Tân Thanh: Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

05:06, 10/06/2020

"Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi nghèo lắm. Nhưng bây giờ, bà con trong thôn vừa biết trồng cà phê, vừa biết trồng dâu nuôi tằm, mắc ca, hoa trong nhà kính… nên không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ gia đình còn biết vươn lên làm giàu nữa"...

“Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi nghèo lắm. Nhưng bây giờ, bà con trong thôn vừa biết trồng cà phê, vừa biết trồng dâu nuôi tằm, mắc ca, hoa trong nhà kính… nên không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ gia đình còn biết vươn lên làm giàu nữa”. Đó là những chia sẻ của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà.
 
Người dân vùng đồng bào DTTS tại xã Tân Thanh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập gia đình
Người dân vùng đồng bào DTTS tại xã Tân Thanh mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tăng thu nhập gia đình
 
Chăm lo toàn diện 
 
Cách trung tâm huyện Lâm Hà chừng 30 km, xã Tân Thanh được biết đến là một trong những địa phương thuộc diện khó khăn khi có tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm hơn nửa tổng số hộ toàn xã. Hiện, địa phương có 3.072 hộ gia đình, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54% và tập trung chủ yếu ở 5/11 thôn.
 
Để cải thiện đời sống cho bà con, những năm qua, xã Tân Thanh đã chú trọng công tác khuyến nông, định hướng và hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, từng bước đưa các giống mới nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để bà con phát triển kinh tế ổn định.
 
Năm 2019, diện tích cây cà phê vối toàn xã là 4.882 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 4.697 ha, cải tạo ghép chồi cà phê đạt 127/102 ha, tái canh chuyển đổi 93/87 ha. Bên cạnh đó, tổng diện tích cây dâu là 669 ha, trong đó trồng mới được 77/25 ha; phát triển mới cây ăn quả các loại được 49.300 cây với diện tích là 246,6 ha, bao gồm bơ 14.000 cây, mắc ca 20.000 cây, sầu riêng 7.000 cây, các loại cây ăn quả khác 300 cây…
 
Theo ông Đàm Văn Quyết - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thanh cho biết, là xã vùng sâu, vùng xa nên đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ gia đình đồng bào DTTS, một số hộ dân còn trông chờ và ỷ lại vào Nhà nước. Tuy nhiên, những năm gần đây đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng thời địa phương cũng có các biện pháp như tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, được người dân tiếp thu và thực hiện có hiệu quả. “Lúc trước, diện tích đất sản xuất nông nghiệp còn lác đác những khoảng đất trống, nhưng giờ đặt chân đến đây hầu hết đã được phủ xanh hết rồi. Bà con đã biết trồng xen, trồng thêm dâu, mắc ca, cây ăn trái… Nhờ vậy mà thu nhập bình quân đầu người tại địa phương ngày càng được cải thiện. Đến nay, tổng thu nhập được tăng lên 42,5 triệu đồng/người/năm”, ông Đàm Văn Quyết thông tin. 
 
Mạnh dạn chuyển đổi, nâng cao thu nhập
 
Chúng tôi vào thăm gia đình chị K’Linh (Thôn 3) - một trong những hộ đang trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đang ngồi tỉ mẩn cho tằm ăn, chị K’Linh kể, do giá cà phê ngày càng giảm nên nguồn thu nhập trong nhà không đủ chi tiêu. Cà phê một năm chỉ thu hoạch được một lần, nên vợ chồng chị luôn đặt ra suy nghĩ phải có hướng đi mới. Nhiều đêm nằm bàn bạc với chồng, chị quyết định tận dụng số đất còn lại để trồng dâu nuôi tằm. Chị K’Linh tâm sự: “Trong năm 2017, ngoài 3 ha là cà phê ghép, tôi sử dụng 4 sào đất trống của gia đình để trồng dâu nuôi tằm. Nguồn thu nhập 3 năm trở lại đây đều phụ thuộc hoàn toàn vào nghề này đấy. Nhờ được địa phương hướng dẫn, tìm nguồn giống và có chỗ thu mua nên hằng tháng gia đình thu được 3 đến 4 hộp tằm với tổng thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng”.
 
Cũng như gia đình chị K’Linh, sau khi được nghe tuyên truyền về chuyển đổi cây trồng để phát triển kinh tế ổn định, anh Nông Văn Danh (36 tuổi, Thôn 6) bắt đầu tham gia vào các lớp tập huấn do địa phương tổ chức để có thêm kiến thức cũng như kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng. Bên cạnh đó, được biết mắc ca là loại cây có giá trị kinh tế cao và sức chịu hạn tốt nên anh tìm về Đắc Lắc để mua giống. 
 
Anh Danh cho hay: “Lần đầu trồng do chưa biết cách chăm sóc nên cũng gặp một chút ít khó khăn, tuy nhiên cũng không đáng kể. Sau đó tôi tìm đến vườn của bạn bè và một số người dân xung quanh để học hỏi thêm kinh nghiệm trồng và cách thức chăm sóc cây trồng đạt chất lượng cao khi ra quả. Sau một thời gian dài, hiện tại, vườn có hơn 150 gốc mắc ca được trồng trên 5 sào đất. Năm 2019, vườn thu hoạch được hơn 6 tạ mắc ca và cho thu nhập hơn 100 triệu đồng cho vụ đầu tiên”.
 
Ông Quyết cho biết thêm, bên cạnh tăng cường công tác sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào DTTS, địa phương từng bước đưa các giống mới có năng suất cao thông qua các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó, đã làm thay đổi lớn diện mạo và thu nhập của người nông dân, cũng như tư duy làm nông nghiệp.
 
Hiện, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên địa bàn xã đạt khoảng 3.200 ha, chiếm 50% diện tích đất canh tác, tăng 2.000 ha so với đầu nhiệm kỳ, trong đó đã phát triển được 3 ha rau, hoa nhà kính.
 
“Thời gian tới địa phương cũng sẽ chú trọng hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân yên tâm, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm của người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho bà con”, ông Quyết nói.
 
HÀ ANH