Đúng nhu cầu - tăng hiệu quả

05:09, 15/09/2020

Đào tạo nghề để chủ động trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập và cải tạo đời sống...

Đào tạo nghề để chủ động trong sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập và cải tạo đời sống. Đó là mục tiêu của huyện Lâm Hà khi thực hiện các lớp đào tạo nghề nông thôn. Việc xác định trúng mục tiêu đào tạo, đúng nhu cầu của người dân đã giúp địa phương này có những phương án triển khai hiệu quả.
 
Thông qua các lớp đào tạo nghề nông thôn, bà con DTTS ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh đã làm chủ được kỹ thuật nuôi tằm mang lại hiệu quả cao
Thông qua các lớp đào tạo nghề nông thôn, bà con DTTS ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh đã làm chủ được kỹ thuật nuôi tằm mang lại hiệu quả cao
 
Huyện Lâm Hà xác định đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là nhiệm vụ quan trọng góp phần từng bước cải thiện mức sống của người dân. Bởi vậy suốt 10 năm qua, địa phương này đã có nhiều nỗ lực để các lớp đào tạo nghề thực sự đáp ứng đúng nhu cầu người dân và tác động trực tiếp đến những thay đổi về kinh tế - xã hội trên địa bàn. 
 
Lâm Hà đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước liên quan đến đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Từ đó, người dân nhận thức tốt hơn các nội dung, chính sách và tham gia các lớp học. Bà Nguyễn Thị Năm - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà cho biết: Trước khi triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, cán bộ phụ trách công tác này phải bám sát các địa bàn, tiến hành khảo sát để nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, nhất là ở các địa bàn đang xây dựng nông thôn mới, xã vùng sâu vùng xa. Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch, mở lớp đào tạo nghề theo ngành, nghề phù hợp và để bà con chủ động đăng ký. Tuy nhiên, lượng học viên cũng trong giới hạn nhất định, ưu tiên các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, người bị thu hồi đất sản xuất, bộ đội xuất ngũ, người hoàn lương. Những thao tác trên đã giúp tỷ lệ người dân theo học các lớp đào tạo nghề cơ bản đúng với đơn đăng ký. Không có tình trạng đi học để lấy tiền trợ cấp của Nhà nước. Những năm gần đây, việc mở các lớp đào tạo nghề tận thôn, buôn đã tạo thêm nhiều thuận lợi để người dân theo học. 
 
Theo số liệu thống kê từ ngành Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lâm Hà, từ năm 2010 đến nay, đã có hơn 160 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở với hơn 4 ngàn học viên tham gia. Các nghề được đào tạo gồm: trồng, chăm sóc cà phê; sửa chữa máy nông nghiệp; chăn nuôi gà, heo, bò; đan móc len, mây tre đan; kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm; may công nghiệp, đan len công nghiệp; trồng rau, hoa công nghệ cao và trồng, chăm sóc cây hồ tiêu, với tổng kinh phí trên 4,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương, của tỉnh, Lâm Hà là địa bàn tiêu biểu trong tỉnh bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện việc đào tạo nghề nông thôn.
 
Chị KLong K’Bình, một trong những hộ nuôi tằm tiêu biểu hiện nay ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh cho biết: “Khi bắt đầu nuôi tằm do không biết các loại phân và cách bón phân cho cây dâu nên cây dâu cho năng suất thấp. Việc chăm sóc tằm không đúng kỹ thuật nên việc tằm chết hay tằm không tạo kén diễn ra rất nhiều. Sau khi được học những kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm, bà con nắm bắt được kỹ thuật, nhờ vậy cả trồng dâu và nuôi tằm đều có năng suất cao hơn”.  Còn đối với bà Nguyễn Thị Năm, một hộ nuôi heo trú tại thị trấn Đinh Văn, việc tham gia các lớp đào tạo nghề giúp bà con rất nhiều kỹ thuật trong chăn nuôi. Nhất là cách sử dụng các loại thuốc phòng bệnh, để tránh các dịch bệnh có thể phát sinh trên đàn heo. 
 
Chính những hiệu quả thiết thực đó, nên những năm qua, nhận thức của người dân về các lớp đào tạo nghề nông thôn ngày càng chuyển biến tích cực. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn không ít bộ phận người học chưa nhận thức đầy đủ về việc đào tạo nghề, ít quan tâm đến đầu ra; một số nghề lao động có thu nhập không cao vẫn phải đào tạo. Một số xã, thị trấn chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề nông nghiệp tại địa phương, công tác tổ chức tuyên truyền về các chính sách dạy nghề của Nhà nước đối với Nhân dân, chưa chuyên sâu và thường xuyên. Việc triển khai dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn còn một số bất cập như cơ sở vật chất của các cơ sở dạy nghề còn hạn chế, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu. Lao động tham gia học nghề là nông dân, trình độ học vấn không đồng đều, địa bàn xã rộng, điều kiện đi lại khó khăn.
 
Những khó khăn đó huyện Lâm Hã đã nhìn nhận rõ và xác định những giải pháp tháo gỡ cụ thể trong thời gian tới. Dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đang tiếp tục chứng minh là một chủ trương đúng đắn và quan trọng, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao sức lao động và tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
 
HOÀNG MY