Tấm lòng người Công giáo

06:07, 28/07/2020

Thực tiễn ở Đơn Dương nhiều năm qua cho thấy, trong cộng đồng người Công giáo luôn đề cao sự tương thân, tương ái, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau để phát triển kinh tế - xã hội hướng tới nâng cao chất lượng đời sống.

Thực tiễn ở Đơn Dương nhiều năm qua cho thấy, trong cộng đồng người Công giáo luôn đề cao sự tương thân, tương ái, hỗ trợ đùm bọc lẫn nhau để phát triển kinh tế - xã hội hướng tới nâng cao chất lượng đời sống.
 
Sự đoàn kết hỗ trợ của các giáo dân đã tạo nên những xứ Đạo phát triển mạnh về kinh tế
Sự đoàn kết hỗ trợ của các giáo dân đã tạo nên những xứ Đạo phát triển mạnh về kinh tế
 
Ở huyện Đơn Dương, Cộng đồng người Công giáo có đến trên 42 ngàn giáo dân, chiếm tỉ lệ gần 40% dân số toàn huyện. Trong đó có khoảng 15 ngàn giáo dân là người dân tộc bản địa. Ông Nguyễn Văn Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đơn Dương khẳng định: “Bà con Công giáo hiện đang sinh hoạt tại 12 giáo xứ trên toàn huyện và liên tục nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp tích cực, thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đơn Dương cũng nhấn mạnh rằng, những đóng góp trong phát triển kinh tế ở Đơn Dương đa phần đều nằm ở các xứ đạo. Bà con giáo dân đã chủ động, tích cực hưởng ứng thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đơn cử như ở xứ  đạo Lạc Lâm, việc chuyển đổi thành công 117 ha sang trồng rau thương phẩm trên địa bàn xã đã góp phần đóng góp lớn vào tổng thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp của xã lên 341 tỷ đồng/năm. Thông qua các phong trào “Xây dựng  giáo xứ, họ đạo tiên tiến”, “Mỗi người công giáo là một công dân tốt” đoàn kết tương trợ làm kinh tế đã góp phần xây dựng cuộc sống phát triển trong cộng đồng người Công giáo. Nhờ vậy hộ nghèo là người Công giáo giảm xuống còn 95 hộ trong toàn huyện.
 
Giáo dân cũng là công dân tốt nên nhiều năm qua, các giáo xứ luôn cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng con người và xã hội tốt đẹp hơn. Các giáo xứ luôn chú trọng phát huy những điểm tương đồng giữa các nội dung của giáo lý với quy định của pháp luật, gắn hoạt động tôn giáo với hoạt động xã hội và thực nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong xây dựng nông thôn mới trước đây nay tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, các giáo xứ đã lồng ghép tuyên truyền tại các buổi giảng lễ ở các nhà thờ để bà con giáo dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kế hoạch của địa phương; từ đó dân chủ bàn bạc, tham gia ý kiến và tích cực đóng góp công sức, trí tuệ, vật chất xây dựng quê hương, nâng cao đời sống. Nhờ vậy, bà con Công giáo ở nhiều giáo xứ đã tình nguyện hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, xây dựng giao thông nông thôn, đường nội đồng. Cụ thể, tại Giáo xứ Lạc Lâm, giáo xứ đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con giáo dân tham gia làm đường giao thông nông thôn. 
 
Hiện 21 tuyến đường liên thôn, 38 tuyến đường ngõ xóm, 7 tuyến đường nội đồng đều đã được bê tông hóa. 
 
Suốt 5 năm qua, tại Giáo xứ Lạc Viên bà con đã đóng góp xây dựng cây cầu bắc qua sông Đa Nhim nối liền thôn Lạc Viên A đến thôn Giãn Dân; đồng thời phối hợp với MTTQ huyện vận động bà con mở rộng hai con đường thôn từ Cầu Tràn ra Quốc lộ 27 và từ Cầu Tràn ra đường ĐT 412 với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. 
 
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, trong cộng đồng người Công giáo còn đẩy mạnh tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn  được thực hiện thông qua công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ vốn giúp nhau vượt khó được thực hiện thường xuyên trong các giáo xứ và dòng tu. Như tại Giáo xứ Diom, nơi có 5 thôn cũng là 5 giáo họ, trong đó có 3 thôn người Chu Ru, 1 thôn người K’Ho và 1 thôn giãn dân; giáo xứ đã khơi dậy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng để bà con giáo dân hỗ trợ nhau sản xuất. Những hộ giỏi hướng dẫn, giúp đỡ những hộ khó khăn hơn về vốn và kỹ thuật để giúp các giáo dân khó khăn vươn lên. Còn tại tổ dân phố M’Lọn ở thị Trấn Thạnh Mỹ, nơi sinh sống của 301 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ là người Công giáo, trước đây chỉ độc canh cây lúa nên có tới  40% hộ nghèo, nhiều hộ đói giáp hạt thường xuyên nhưng nhờ các giáo xứ hỗ trợ phát triển kinh tế  hiện  M’Lọn chỉ còn 1 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Ngoài ra, bà con Công giáo ở M’Lọn còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu ở địa phương.
 
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, an sinh xã hội cũng là vấn đề được cộng đồng người Công giáo ở Đơn Dương chung sức thông qua những việc làm cụ thể hướng đến nhu cầu thiết thực. Vấn đề giáo dục con em là mối quan tâm hàng đầu ở các  giáo xứ, dòng tu trên địa bàn huyện. Các cơ sở giáo dục do người Công giáo thành lập chủ yếu đang hoạt động trong các lĩnh vực giáo dục mầm non và đào tạo nghề. Mạng lưới các trường mầm non do bà con Công giáo xây dựng không chỉ góp phần giải quyết những vấn đề khó khăn trong giáo dục mà còn là địa chỉ thường xuyên hỗ trợ những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em được tiếp cận chương trình giáo dục của Nhà nước. Hiện ở Đơn Dương đang có 10 nhóm trẻ, 2 trường mẫu giáo và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp trong cộng đồng người Công giáo. Các cơ sở đều hoạt động hiệu quả, cơ bản đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cộng đồng người Công giáo cũng xây dựng quỹ học bổng để thường xuyên hỗ trợ sách, vở, xe đạp và học bổng cho các em. Điều này có thể thấy rõ tại Giáo xứ Diom, xã Lạc Xuân, nơi đây thường xuyên vận động và hỗ trợ con em các giáo dân khó khăn được đến trường. Ngoài các nguồn tài trợ, học bổng, khen thưởng… giáo xứ còn mở các lớp học tình thương để giúp các em ôn luyện nắm vững kiến thức;  đồng thời tổ chức các hoạt động ngoại khóa như sinh hoạt, cắm trại… theo độ tuổi, nhằm tăng kỹ năng sống cho các em. Còn trong chăm sóc sức khỏe y tế, các  giáo xứ, dòng tu như Giáo xứ Ka Đơn, Próh, Châu Sơn; Cộng đoàn nữ tu Phan Sinh của Giáo xứ Suối Thông, Thạnh Mỹ; Cộng  đoàn nữ tu Đa Minh của Giáo xứ Tu Tra, Lạc Lâm…vẫn duy trì hoạt động các tủ thuốc để chăm sóc sức khỏe người dân, nhất là những bệnh nhân nghèo. Việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp cũng được các giáo xứ đẩy mạnh qua  việc trồng, chăm sóc đường hoa, cây xanh đã tạo diện mạo mới cho các khu dân cư. Bà con giáo dân tích cực tham gia và chăm sóc duy trì các tuyến đường xanh thường xuyên nhiều năm nay.
 
Tấm lòng giữa người Công giáo với người Công giáo đã góp phần phát triển kinh tế trong các gia đình giáo dân, xây dựng những giáo xứ vững mạnh, góp phần vào  phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
 
HOÀNG MY