Khi người trẻ học đánh chiêng...

05:07, 16/07/2020

Có thời gian rảnh rỗi là những người trẻ tuổi đời từ 15 - 35 ở Đạ Chais lại cùng nhau đi học đánh cồng chiêng. Đây là cách để giữ gìn, "nối dài" tiếng chiêng của đồng bào mình.

Có thời gian rảnh rỗi là những người trẻ tuổi đời từ 15 - 35 ở Đạ Chais lại cùng nhau đi học đánh cồng chiêng. Đây là cách để giữ gìn, “nối dài" tiếng chiêng của đồng bào mình.
 
Con em đồng bào học đánh cồng chiêng để làm du lịch
Con em đồng bào học đánh cồng chiêng để làm du lịch
 
Vào buổi tối các ngày trong tuần, hội trường Nhà văn hóa xã lại rộn ràng tiếng cồng chiêng. Để giúp các bạn trẻ phân biệt và nắm vững âm điệu của từng cái chiêng, những ngày đầu nghệ nhân Bon To Ha Jiêng phải chỉ từng động tác, từng cách thức đánh lên những nhịp điệu của chiêng. Theo nghệ nhân, cái quan trọng của đánh cồng chiêng chính là khả năng hòa âm và tùy thuộc vị trí từng người. Các em học không chỉ vì giữ gìn nét truyền thống của đồng bào mình mà còn tạo ra thu nhập từ phục vụ du lịch. Chính vì thế, bây giờ không cần nhắc nhở nữa mọi người cùng rủ nhau đến học. 
 
Ông Liêng Jrang Ha Thuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Chais phấn khởi: “Từ nhu cầu của bà con, địa phương đã đề xuất với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện mở 4 lớp truyền dạy cồng chiêng cho con em. Thông qua lớp học, lớp trẻ đã nhận thức được giá trị của văn hóa dân tộc mình. Từ chỗ không biết cầm chiêng, gõ chiêng nhưng qua lớp học các em đã đánh thành thạo một số bài chiêng truyền thống. Những lớp học như thế này không những giúp thế hệ trẻ của xã ý thức về trách nhiệm của cá nhân trong việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình mà còn gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng trong tương lai. Đặc biệt, nằm trên cung đường nối giữa thành phố biển và hoa, hằng năm xã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, đây là điều kiện giúp con em đồng bào có thu nhập từ chính văn hóa bản địa của mình.
 
Chị Nguyễn Lê Thạch Thảo, chủ Chappi Moutains Coffee cho biết, hằng tuần chị tổ chức cho du khách trải nghiệm không gian văn hóa cồng chiêng do chính con em đồng bào nơi đây biểu diễn. Mỗi du khách đến đây sẽ được thưởng thức trọn vẹn đêm giao lưu văn hóa bản địa thông qua những điệu múa, tiếng cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực do chính tay đồng bào dân tộc K’Ho chế biến và được hòa mình vào với thiên nhiên của núi rừng. 
 
Chị Nguyễn Lê Thạch Thảo chia sẻ, muốn níu chân và hấp dẫn du khách tìm đến với sản phẩm du lịch cộng đồng này, thì nhất thiết phải tìm cách xóa dần khoảng cách giữa khách và chủ thể làm ra sản phẩm. Có nghĩa là tạo nên không gian gần gũi, thân thiện và có tính tương tác sâu rộng, không gian khu du lịch của chị đáp ứng đầy đủ các điều kiện ấy. Nếu biết “gia cố” thêm đặc trưng về mặt văn hóa, sẽ tạo thêm thế mạnh cho địa phương. Khi đó, những làng dệt thổ cẩm, làng gốm, những đêm nhạc cồng chiêng huyền thoại… sẽ là những điểm đến độc đáo trên hành trình khám phá nét đẹp văn hóa của du khách.
 
Theo ông Cao Anh Tú, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, nhu cầu mở rộng loại hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, đòi hỏi chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc hình thành sản phẩm phù hợp với tiềm năng và có định hướng phát triển du lịch lâu dài. Việc đảm bảo người dân được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương chính là nguyên tắc để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững.
 
Ở Đạ Chais bây giờ người dân đã biết cách làm du lịch như thế nào, biết biến lợi thế địa phương về bản sắc truyền thống, cảnh quan môi trường đặc sắc để khai thác du lịch hiệu quả.
 
Ông Tú cho biết, nhận thấy những hiệu quả bước đầu do du lịch cộng đồng mang lại, huyện Lạc Dương chủ trương phát triển loại hình du lịch này ở nhiều địa điểm trên địa bàn huyện, trong đó xã Đạ Chais nổi lên như một điểm sáng về phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, huyện khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển du lịch cộng đồng, các nghề thủ công và văn hóa truyền thống của người bản địa tham gia các dịch vụ phục vụ du lịch. Thông qua việc khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách. Hiện tại trên địa bàn xã Đạ Chais có hơn 10 điểm dừng chân, trải nghiệm văn hóa bản địa, đặc biệt là buôn Đưng K’Si của xã Đạ Chais vừa mới đây đã phục dựng tái hiện sinh động lại nghi thức lễ cưới truyền thống của người K’Ho bản địa. Việc phục dựng này đang được huyện và tỉnh đưa vào đề án bảo tồn văn hóa bản địa, để từ đây làm tiền đề cho việc phát triển du lịch văn hóa cộng đồng. 
 
PHONG VÂN