Tôn K'Long mùa xuân về

06:02, 08/02/2021

Dẫu vẫn chưa hết hẳn những nhọc nhằn, nhưng sau khi vượt qua con đường đã từng là nỗi ám ảnh với bao người khi chưa được xây dựng...

Dẫu vẫn chưa hết hẳn những nhọc nhằn, nhưng sau khi vượt qua con đường đã từng là nỗi ám ảnh với bao người khi chưa được xây dựng, Tôn K’Long (xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh) hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh bình yên của cây trái, dưới ánh nắng thật trong của những ngày cuối năm. Ở đó, mùa xuân đã về thật gần trên nụ cười hồn nhiên và hiền lành của những người con Châu Mạ.
 
Những mái nhà của Tôn K’Long nằm ẩn mình dưới tán cây xanh mát
Những mái nhà của Tôn K’Long nằm ẩn mình dưới tán cây xanh mát
 
Không còn chia cắt
 
Trên con đường đổ bê tông khang trang dẫn từ xã lên Tôn K’Long, anh Bằng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đạ Pal đã phải dừng xe đợi chúng tôi đến 3 lần, cùng rất nhiều lần tỏ ra ái ngại kèm câu nói “sắp đến nơi rồi” - như để trấn an những cô gái trẻ. Bởi dù không còn là đường đất sỏi đá, nhưng đó vẫn là con đường khó với những ai đi lần đầu, vì phải thường xuyên lên xuống dốc và rất nhiều những khúc cua gấp.
 
Nhưng, dẫu có dốc thế nào, thì con đường đó cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của người dân thôn Tôn K’Long sau bao năm chia cắt, bao năm chờ đợi. Hơn 15 năm người dân nơi đây phải đi đi về về trên con đường lầy lội vào mùa mưa, bụi bặm vào mùa nắng. Chỉ cách trung tâm thị trấn Đạ Tẻh 18 km, nhưng bà con phải mất gần 2 tiếng đồng hồ đi xe máy mới xuống được đến nơi. Thế nên, ngày con đường được hoàn thành là ngày niềm vui vỡ òa nơi thôn nhỏ.
 
Căn nhà của chị Nguyễn Thị Chi - Trưởng thôn Tôn K’Long nằm gần như đầu thôn, phơi đầy cà phê trước sân. Hầu như những ngôi nhà xung quanh cũng vậy. Cây cà phê trước nay vẫn là cây trồng chủ lực, mang lại kinh tế chính của người dân nơi này. Để làm ra hạt cà phê là bao mồ hôi, công sức. Vậy mà đã có những ngày, cà phê, điều, chè,... của Tôn K’Long trồng ra không bán được, hoặc chỉ bán với giá thấp. Bởi đường dốc sình lầy, xe cộ khó khăn nên bị thương lái ép giá. “Bây giờ thì khác rồi, đường sá thuận tiện, ô tô đã vào tận nơi. Nông sản bà con làm ra nhanh chóng được mua với giá ngang bằng với trung tâm huyện” - nữ Trưởng thôn phấn khởi chia sẻ.
 
Mùa này, trước mỗi sân nhà ở thôn Tôn K’Long đều phơi đầy cà phê
Mùa này, trước mỗi sân nhà ở thôn Tôn K’Long đều phơi đầy cà phê
 
Điều “khác rồi” như chị Chi nói, không chỉ là chuyện giá cả nông sản, mà còn là vấn đề sức khỏe, học hành của con cái. Trong câu chuyện cuối năm của những người dân nơi đây, vẫn còn in đậm những lần người bệnh phải nằm trên cáng để người nhà cõng bộ qua quãng đường rừng xuống Trung tâm Y tế. Người lớn mang theo con nhỏ lên vườn, lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn thuốc hạ nhiệt, men tiêu hóa, thuốc tiêu chảy. Hay những đứa trẻ chỉ mới 5 tuổi đã phải xa cha mẹ, gởi nhà người quen ở trung tâm xã, thị trấn để được thuận tiện đến trường. 
 
Xa cách, vất vả, thiếu thốn,... đã qua rồi. Có con đường, giờ là lúc bà con chăm lo phát triển kinh tế, chị Chi nói vậy. Căn nhà nhỏ của chị, chưa hẳn hoàn thiện, nhưng lát gạch hoa mát rượi bàn chân. Và trong nhà có đầy đủ các đồ gia dụng cần thiết như tủ lạnh, máy giặt, ti vi màn hình lớn, nồi cơm điện,...
 
Dọc đường lên Tôn K’Long, những vườn bơ, sầu riêng, vườn cà phê được cải tạo đã lên xanh tốt. Tôn K’Long trù phú không thua kém mảnh đất nào ở trung tâm huyện. Chị Ka Đệu - người đã gắn bó với Tôn K’Long từ khi thôn được thành lập cho đến bây giờ, hào hứng khoe, đa phần những vườn cây ăn trái đã được hơn 2 năm tuổi, do bà con tự có ý thức chuyển đổi diện tích trồng điều kém hiệu quả. Cây trồng ra được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, được người dân chăm sóc kỹ càng nên phát triển tốt, hứa hẹn những mùa vụ đủ đầy.
 
Nụ cười của học sinh điểm Trường Tiểu học Tôn K’Long
Nụ cười của học sinh điểm Trường Tiểu học Tôn K’Long
 
20 năm vun vén những mùa xuân
 
Đã tròn 20 năm kể từ khi Tôn K’Long được thành lập vào năm 2000, theo dự án giãn dân của UBND tỉnh Lâm Đồng. Đó là khoảng thời gian đủ để thay đổi cuộc đời một con người. Và với 180 hộ dân ở đây cũng vậy. 170 hộ người Mạ, 10 hộ người Kinh, Tày, Mường cùng chung sống, vun đắp, xây dựng diện mạo mới cho vùng đất mới này.
 
Đúng như lời khẳng định của ông Chu Quang Tuấn - Chủ tịch UBND xã Đạ Pal: Chưa hết hẳn những lam lũ trong cuộc sống thường nhật, nhưng yên bình ở Tôn K’Long như một cái kết đẹp cho sự đồng hành của người dân và chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tiếng nói từ phía bao nóc nhà cơ cực đã được lắng nghe. Và Nhà nước mở lối khi từng bước đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, điện - đường - trường - trạm để bà con Tôn K’Long yên tâm, an cư lạc nghiệp.
 
Năm 2011, nhận thấy nhu cầu học tập của học sinh ngày càng cao, ngành giáo dục huyện Đạ Tẻh quyết định thành lập phân hiệu Tôn K'Long thuộc trường TH&THCS Xuân Thành. 10 năm thành lập điểm trường thì thầy giáo Nguyễn Văn Trạng đã có phân nửa thời gian công tác nơi đây. Thầy vẫn nhớ như in những gian nan, vất vả của mình và những người giáo viên trẻ những ngày đầu vượt quãng đường xa xôi lên đứng lớp. 
 
Nhìn đám trẻ con vui đùa ngoài sân, thầy chẳng giấu nổi vui mừng, bởi “Để được như bây giờ là cả một sự cố gắng của cán bộ, giáo viên và cả chính quyền địa phương. Dường như thấu hiểu được điều này nên phụ huynh cũng đã quan tâm hơn đến việc học hành của con cái. Với xuất phát điểm còn nhiều thiệt thòi, dẫu chưa thể sánh bằng các nơi khác nhưng phải khẳng định rằng, khoảng cách và chất lượng giáo dục của học sinh Tôn K’Long đã được nâng lên rõ rệt, bắt kịp tiến độ so với ở điểm trường chính” - thầy giáo Trạng chia sẻ.
 
Năm 2020, Phân trạm Y tế và Trường Mầm non Tôn K’Long được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đã góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng để phục vụ đời sống cho bà con nơi này. Tháng 11/2020, ngày khai giảng của cô trò Trường Mầm non Tôn K’Long dù diễn ra muộn hơn so với các trường khác, những vẫn là một ngày vui với bà con trong thôn, với niềm hào hứng, háo hức không giấu được của mỗi người bố, người mẹ nơi đây.
 
Chị Nguyễn Thị Chi - Nữ trưởng thôn của Tôn K’Long sinh năm 1985, nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, tháo vát. Sóng điện thoại không phải lúc nào cũng có, những khi gọi họp thôn, một người một xe, chị cứ thế vượt qua những con đường đất, từng quả đồi để gọi từng người đi họp. Không có hệ thống loa đài, chị phải tới từng nhà để tuyên truyền, vận động. Và phải đi buổi tối vì lúc đó mới có bà con ở nhà. “Cực mà vui, vì bà con bận rộn, tức là đã biết chủ động làm kinh tế”, chị Chi chia sẻ.
 
Cuộc sống đã bắt đầu có những đổi thay. Thế nhưng, điều khiến không chỉ bà con thôn K’Long lo lắng mà ngay cả chính quyền xã Đạ Pal vẫn còn trăn trở, là thiếu nước sinh hoạt cũng như nước phục vụ sản xuất, đặc biệt là vào mùa khô. Kèm với đó là niềm mong mỏi các cơ quan chức năng của tỉnh sớm có biện pháp giải quyết, giúp bà con tháo gỡ vấn đề nan giải này.
 
Dưới ánh nắng vàng như mật ban trưa, bà con Tôn K’Long vừa tranh thủ phơi cà phê, vừa xởi lởi trò chuyện với những người khách lạ. Khi được hỏi về chuyện thoát nghèo và cả những ngóng đợi đang còn dang dở, câu trả lời là cái tên người này, người kia, rất thật,... Bà con kiếm ra tiền từ đôi bàn tay, từ sức lao động của mình. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã bớt đi. Thay vào đó là niềm tin về những đổi thay đã hiện hữu trong nếp nghĩ đồng bào. Tết này, bà con Tôn K’Long đi mua sắm đã dễ dàng, thuận tiện hơn. Không khí tết từ trung tâm huyện đã lên đến thôn nhỏ, tràn vào từng ngôi nhà. Nhưng mùa xuân thì đã đến nơi đây từ trước đó, rất lâu...
 
VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM