Chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy

06:11, 20/11/2020

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ luôn được các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Đức Trọng chủ động triển khai hiệu quả...

Thời gian qua, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cứu nạn cứu hộ luôn được các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng huyện Đức Trọng chủ động triển khai hiệu quả. Nhờ đó, khi xảy ra các sự cố về cháy nổ đều được phát hiện và xử lý kịp thời, các thiệt hại về người và của do cháy nổ gây ra đều được hạn chế tới mức thấp nhất. 
 
Hàng năm, UBND huyện Đức Trọng đều phối hợp tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng
Hàng năm, UBND huyện Đức Trọng đều phối hợp tổ chức Hội thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng
 
Huyện Đức Trọng hiện có trên 2.000 cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ lớn nhỏ, trong đó có 550 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định tại Nghị định số 79, ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính Phủ, trong số này 210 cơ sở có nguy cơ về cháy nổ. Huyện Đức Trọng có 1 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 174 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 425 tỷ đồng; bao gồm các dự án đầu tư thuộc các nhóm ngành nghề: sản xuất các sản phẩm phục vụ du lịch; công nghiệp chế biến thực phẩm rau quả, thủy sản, rượu, bánh mứt; sản xuất vật liệu xây dựng, gạch cao cấp; chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó còn có Cảng hàng không quốc tế Liên Khương, các chợ, cửa hàng bách hóa và gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu... đây là những đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao.
 
Để thực hiện tốt công tác PCCC, hàng năm, UBND huyện Đức Trọng đều ban hành các văn bản chỉ đạo; tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và các biện pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCCC trên địa bàn huyện. Đồng thời, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCCC, UBND huyện thành lập Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn cứu hộ gồm 17 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện làm trưởng ban và Trưởng Công an huyện làm phó ban thường trực. Đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế, kiện toàn ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ; bổ sung, kiện toàn đội dân phòng làm nòng cốt trong phong trào quần chúng tham gia PCCC. Tổ chức hội nghị tập huấn công tác PCCC cho lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, đội dân phòng của các xã, thị trấn; tổ chức hội thao PCCC và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở, dân phòng...
 
Công tác hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức như: Tổ chức các hội nghị tập huấn về công tác PCCC; lồng ghép nội dung PCCC trong các buổi sinh hoạt cơ quan, sinh hoạt của các Hội đoàn thể hay sinh hoạt câu lạc bộ pháp luật, họp dân tuyên truyền pháp luật... Từ năm 2017 đến nay, đã tổ chức được 89 buổi tuyên truyền, thu hút 1.740 lượt người tham dự; tổ chức 7 lớp huấn luyện nghiệp vụ về công tác PCCC với 1.365 học viên tham gia.
 
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC được thực hiện thường xuyên, đúng quy định của pháp luật. Lực lượng PCCC đã tiến hành kiểm tra theo các chuyên đề, định kỳ, đột xuất đối với từng loại cơ sở, nhà nghỉ, quán karaoke, trường học, khu dân cư, kho hàng hóa, cơ sở chế nạp, chiết xuất gas, cửa hàng kinh doanh xăng dầu... thuộc phân cấp quản lý. Trong 3 năm qua, đã kiểm tra 1.536 lượt cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 173 cơ sở. 
 
 Tuy đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác PCCC, nhưng trên địa bàn huyện vẫn xảy ra 12 vụ cháy từ năm 2017 đến nay, làm 2 người chết, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 4,5 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra tại khu dân cư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nguyên nhân chủ yếu là do chập điện; sơ suất, bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt. Riêng với các vụ cháy rừng, là do người dân đốt rẫy dẫn đến cháy lan. 
 
Để làm tốt hơn nữa công tác PCCC, trong thời gian tới, Đức Trọng sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PCCC; triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản về PCCC đến các tầng lớp nhân dân. Mặt khác, ngoài trách nhiệm vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý nhà nước thì vai trò và ý thức của từng cơ sở sản xuất, kinh doanh và mỗi người dân là hết sức quan trọng. Bởi trong công tác PCCC, phòng ngừa luôn là yếu tố hàng đầu. Cần chủ động rà soát, thực hiện đảm bảo các nguyên tắc phòng cháy, loại bỏ các yếu tố nguy hiểm tiềm ẩn; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn, không xảy ra cháy nổ. 
 
NHẬT MINH