Tổ ấm gia đình của đôi vợ chồng khiếm thị

05:06, 26/06/2020

Chỉ nghe tiếng nói, bước chân, không nhìn thấy nhau; có cô con gái nhỏ 9 tuổi đã nhìn mọi vật thay cho cha mẹ...

Chỉ nghe tiếng nói, bước chân, không nhìn thấy nhau; có cô con gái nhỏ 9 tuổi đã nhìn mọi vật thay cho cha mẹ. Thế nhưng 10 năm qua, trong ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng khiếm thị là anh Nguyễn Trung Trực (54 tuổi) và chị Phùng Ngọc Linh (45 tuổi) ở con hẻm sâu đường Lữ Gia (Phường 9 - Đà Lạt) luôn ngập tràn hạnh phúc.
 
 Vợ chồng anh Trực chị Linh lắng nghe con gái nhỏ đọc truyện trong tổ ấm hạnh phúc
Vợ chồng anh Trực chị Linh lắng nghe con gái nhỏ đọc truyện trong tổ ấm hạnh phúc
 
Trong hoạn nạn gặp “duyên trời”
 
Anh Trực kể: Năm 28 tuổi, từ một thanh niên khỏe mạnh, anh Trực bị tai nạn động khi đang đào giếng thì bị cuốc rơi từ trên cao xuống trúng đầu, anh bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu, lúc tỉnh dậy, trước mắt chỉ một màu đen “tối như đêm 30”, dây thần kinh thị giác bị liệt hoàn toàn. Vợ sắp cưới bỏ anh; mất đi đôi mắt đã kéo theo một loạt thứ mất: mất người yêu, mất tiền chạy chữa khắp nơi, mất hết cả tương lai, hy vọng. Trước cú sốc quá lớn, anh Trực đau khổ, chán nản, mặc cảm, suốt ngày chỉ ở trong nhà, động nghe có tiếng người lạ đến là anh lui vào trong buồng, không muốn ai nhìn thấy mình. Thương anh, 8 anh chị em, gia đình đã tìm một cơ sở dạy chữ nổi cho người khiếm thị ở TP Hồ Chí Minh gửi anh xuống học. 30 tuổi anh Trực như bắt đầu lại từ đầu, mò mẫm trên từng trang giấy. Nếu người khiếm thị bẩm sinh học chữ nổi rất nhanh, xúc giác ở đầu ngón tay rất nhạy thì với anh, người đã biết chữ khi học chữ nổi sờ bằng tay khó khăn vô cùng. 8 năm dài, anh luôn quyết tâm phải học để sống có ý nghĩa hơn.
 
Năm 2004, Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng được thành lập và tiến hành Đại hội lần thứ I, như duyên trời định sẵn, anh gặp chị Phùng Ngọc Linh (Đức Trọng) tại Đại hội. Chị Linh bị khiếm thị bẩm sinh với thị lực 10%, thấy bóng mà không thấy hình, trước mắt chị chỉ thấy loang loáng mờ mờ, có thể tránh được vật cản. Vừa gặp nhau, trò chuyện anh chị đã nhận ra sự đồng điệu, tâm đầu ý hợp. Ấn tượng ban đầu của anh về chị là dịu dàng qua lời ăn tiếng nói, chị ấn tượng về anh là một người đàn ông trưởng thành, chững chạc. Họ cảm thông, đến với nhau và yêu thương nhau. Đang học vi tính ở TP Hồ Chí Minh, anh Trực bỏ học về Đà Lạt cho gần người yêu. Bị gia đình hai bên kịch liệt ngăn cản; người thân ai cũng cho rằng: trong gia đình chỉ có một người khiếm thị đã là gánh nặng, cuộc sống đã nặng nề lắm rồi, 2 người khiếm thị lấy nhau phải gánh thêm một người nữa thì cuộc sống sẽ ra sao; còn sinh con đẻ cái, những đứa trẻ ra đời cuộc sống, tương lai sẽ ra sao... Khát khao về một tổ ấm của riêng mình, vượt qua sự ngăn cản của hai bên gia đình, anh chị vẫn xác định lấy nhau. Cùng cảnh phải tự lập, anh Trực mồ côi cha, chị Linh mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà cùng rất đông anh chị em. Họ cùng nhau tích cóp vốn liếng, đến khi đủ điều kiện vật chất mới cưới nhau để cuộc sống gia đình đỡ khổ. Mỗi khi có dịp giao lưu với Hội Người mù các tỉnh, thành trong nước, anh chị vẫn chủ động tìm hiểu cuộc sống gia đình các cặp vợ chồng khiếm thị, để biết họ sống với nhau như thế nào, bí quyết gìn giữ hạnh phúc, học hỏi kinh nghiệm để xây dựng tổ ấm. Vì người sáng mắt sống với nhau đã trái ý ăn ý ở, đã vất vả, huống chi cả hai vợ chồng đều không nhìn thấy, trong khi cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
 
Hàng ngày, anh Trực đến Hội Người mù dạy các em nhỏ khiếm thị: dạy chữ, dạy văn hóa, dạy tiếng Anh, dạy vi tính và dạy tất cả những kiến thức mình học được bằng chữ nổi, anh chắt chiu từng đồng kiếm được. Chị Linh đi bán vé số quanh Đà Lạt, mỗi ngày đi bộ đôi ba chục cây số, chỉ khi nào đi quá xa không nhận ra phương hướng chị mới bắt xe ôm về. Tối họ lại gặp nhau ở Hội Người mù, gắn bó bên nhau, quây quần cùng những người đồng cảnh để bớt đi tiền trọ. Năm 2009, có người gặp vận may mua vé số của chị trúng lớn, họ tìm đến cho chị một số tiền, cộng với tiền anh chị tích cóp được đủ để họ cùng nhau mua một miếng đất nhỏ 50 m2 ở sâu trong hẻm dốc đường Lữ Gia (Phường 9 - Đà Lạt) với giá 50 triệu đồng. Hội Người mù tỉnh quan tâm vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ xây cho anh chị một ngôi nhà tình thương. Năm 2010, họ tổ chức đám cưới sau 6 năm dài yêu nhau.
 
Xây dựng tổ ấm từ hạnh phúc giản đơn 
 
Về sống một nhà, mỗi ngày anh chị càng thêm gắn bó. Nếu nhiều cặp vợ chồng sáng mắt, thường soi vào những nhược điểm của nhau, khi nhìn thấy những điều nhỏ nhặt, vặt vãnh không ưa đã kiếm chuyện “gây” nhau; thì trong gian khổ, đồng cảnh, vợ chồng người khiếm thị thường thấu hiểu, cảm thông, yêu thương, chia sẻ để cùng nhau vượt qua. Khi đã lấy nhau, anh chị cảm nhận không chỉ là tình mà cái nghĩa ngày thêm nặng. Họ không nhìn được nhau bằng ánh mắt, nhưng họ nhìn nhau bằng trái tim - anh Trực tâm sự. Năm 2011, chỉ một năm sau ngày cưới, ngôi nhà nhỏ của đôi vợ chồng đón cô con gái nhỏ chào đời. Khi nghe bác sĩ báo tin con sinh ra mắt sáng, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, anh Trực - chị Linh vỡ òa hạnh phúc. Dù không thấy mặt con, nhưng họ cảm nhận được bàn tay, bàn chân nhỏ xíu, sự cựa quậy đòi ăn của con, đòi vệ sinh của con. Lúc chưa có con, anh chị cứ lo lắng việc không nhìn thấy, khi cho con bú mớm, cho con ăn đút vào mũi thì sao... “Ông trời rất hay, vừa sinh ra trời đã cho con cách tự lập để tự sống. Mỗi khi cho con ăn, chỉ cần đưa muỗng cháo vào miệng là con gái anh đã há miệng như chim, tự đớp lấy, gọn ghẽ. Khi hơn 1 tuổi biết cầm muỗng là tự xúc thức ăn và cơm, tự ăn đến no. Mỗi khi cần vệ sinh là tự khóc đến khi cha mẹ cho đi có nơi có chốn mới chịu, chứ không vấy bẩn. Trời sinh trời dưỡng, ông trời lấy đi của cha mẹ đôi mắt, bù lại cho con, dường như nó hiểu bố mẹ nên cả việc tự vệ sinh có giờ giấc, tự sống ngăn nắp, rồi cứ thế mà lớn lên. Bé luôn ngoan ngoãn, vâng lời, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, 9 tuổi đã có thể tự nấu cơm, rửa chén, quét nhà, vệ sinh cá nhân. Trải lòng với chúng tôi, nhiều lần anh Trực nhắc đến “ông trời” hàm chứa sự biết ơn, nhất là lúc nhắc đến cô con gái nhỏ kháu khỉnh, đáng yêu, miệng anh luôn mấp máy nụ cười. Có con như có thêm nguồn vui sống, anh Trực, chị Linh không ngừng vun đắp cho tổ ấm của mình. Họ chỉ sinh một đứa con để đảm bảo cuộc sống, để có điều kiện tốt nhất cho con được nuôi dạy, ăn học đủ đầy. 
 
10 năm sống bên nhau, tổ ấm của vợ chồng họ luôn rộn rã tiếng cười; chưa một lần anh chị cáu, bực, lớn tiếng quát tháo nhau. Chỉ có sự nương tựa, yêu thương, chung sức đồng lòng chăm sóc nuôi dạy con. Hàng ngày, anh Trực đến Hội Người mù tỉnh dạy chữ nổi, dạy tiếng Anh, vi tính, hướng dẫn các kỹ năng sống, trau dồi kiến thức cho các em bé. Anh luôn động viên những đứa trẻ khiếm thị, phải không ngừng học, có kiến thức, kỹ năng mới hòa nhập cộng đồng, xóa đi mặc cảm tự ti. Chị Linh ngày ngày vẫn rong ruổi bán vé số trên các con đường Đà Lạt. Tối đến cả nhà mới sum vầy, chị nấu ăn, anh xếp dọn, đôi tay anh như có mắt, điện, nước, đồ dùng trong nhà hỏng anh đều sửa được hết. Nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Mỗi ngày anh đi làm, con gái đi học, hai bố con đều phải đi xe ôm; hàng tháng chi phí cho việc đi lại đến hơn 2 triệu đồng - đây là số tiền không nhỏ đối với hai vợ chồng anh chị.
 
Tuy cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng khi được hỏi ước muốn về những điều tốt đẹp, anh Trực cho biết: Trong cảm nghĩ của cả hai vợ chồng thì thấy mình được như vậy là tốt lắm rồi. Có chồng, có vợ, có con, có nhà để ở, có cái ăn cái mặc là hạnh phúc, không đòi hỏi gì hơn. Anh chị chỉ mong con chăm ngoan, học giỏi, vợ chồng khoẻ mạnh để cùng nhau nuôi con trưởng thành. 
 
QUỲNH UYỂN