Huy động tổng lực giảm nghèo bền vững

04:10, 14/10/2020

Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống của Nhân dân tại địa phương.

Với sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống của Nhân dân tại địa phương.
 
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước giúp người dân thoát nghèo bền vững
 
Mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,20%
 
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đầu năm 2016, toàn tỉnh có 20.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,67%; trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số là 12.487 hộ, chiếm tỷ lệ 19,11%; hộ cận nghèo 16.461 hộ, chiếm tỷ lệ 5,37%; hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn 2.529 hộ, chiếm tỷ lệ 27,05%; hộ cận nghèo 1.748 hộ, chiếm tỷ lệ 18,70%. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh còn 6.325 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,85% (hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 4.109 hộ, chiếm tỷ lệ 5,58%); hộ cận nghèo còn 12.587 hộ, chiếm tỷ lệ 3,69%. Số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn 914 hộ, chiếm tỷ lệ 8,55%; hộ cận nghèo 1.394 hộ, chiếm tỷ lệ 13,05%. Như vậy, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh đã đạt và vượt kế hoạch so với chỉ tiêu UBND tỉnh đề ra là phấn đấu đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn dưới 1,9%.
 
Cả giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh giảm được 13.769 hộ nghèo so với đầu năm 2016. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,20%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,38%. Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao trong 4 năm qua có thể kể đến một số huyện tiêu biểu như Cát Tiên, Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và Đạ Tẻh. Nếu như năm 2016, toàn tỉnh có 11 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu và 110 thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 theo Quyết định số 900 ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 414 ngày 14/7/2017 của Ủy ban Dân tộc thì đến cuối năm 2019, Lâm Đồng còn 6 xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu theo Quyết định 1747 ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và 51 thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 958 ngày 13/12/2019 của Ủy ban dân tộc. 
 
Trong vòng 5 năm, toàn tỉnh đã có 5 xã và 59 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
 
Điểm đáng lưu ý là kết quả giảm nghèo trong năm 2019 bền vững hơn so với năm 2016. Trong năm 2019, cả tỉnh có 3.228 hộ thoát nghèo, đồng thời có 476 hộ phát sinh nghèo và 28 hộ tái nghèo, nghĩa là khoảng 6 hộ thoát nghèo thì có 1 hộ tái nghèo, phát sinh nghèo. Hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu trong đồng bào dân tộc thiểu số; các địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. So với đầu năm 2016, đến năm 2019, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản tốt hơn, biểu hiện ở 8 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trong nghèo đa chiều: Tiếp cận dịch vụ y tế; trình độ giáo dục người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. 
 
Trồng dâu nuôi tằm đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số xã N’thol Hạ, Đức Trọng thoát nghèo nhanh và bền vững
Trồng dâu nuôi tằm đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số xã N’thol Hạ, Đức Trọng thoát nghèo nhanh và bền vững
 
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
 
Để đạt được kết quả trên, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đó là do thời gian qua, các địa phương đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và hiệu quả, nhằm giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo theo hướng tập trung, tránh manh mún, dàn trải, hiệu quả thấp. Đồng thời, lựa chọn nội dung và hình thức triển khai phù hợp với nhu cầu, khả năng của người nghèo, gắn với đầu ra của sản phẩm; tiếp tục nhân rộng mô hình hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Cùng với đó, các chính sách giảm nghèo và các chương trình, dự án hỗ trợ khác đối với vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo đã được thực hiện kịp thời, đồng bộ; tăng nguồn lực đầu tư của địa phương, huy động toàn bộ xã hội tham gia giúp vùng nghèo, người nghèo đã mang lại kết quả và được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. 
 
Song song với đó, các địa phương đã lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và nông thôn mới, các dự án để hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, vật tư, thiết bị phục vụ nông nghiệp từ các nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và đối ứng của người dân để phục vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ngoài nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh đối ứng 16.000 triệu đồng/năm theo Quyết định 48 ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chương trình phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tại 21 xã nghèo trên địa bàn toàn tỉnh. Hỗ trợ 30% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo, 40% mức đóng bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình, 70% mức đóng cho học sinh, sinh viên là đồng bào dân tộc thiểu số không sống trong vùng kinh tế, xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, với kinh phí trên 25.000 triệu đồng/năm; huy động nguồn vốn xã hội hóa thông qua Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ, với kinh phí huy động trên 40.000 triệu đồng...
 
Biểu đồ tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh từ năm 2015 đến cuối năm 2019
Biểu đồ tỷ lệ giảm nghèo toàn tỉnh từ năm 2015 đến cuối năm 2019
 
Cùng với các chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh, một số địa phương như Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh... tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như kiên cố hóa trường học, kênh mương thủy lợi, giao thông nông thôn... cho các xã, thôn đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số, xã nghèo được cải thiện rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng nhiều mặt cuộc sống của Nhân dân.
 

 

Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Bà Lê Thị Thêu - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Để đạt được kết quả trên là sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp. Cùng với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội xác định phối hợp là “từ khóa” dẫn đến thành công. Nhiều nội dung phong phú, đa dạng, gắn với thực tiễn đời sống người dân, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Công tác phối hợp đã phát huy được hiệu quả; trách nhiệm phối hợp giữa các bên được nâng cao, mối quan hệ công tác ngày càng chặt chẽ, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội vào các phong trào, các cuộc vận động, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhân đạo từ thiện ở địa phương. Nổi bật nhất là vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
 
UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, đoàn thể các cấp đã phối hợp triển khai lồng ghép chương trình giảm nghèo bền vững vào các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức tự chủ cộng đồng và người dân. Thông qua các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, vận động Nhân dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chú trọng xây dựng các mô hình điểm về phát triển kinh tế, từng bước tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần quan trọng thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.
 
THY VŨ