Sức sống mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

06:01, 01/01/2021

Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc đã và đang phát huy hiệu quả, huy động được tối đa nguồn lực, đầu tư có hiệu quả...

Cho tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng, các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách giảm nghèo, chính sách dân tộc đã và đang phát huy hiệu quả, huy động được tối đa nguồn lực, đầu tư có hiệu quả vào các dự án, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. 
 
Xã nông thôn một thời nghèo khó ở huyện Cát Tiên ngày nào nay trở nên trù phú với những cánh đồng lúa chất lượng cao đã được định danh và có thương hiệu rộng ngút ngàn
Xã nông thôn một thời nghèo khó ở huyện Cát Tiên ngày nào nay trở nên trù phú với những cánh đồng lúa chất lượng cao đã được định danh và có thương hiệu rộng ngút ngàn
 
Theo số liệu thống kê, tính đến nay Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, dân số 340.986 hộ/1.296.906 người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó, đồng bào DTTS có 333.616 người, chiếm 25,72%. Đặc biệt hơn, hiện có 66 xã và 468 thôn có trên 20% đồng bào DTTS; trong đó, có 127 thôn và 18 xã có đồng bào DTTS chiếm trên 80%.
 
Đất khó đã “trở mình”
 
Ngày cuối năm, tôi tình cờ gặp vị cán bộ của xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên tại một hội nghị diễn ra tại Đà Lạt. Khuôn mặt, vóc dáng và cả cách phục trang khá lịch sự và hợp thời trang của đồng chí cán bộ xã người DTTS ở Đồng Nai Thượng khiến tôi ấn tượng bởi không mấy khác biệt so với người dân thành thị. Trò chuyện với tôi, đồng chí kể nhiều về sự đổi thay cả tư duy và đời sống của bà con vốn một thời khó khăn chồng chất khó khăn và nhiệt tình mời tôi sớm quay lại thăm Đồng Nai Thượng để chứng kiến sức sống mới trên Đồng Nai Thượng sau nhiều năm nỗ lực xây dựng nông thôn mới.
 
Đồng Nai Thượng là xã vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Cát Tiên với gần 100% là đồng bào dân tộc Mạ. Trước đây, con đường đất chật hẹp, trơn trượt và nguy hiểm là con đường duy nhất nối xã với trung tâm huyện và cũng là trở ngại lớn nhất khiến đời sống và việc sản xuất của người dân ở đây đã khó lại càng thêm khó. Nhà nước thường xuyên phải đưa Đồng Nai Thượng vào kế hoạch cứu đói mùa giáp hạt. Thế nhưng, bây giờ, đường lên Đồng Nai Thượng đã dễ hơn rất nhiều. Và những câu chuyện về tăng gia sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, cải tiến vườn cây, thay đổi giống cây trồng vào sản xuất của bà con ở đây đã trở thành cuộc “đua” của bà con để thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế gia đình. Xã Đồng Nai Thượng đến nay đã không còn hộ đói, không còn nhà tạm bợ, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc.
 
Qua câu chuyện với anh cán bộ Mặt trận huyện, tôi được biết, khi mới bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã gặp rất nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Bởi Đồng Nai Thượng là một xã thuần nông, dân trí thấp, bà con DTTS đông, quen với lối canh tác và tư duy xa xưa của ông cha nên Đồng Nai Thượng không có những lợi thế như các xã khác. Cơ sở hạ tầng cũng chỉ mới có hệ thống điện, đường, trường, trạm và còn chưa được đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, thu nhập của người dân còn rất thấp, chủ yếu trông chờ vào ít diện tích ruộng nước mà chưa có một mô hình sản xuất nông nghiệp nào thật sự hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm, Đồng Nai Thượng đã đổi thay toàn diện là nhờ kết hợp hiệu quả nguồn đầu tư của Nhà nước với sự chung tay, chung sức của bà con nhân dân. Năm 2010, xã Đồng Nai Thượng có hơn 50% hộ nghèo thì nay chỉ còn 17 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt hơn 40 triệu đồng/năm.
 
Xuất phát điểm không khá hơn Đồng Nai Thượng là mấy, Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) cũng là xã DTTS vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ đồng bào DTTS của xã chiếm khoảng 79%. Trước đây, nhắc đến Lộc Bắc người ta thường liên tưởng đến một nơi mà cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Hơn 10 năm trước, khắp các thôn, buôn trong xã phổ biến hình ảnh những ngôi nhà ẩm thấp, những đứa trẻ mắt vàng, bụng bủng đầy giun sán. Người dân lúc đó vẫn còn tâm lý làng nhàng không quan tâm, suy nghĩ nhiều về tăng gia sản xuất thay đổi kế sinh nhai để phát triển kinh tế gia đình. Tâm lý họ mặc định một sự mặc cảm về sự nghèo khổ, họ nghĩ hễ cứ sinh ra ở nơi này, sinh sống ở nơi này là phải chịu cảnh bần hàn. Vậy nhưng, nhờ sự “hà hơi, tiếp sức” của Đảng và Nhà nước bằng rất nhiều chính sách, dự án đầu tư suốt những năm qua mà ngày nay cuộc sống của bà con đang có nhiều khởi sắc. Lộc Bắc giờ đây mang một sức sống mới, cơ sở hạ tầng đổi thay, tư duy và đời sống văn hóa, trình độ nhận thức của người dân cũng thay đổi rõ nét.
 
Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo 
 
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đặc biệt chú trọng và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình để các cấp tổ chức thực hiện; chỉ đạo cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của Trung ương, kết hợp với việc huy động các nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách trên địa bàn toàn tỉnh. Quá trình thực hiện triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ được tổ chức kịp thời, đồng bộ nên đã mang lại nhiều kết quả. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, giao đất sản xuất, hỗ trợ y tế, giáo dục, làm nhà ở cho hộ nghèo, cung cấp vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội,... các chương trình, dự án về khuyến nông, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội,... được triển khai đồng thời đã có tác động trực tiếp đến việc tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào DTTS. 
 
Giai đoạn 2016 - 2020, chỉ tính riêng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã đầu tư nguồn vốn 8.517 tỷ đồng; trong đó, vốn từ ngân sách Trung ương là 854 tỷ đồng (chiếm 10,03% tổng nguồn vốn); ngân sách địa phương dành ra 395 tỷ đồng (chiếm 4,66% tổng nguồn vốn); vốn lồng ghép là 5.385 tỷ đồng; vốn của các doanh nghiệp là 600 tỷ đồng; người dân cũng đóng góp 1.253 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, toàn tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng được 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; một vùng nông thôn rộng lớn đã đổi thay và tràn đầy sức sống mới.
 
Cũng trong giai đoạn này, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững đã đầu tư 1.058 tỷ đồng tập trung thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, xóa nhà tạm, giải quyết đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS còn thiếu, song song đó tổ chức hướng dẫn cho hộ nghèo cách làm ăn, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ vốn và cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất...
 
Ngoài ra, thực hiện và vận dụng Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài 8 xã thuộc huyện Đam Rông được đầu tư theo chương trình của Trung ương, tỉnh đã xây dựng Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững cho 29 xã và 97 thôn có tỷ lệ hộ nghèo trên 30%, để tạo điều kiện thực hiện tốt hơn công tác giảm nghèo vùng DTTS. 
 
Với cách làm đồng bộ, hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 6.325 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,85%. Trong đó, hộ nghèo đồng bào DTTS còn 4.109 hộ, chiếm tỷ lệ 5,58%; hộ cận nghèo còn 12.587 hộ, chiếm tỷ lệ 3,69%; trong đó, hộ cận nghèo đồng bào DTTS còn 7.090 hộ, chiếm tỷ lệ 9,62%. Số hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn 914 hộ (chiếm tỷ lệ 8,55%), hộ cận nghèo 1.394 hộ (chiếm tỷ lệ 13,05%).
 
Đời sống văn hóa được nâng cao
 
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng giao thông; tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt ở vùng DTTS. Đến nay, 100% số xã có trạm y tế; 95,7% xã, phường, thị trấn có bác sỹ; 100% số thôn, bản có nhân viên y tế. Các dự án, chương trình, mục tiêu y tế - dân số, y tế cộng đồng được thực hiện tốt. Tỉnh đã thực hiện chính sách ưu tiên miễn giảm viện phí, cấp phát thẻ Bảo hiểm y tế cho 376.984 người, trong đó 103.685 thẻ cho đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 27,5%. 
 
Chất lượng giáo dục vùng DTTS cũng được nâng lên rõ rệt. Ngành Giáo dục thực hiện lồng ghép các nội dung, chương trình giáo dục để nâng cao năng lực, kỹ năng sống, giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc cho người học tại trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, đặc biệt là trong cộng đồng người DTTS có tỷ lệ dân số thấp và các dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp. Huy động, lồng ghép, bố trí đủ nguồn lực và từng bước tăng chi ngân sách cho thực hiện chương trình, chính sách liên quan để tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho giáo dục, trong đó trọng tâm là các lĩnh vực giảm nghèo; phổ cập giáo dục, chống mù chữ, nhằm góp phần thực hiện và duy trì bền vững các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS trên địa bàn các huyện, nhất là các thôn, xã thuộc khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; giáo dục mầm non được chú trọng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 
 
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mô hình “Giúp nhau vượt khó” được triển khai rộng khắp và có sức lan tỏa rộng. Ở nhiều vùng đồng bào DTTS đã hình thành một số làng văn hóa kết hợp với du lịch, nhằm khôi phục những bản sắc văn hóa đã bị mai một. Các hoạt động này đã giúp đồng bào hiểu hơn và duy trì, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa. 
 
Có thể khẳng định rằng, ở vùng đồng bào DTTS vốn một thời đầy khó khăn nhưng từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, bằng sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực, sự chung sức đồng lòng của bà con nhân dân; giờ đây sức sống mới đang tràn về với các buôn làng. Bước vào năm đầu tiên của thập niên mới, năm 2021, Đảng bộ tỉnh tiếp tục đề ra mục tiêu sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các chính sách dành cho đồng bào DTTS, nhất là chính sách chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo để đời sống của bà con không ngừng nâng lên, kéo gần hơn nữa khoảng cách giữa vùng DTTS với các vùng có điều kiện kinh tế, văn hóa phát triển.
 
NGUYỄN NGHĨA