Chuyển đổi cây trồng đẩy lùi nghèo khó

05:09, 08/09/2020

Từng có tới 20,43% hộ nghèo trong tổng số 137 hộ, nhưng sau cuộc chuyển đổi diện tích canh tác lúa, màu sang trồng dâu nuôi tằm đã đẩy lùi sự nghèo khó và đến nay chỉ còn một hộ duy nhất thuộc diện nghèo. 

Từng có tới 20,43% hộ nghèo trong tổng số 137 hộ, nhưng sau cuộc chuyển đổi diện tích canh tác lúa, màu sang trồng dâu nuôi tằm đã đẩy lùi sự nghèo khó và đến nay chỉ còn một hộ duy nhất thuộc diện nghèo. 
 
Đó là câu chuyện được viết lên từ thực tế đời sống ở Tổ dân phố 7, thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh trong những năm qua cũng là nơi sinh sống của 137 hộ với 605 khẩu. Các hộ ở đây 100% sống nhờ làm nông với tổng diện tích hơn 360 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó 161 ha chủ yếu trồng lúa nước và 200 ha đất đồi trồng các loại cây điều, tiêu, tràm bông vàng. Song với cách tổ chức sản xuất manh mún nên thu nhập bình quân đầu người không cao, còn tỷ lệ hộ nghèo những năm trước ở mức 20,43%. 
 
Theo Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm (gọi tắt là Chi hội) cho hay: Qua nhiều lần khảo sát thực tế, Hội Nông dân thị trấn xét thấy địa hình Tổ dân phố 7 có sông Đồng Nai bao quanh, thuận lợi cho việc tưới tiêu, đất đai màu mỡ phù hợp với cây dâu tằm, đặc biệt là có 60 ha đất bồi ven sông. Vì vậy, vào tháng 9/2012, Hội Nông dân thị trấn phối hợp với UBND thị trấn cùng Tổ dân phố 7 thành lập Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm. Ban đầu mô hình thu hút 28 hộ tham gia thì có tới 14 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo và 8 hộ khó khăn. Đã thuộc hộ nghèo khó lại sử dụng giống dâu kém hiệu quả, kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu nên chất lượng và sản lượng kén không cao, giá kén không ổn định do đó đời sống của hội viên nông dân càng gặp nhiều khó khăn.
 
Để vực dậy nghề trồng dâu nuôi tằm, nhất là sau khi đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng dâu, Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện cho Chi hội vay 600 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để chuyển đổi giống dâu mới, đồng thời tổ chức các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau “cú hích” này đã cho ra kết quả thấy rõ, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt; giá kén từ 40.000 đồng/1 kg đã tăng lên 70.000 đồng/1 kg vào thời điểm năm 2015. Không dừng lại ở đó, Hội Nông dân thị trấn Đạ Tẻh còn tổ chức cho các thành viên Chi hội đi tham quan học hỏi tại các hợp tác xã trồng dâu nuôi tằm để trao đổi kinh nghiệm, thực tiễn trồng dâu nuôi tằm của các cơ sở. 
 
Chính nhờ kết hợp nhiều biện pháp nêu trên nên từ năm 2016 - 2019, chất lượng, sản lượng nông sản được nâng lên, giá kén bắt đầu tăng dần từ 95.000 đồng/1 kg lên đến 195.000 đồng/1 kg, dẫn tới đời sống của hội viên Chi hội đã được cải thiện với mức thu nhập ổn định bình quân từ 150 - 250 triệu đồng/hộ/năm. Qua đó, khẳng định mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm đã phát huy được hiệu quả nhanh chóng và không chỉ giải quyết nhu cầu cấp thiết việc làm, thu nhập, mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho người trồng dâu nuôi tằm trong tổ dân phố. 
 
Theo Hội Nông dân thị trấn Đạ Tẻh, với mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm ở Tổ dân phố 7, bước đầu đã cho thấy hiệu quả và có tính bền vững lâu dài nên nhiều nông hộ xin tham gia vào Chi hội ngày một nhiều hơn. Hiện nay Chi hội đã kết nạp thêm 6 thành viên, nâng tổng số lên 34 thành viên, với diện tích trồng cây dâu là 47 ha. 
 
Đặc biệt, sau khi thực hiện mô hình, các thành viên trong Chi hội đã hoàn trả được vốn, xây dựng được nhà tằm kiên cố, lát gạch men đủ tiêu chuẩn, các diện tích dâu được lắp đặt hệ thống tưới tự động và đặc biệt là có 6 hộ nghèo đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu, xây được nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi, còn lại các hộ khác cũng thoát nghèo bền vững. 
 
Hiện nay, toàn tổ dân phố chỉ còn một hộ nghèo nhưng không phải là hội viên mà nguyên nhân do tuổi già, sức yếu, mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động và cũng đã được các thành viên trong Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm hỗ trợ gạo hàng tháng. 
 
Mô hình Chi hội nêu trên thực sự đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho các hộ với mức thu nhập cao hơn gấp 2 - 3 lần so với làm lúa, được tỉnh công nhận điển hình thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020. 
 
Mặt khác, tay nghề, kinh nghiệm của nông dân được nâng lên rõ rệt; việc liên kết với các thương lái giúp nông dân ổn định đầu ra, an tâm sản xuất trồng dâu nuôi tằm. Bởi các thương lái cho nông dân tạm ứng vốn để đầu tư thêm cho mỗi hộ từ 5 - 10 triệu đồng chi phí sản xuất và cung ứng giống đến khi thu hoạch sản phẩm mới thanh toán không tính lãi. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được của mô hình vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Hợp đồng ký kết giữa thương lái với nông dân rất đơn giản, nhiều hộ chỉ hợp đồng miệng, giống tằm không rõ nguồn gốc, không kiểm định được chất lượng con giống, một số hộ đã phản ảnh chất lượng con giống không tốt dẫn đến tình trạng là tằm bệnh, chất lượng kén giảm, gây ảnh hưởng đến thu nhập của bà con hội viên, nông dân. Còn xét về pháp luật thì tính ràng buộc chưa cao, do đó sẽ gây bất lợi cho nông dân khi tranh chấp, cần được quan tâm tháo gỡ để mô hình Chi hội nghề nghiệp trồng dâu nuôi tằm thực sự ổn định và phát triển bền vững.
 
KHẢI NHIÊN