Hiệu quả từ tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của phụ nữ

05:01, 28/01/2021

Được thành lập hơn một năm nay, 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của phụ nữ xã Ninh Gia và phụ nữ xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) đã góp phần tạo việc làm cho các tổ viên. 

Được thành lập hơn một năm nay, 2 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của phụ nữ xã Ninh Gia và phụ nữ xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) đã góp phần tạo việc làm cho các tổ viên. 
 
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại thu nhập ổn định cho các tổ viên tổ hợp tác
Nghề trồng dâu nuôi tằm đang mang lại thu nhập ổn định cho các tổ viên tổ hợp tác
 
Thực hiện Đề án 939 về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp với Hội LHPN huyện Đức Trọng tổ chức lễ ra mắt và bàn giao phương tiện sản xuất mô hình chuỗi giá trị liên kết trồng dâu nuôi tằm cho 30 tổ viên thuộc 2 tổ hợp tác của phụ nữ xã Ninh Gia và phụ nữ xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng), nhằm tiếp tục hỗ trợ chị em phát triển ổn định với chính nghề này. Các tổ viên của 2 tổ hợp tác đã được hỗ trợ các phương tiện gồm: Trứng tằm, nong, né, sàn, máy dập kén tùy theo nhu cầu của mỗi hộ, với tổng số tiền là 200 triệu đồng, được trích từ nguồn vốn của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ phát triển liên kết tổ hợp tác.
 
Chị Lương Thị Thanh Hằng - Tổ viên Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm xã Liên Hiệp cho biết, chị “bén duyên” với nghề trồng dâu nuôi tằm được 2 năm nay và hiện chị trồng được 6 sào dâu, nuôi gối được 1 hộp tằm/tháng, với trung bình thu nhập hàng tháng là khoảng 6 triệu đồng. “Từ khi tham gia vào tổ hợp tác, các tổ viên đã tránh được tình trạng bị ép giá. Ngoài ra, cùng với việc tập huấn về kỹ thuật, các tổ viên còn chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện, nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập cũng khá cao, nhưng do giống không được đảm bảo lắm nên cũng mong muốn các ngành chức năng có cách nào hỗ trợ để nguốn giống được tốt hơn và ổn định hơn” - chị Hằng chia sẻ. 
 
Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hiệp, Tổ phó Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm cho biết: Trên địa bàn xã có gần 360 hộ sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Từ năm 2019, Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của phụ nữ xã Liên Hiệp đã được thành lập, với tổng số 30 thành viên. Nhìn chung, mô hình nuôi tằm đã giúp cho chị em phụ nữ có thêm thu nhập, lo cho con cái học hành và đầu tư vào các loại cây rau màu khác. 
 
Chị Nguyễn Thị Xuân Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Gia, cho biết: Khoảng 7 năm trở lại đây, nghề trồng dâu nuôi tằm đã phát triển trên địa bàn xã, với khoảng 150 hộ tại các thôn Hiệp Hòa, Tân Phú, Kinh Tế Mới, Thiện Chí, Ninh Thiện. Qua khảo sát, Hội LHPN xã đã chọn thành lập tổ hợp tác tại thôn Kinh Tế Mới với 20 hộ tham gia vào năm 2020. “Tổ hợp tác được xây dựng và hoạt động hiệu quả với nguồn vốn được vay ban đầu là 600 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngoài ra, các thành viên trong tổ cũng đã góp thêm vốn, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể. Mỗi năm, mỗi hộ sẽ trả vào 10 triệu đồng, như vậy 12 hộ ban đầu được giải ngân sẽ tích lũy được 120 triệu đồng để cho 2 hộ khác được vay, góp phần giúp nhau phát triển kinh tế”.
 
Việc thành lập 2 tổ hợp tác và hỗ trợ các phương tiện trồng dâu nuôi tằm đã góp phần thay đổi cách thức nuôi tằm truyền thống sang áp dụng phương pháp nuôi tằm theo công nghệ cao, hiện đại cho năng suất chất lượng kén cao hơn. Chị Nguyễn Thị Xuân Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Ninh Gia cho biết: Trong số 30 tổ viên của tổ hợp tác, có 15 tổ viên được bình xét để nhận hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm. Đây là sự hỗ trợ rất lớn và thiết thực để phát triển thêm quy mô và tăng thêm số lượng nuôi tằm trên địa bàn xã”.
 
Chị Trịnh Thị Hoàng - Chủ tịch Hội LHPN xã Liên Hiệp, Tổ phó Tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm của xã Liên Hiệp cho biết: Sắp tới, theo chỉ đạo của Hội LHPN huyện và Hội LHPN tỉnh, tổ hợp tác sẽ xây dựng một mô hình tiết kiệm để giúp cho những thành viên mới kết nạp những dụng cụ sản xuất để chị em có thêm điều kiện, dụng cụ phát triển sản xuất, góp phần tiếp tục phát triển và nhân rộng mô hình”.
 
NHẬT MINH