ở đó, vào mỗi dịp lễ cúng mừng lúa mới, tiếng cồng chiêng ngân vang kéo dài suốt ngày suốt đêm, hòa chung với niềm vui của dân làng mừng mùa màng bội thu. Bây giờ, khi đã qua 84 mùa nương rẫy, ông lại da diết nhớ những ngày vui trong quá khứ - khi ông vẫn còn mạnh khỏe để cùng hòa tiếng chiêng với xóm làng. Hiện tại, đội cồng chiêng của Thôn 14 cũng chỉ còn 4 người tham gia, và đều là những người lớn tuổi. Những ngày lễ mừng lúa mới cũng không còn tổ chức rình rang, mà giản lược bớt cho phù hợp với cuộc sống hiện đại. Thế nên, chỉ vào những đêm giao thừa và tháng 9, tháng 10, khi đã xong vụ mùa cà phê, chiếc chiêng được cất giữ cẩn thận trong nhà già mới được dịp ngân vang.
 
Ánh mắt buồn xa xăm, chị Ka Ngân - con gái già K’Bún kể, từ khi mẹ chị mất cách đây vài tháng, cha chị cũng chẳng còn nhiều thiết tha với cồng chiêng như trước. Bởi ngày xưa, mẹ chị biết kể chuyện, biết hát, biết múa theo nhịp chiêng chồng đánh, nên dường như tiếng chiêng của ông K’Bún cũng ngân nga và âm vang hơn bây giờ. Những người phụ nữ ở thế hệ vợ ông, cũng lần lượt về với ông bà, mang theo cả những câu chuyện, bài hát, điệu múa truyền thống của người K’Ho mà thế hệ trẻ còn chưa kịp học hết.
 
Là một trong bốn thành viên của đội cồng chiêng Thôn 14, trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ của già K’Gút vẫn dành một khoảng tường trang trọng để treo bốn chiếc chiêng. Ông kể hiện tại, gần một nửa người dân ở trong thôn đều giữ cồng chiêng, có nhà giữ 1, 2 cái, có nhà giữ 3, 4 cái, nhưng hầu như ai cũng gắng giữ vì đó là đồ được truyền từ thời cha ông để lại.
 
Ngoài đánh cồng chiêng, già K’Gút còn biết thổi kèn bầu. Ông bảo từ những ngày hoạt động cách mạng trong rừng, khi còn là một chàng trai 15, 16 tuổi, ông đã yêu thích và học thổi kèn. Đến khi cuộc sống bớt nhọc nhằn, ông mới có thời gian quay lại với niềm yêu thích một thời. Không mua được kèn tại địa phương vì người duy nhất biết làm kèn bầu ở Hòa Bắc đã qua đời cách đây vài năm, già K’Gút phải qua Sơn Điền mua, để thỉnh thoảng buổi chiều đi làm về, ông lại mang kèn ra ngồi nơi bậu cửa, thổi những giai điệu da diết.
 
Một điểm chung không khó để nhận ra khi trò chuyện cùng già K’Bún và già K’Gút, là cả hai ông đều trăn trở khi không còn nhiều người trẻ ở trong thôn yêu thích và học đánh cồng chiêng hay thổi kèn bầu. Chính con cháu trong nhà cũng không mấy thiết tha với việc này, già K’Gút bảo: “Tôi nói hoài, khuyên mãi, mà con cháu đều chưa chịu học nên giờ trong nhà không biết đánh chiêng. Cũng lo, cũng buồn nhưng biết làm sao được”.
 
Dẫn chúng tôi đến thăm những người già để được nghe kể những câu chuyện của “ngày xưa”, anh K’Gối tỏ rõ ngại ngần và lúng lúng khi được ông K’Gút trao cho chiếc kèn bầu và khuyến khích anh thổi thử. Là một người trẻ, anh cũng nhận thấy rõ rằng những thanh niên trong thôn bây giờ không còn quan tâm và mặn mà với văn hóa truyền thống này. Ngay cả bản thân mình, anh cũng cười ngại thừa nhận rằng: “Mình cứ hẹn mãi, nhưng đến giờ vẫn chưa bắt đầu học đánh cồng chiêng hay thổi kèn bầu. Nói rằng mình là con cháu K’Ho mà không biết đánh cồng chiêng cũng ngại, nhưng còn nhiều thứ khác phải học, phải lo, rồi cứ nghĩ để sau này học đánh cũng chưa muộn”.
 
Nghe vậy, ông K’Gút chỉ còn biết thở dài. Ông đang nghĩ đến một vài năm nữa, khi những người già nơi đây đã như mặt trời xuống núi, liệu rằng ai sẽ là người mang chiêng treo trong nhà ra đánh những âm điệu của đại ngàn.
 
V.QUỲNH - T.HIỀN