Khởi sắc vùng Loan

08:02, 13/02/2021

Một mùa xuân lại đến, đất trời thay áo mới, vùng Loan cũng đổi thay từng ngày...

Một mùa xuân lại đến, đất trời thay áo mới, vùng Loan cũng đổi thay từng ngày. Đã xa rồi một thời nghèo đói đeo bám, kiếm ăn từng bữa, gieo hạt lúa xuống phải nhờ nắng mưa của trời. Màu xanh bạt ngàn của triền cà phê, rau, củ, quả đan xen cùng với những khóm dã quỳ, những đường hoa báo hiệu một mùa xuân mới no lành, yên ấm với người dân vùng Loan (gồm 5 xã Tà Hine, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng, Đạ Quyn) huyện Đức Trọng.
 
 Con em vùng Loan được học hành trong những ngôi trường khang trang giữa núi rừng Ảnh 2:
Con em vùng Loan được học hành trong những ngôi trường khang trang giữa núi rừng
 
“Thay da đổi thịt” từng ngày
 
Chúng tôi đến vùng Loan vào một ngày đẹp trời, trên những cung đường nông thôn mới (NTM) bóng dáng của những người nông dân tất bật thu hoạch cà phê và những chuyến xe chuyên chở nông sản ngược xuôi báo hiệu một mùa xuân no ấm. Có được ngày hôm nay, bà con vùng Loan đã trải qua biết bao nhiêu cơ cực; những năm gần đây được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, diện mạo NTM vùng Loan thay đổi một cách rõ rệt.
 
Hiện nay cả 5 xã Vùng Loan đều đã về đích NTM và đang trên đường xây dựng NTM nâng cao. Xã Đà Loan được thành lập năm 1977 theo chương trình xã kinh tế mới, là xã có vị trí trung tâm dịch vụ - thương mại của vùng Loan. Đến nay xã đạt chuẩn 10 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao theo Quyết định số 2103 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Chủ tịch UBND xã - Phan Đình Quý vui mừng thông báo những kết quả về kinh tế - xã hội mà địa phương đạt được, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất đạt 225 triệu đồng/ha. 
 
Xã Đạ Quyn thành lập năm 2009, là xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhưng đến nay thì một vùng đất trù phú dần hình thành với khá nhiều thành quả. Trước đây, đời sống của 8 dân tộc anh em gồm: Chu Ru, Ê Đê, Rắc Lây, Kinh, Hoa, Tày, Nùng chủ yếu dựa vào sản xuất các loại cây trồng như cà phê, lúa, ngô. Đến nay, người dân đã biết chuyển đổi một phần diện tích không năng suất sang trồng ớt, cà chua, cà tím, su su với diện tích khoảng 4 ha, 260 ha rau thương phẩm, bưởi da xanh, trồng dâu nuôi tằm. Đến nay, xã Đạ Quyn giữ vững 19 tiêu chí NTM và đạt 5 tiêu chí về NTM nâng cao. 
 
Điều đáng trân trọng nhất ở Đạ Quyn mà Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dương phân tích chính là sự đoàn kết của các dân tộc anh em trong đời sống và quyết tâm xây dựng NTM. Mặt khác, người dân Đạ Quyn rất cố gắng vươn lên trong cuộc sống, chịu khó học hỏi những mô hình làm ăn kinh tế hay từ các địa phương khác. 
 
Trong căn nhà khang trang, nước sơn còn mới, bà Ma Ngao ở thôn Touneh - xã Tà Năng lần giở về những ký ức của năm tháng còn khó khăn: “Khoảng thời gian trước thì khó khăn trăm bề, làm được loại nông sản nào muốn mua bán cũng khó, nhiều lúc đi ra chợ huyện cũng không mua được nhiều đồ vì đường sá đi lại khó khăn. Nay thì xe tải vào đến tận buôn làng, cà phê thu hoạch về thì thương lái đến tận nhà mua. Đó là những gì mà người dân Tà Năng vui mừng khi xuân mới đã về”, bà Ma Ngao tâm sự. 
 
Ghé vào xã Tà Năng, công cuộc xây dựng NTM làm diện mạo nông thôn thay đổi từng ngày. Xuất phát là một xã nghèo, xã khó khăn của huyện Đức Trọng, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống bà con còn khó khăn, thế nhưng chính quyền, người dân ở đây vẫn đồng lòng xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp. Đến nay, theo kết quả rà soát thì xã đã đạt chuẩn 9 tiêu chí về xây dựng NTM nâng cao. Thời điểm năm 2017, khi xã Tà Năng về đích NTM, thu nhập bình quân của bà con là 34 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 thu nhập của bà con là 41,6 triệu đồng/người/năm. 
 
Cũng nằm trong tiến trình xây dựng NTM nâng cao, xã Tà Hine và xã Đà Loan cũng khởi sắc từng ngày khi nhà cửa của người dân khang trang, bà con sắm được các vật dụng đắt tiền, con em được ăn học tử tế. Điểm mới ở các xã vùng Loan trong giai đoạn hiện nay chính là đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng, trong sản xuất các xã đều vận động được người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bước đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, các xã vùng Loan cũng đã phát huy thế mạnh của địa phương, duy trì và tái canh cây cà phê, chăn nuôi đại gia súc tạo thu nhập bền vững cho bà con. 
 
Phụ nữ Chu Ru tập luyện các điệu múa truyền thống để mừng Đảng, mừng xuân mới
Phụ nữ Chu Ru tập luyện các điệu múa truyền thống để mừng Đảng, mừng xuân mới
 
Lưu giữ văn hóa truyền thống
 
Nhắc đến vùng Loan, ai cũng biết là một vùng còn khó khăn và đang trên tiến trình xây dựng NTM nâng cao với sự đồng thuận của các dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất này. Điều đặc biệt của vùng Loan chính là tất cả các xã đều có đội cồng chiêng đủ các lứa tuổi được chọn vào câu lạc bộ của xã. Ngoài ra, những điệu múa dân gian bên ché rượu cần vẫn được tiếp nối qua các thế hệ. 
 
Trong ngôi nhà nhuốm màu mưa nắng, ông Ja Bá ở xã Đạ Quyn vẫn lưu giữ những chiếc chiêng quý giá của tổ tiên mình. Ông tâm sự rằng phải cố công lưu giữ để cho con cháu mình sau này còn cái để nhớ. Chính vì vậy trong những ngày quê hương, đất nước sắp bước sang một mùa xuân mới, ông Ja Bá lại chỉn chu hơn tiếng chiêng để hòa cùng thanh âm núi rừng, đón một cái tết ấm no, hạnh phúc. Vang lên tiếng chiêng để nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên, đời đời ơn Đảng, Nhà nước.
 
Còn bà Ma Kinh là một người phụ nữ đặc biệt của núi rừng vùng Loan thì sử dụng thành thạo làn hơi của mình để réo rắt cùng tiếng khèn bầu. Trong tiềm thức của bà, chiếc khèn bầu là một nhạc cụ tượng trưng cho núi rừng vì quả bầu được người dân gieo trồng, chăm sóc, tre nứa, lồ ô cũng là sản vật của núi rừng. Chính vì vậy, giữ được tiếng khèn bầu chính là giữ được tiếng của ông cha, thanh âm của núi rừng vùng Loan xanh thăm thẳm.
Nếu đến vùng Loan, đôi tai của ta được lắng nghe thanh âm sấm rền của cồng chiêng, tiếng réo rắt của khèn bầu thì những điệu múa dân gian của người Chu Ru cũng làm ai nấy phải nao lòng. Có mặt tại một buổi tập luyện của những người phụ nữ Chu Ru ở xã Tà Hine để mừng Đảng, mừng xuân thì ta mới thấy hết sự uyển chuyển của những đôi tay quanh năm quen lam lũ với núi rừng.
 
Không chỉ quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, bảo tồn văn hóa truyền thống, một điều nữa ở vùng Loan chính là những danh lam, thắng cảnh những cung đường “phượt” tuyệt đẹp mà thiên nhiên hào phóng ban tặng. Một mùa xuân mới lại về, hy vọng từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của các dân tộc anh em, vùng Loan sẽ ngày càng cất cánh bay lên.
 
Niềm vui của người dân khi một vụ mùa cà phê mới trĩu quả, báo hiệu sự sung túc, no ấm lâu dài
Niềm vui của người dân khi một vụ mùa cà phê mới trĩu quả, báo hiệu sự sung túc, no ấm lâu dài
 
ĐỨC TÚ