Về nghe suối kể

08:02, 15/02/2021

Nằm giữa các dãy đồi thấp ở vùng trung tâm và các đỉnh núi cao xung quanh Đà Lạt là dòng chảy của các suối thượng nguồn sông Đa Nhim, Đạ Đờng, Cam Ly...

Nằm giữa các dãy đồi thấp ở vùng trung tâm và các đỉnh núi cao xung quanh Đà Lạt là dòng chảy của các suối thượng nguồn sông Đa Nhim, Đạ Đờng, Cam Ly. Suối đã đồng hành với thành phố hoa qua bao năm tháng, gắn bó với những cột mốc đổi thay. Nhưng cùng với dòng chảy thời gian, những con suối đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm và mất đi cảnh quan tự nhiên vốn có. Nỗ lực giữ gìn “màu xanh” cho suối đang là mối quan tâm của cả chính quyền địa phương và người dân Đà Lạt. 
 
Những con suối xanh không chỉ đổ về hồ, về sông, mà còn
Những con suối xanh không chỉ đổ về hồ, về sông, mà còn "đổ" vào tâm hồn của mỗi người Đà Lạt và yêu Đà Lạt. Ảnh: Văn Báu
 
Suối nguồn một thuở
 
Theo Địa chí Đà Lạt, trên địa bàn thành phố Đà Lạt có trên 20 dòng suối có chiều dài hơn 4 km, toàn bộ đều là suối đầu nguồn thuộc lưu vực sông Đồng Nai. Trong đó, có 14 suối bắt nguồn từ độ cao trên 1.500 m. Các con suối được chia thành 3 hệ thống suối lớn, gồm: hệ thống suối phía Bắc, hệ thống suối Cam Ly và hệ thống suối Đa Tam.
 
Theo nhà Đà Lạt học Nguyễn Hữu Tranh, suối đóng vai trò quan trọng đối với cư dân Đà Lạt từ trước đến nay. Địa danh Đà Lạt được bắt nguồn từ chữ Đạ Lạch - tên gọi của con suối Cam Ly. Theo ngôn ngữ của người Thượng, Đạ có nghĩa là nước - đúng hơn là chất lỏng. Tên gọi Đà Lạt có nghĩa là nước của người Lát, hay suối của người Lát. “Từ thời xưa, người Lạch sống dọc theo các con suối và trồng lúa nước. Hiện tại, đứng về phương diện nông nghiệp, suối cung cấp nguồn nước tưới; về phương diện du lịch, các hồ nổi tiếng cũng được ngăn từ các con suối” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh cho hay.
 
Cụ thể, hệ thống suối phía Bắc thành phố Đà Lạt gồm 2 nhánh: suối Phước Thành và suối Đa Thiện, đổ vào hồ Đan Kia. Nếu như suối Phước Thành là nguồn nước tưới cho vùng rau, hoa phía Bắc thành phố (Tùng Lâm, Đa Phú, Phước Thành, Thánh Mẫu), thì năm 1973, trên thượng nguồn của suối Đa Thiện, một đập tràn được xây dựng để lấy nước tưới cho vùng rau Đa Thiện. Hồ Đa Thiện nằm giữa những đồi thông xanh đã trở thành Khu Du lịch Thung lũng Tình Yêu.
 
Hệ thống suối Đa Tam phân bố ở khu vực phía Nam thành phố Đà Lạt, gồm 3 nhánh suối lớn, là Datanla, Prenn, Đa R’Cao. Suối Datanla có nhiều nhánh, nhánh dài nhất bắt nguồn gần ngọn núi Pin Hatt thường gọi là suối Tía. Năm 1984, suối Tía được chặn lại tạo thành hồ Tuyền Lâm để lấy nước tưới cho cánh đồng huyện Đức Trọng. Đây là một hồ lớn với nhiều nhánh nhỏ, sơn thủy hữu tình. Bên cạnh đó, thác Datanla và thác Prenn thuộc hệ thống suối này cũng đã trở thành cảnh quan du lịch nổi tiếng với nét đẹp hoang dã, hùng vỹ. 
 
Là hệ thống suối lớn nhất thành phố Đà Lạt, suối Cam Ly dài 64,1 km có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cho khu vực trung tâm thành phố. Năm 1921, khi xây dựng đồ án quy hoạch cho Đà Lạt, kiến trúc sư Ernest Hébrard đã sử dụng dòng suối Cam Ly như trục cảnh quan trung tâm, kết hợp cùng hệ thống các hồ nước nhân tạo để tổ chức bố cục chính của thành phố.
 
Lưu luyến dòng suối thơ
 
Nằm giữa lòng thành phố Đà Lạt, thác Cam Ly thuộc hệ thống suối Cam Ly từng là địa điểm du lịch nổi tiếng mà bất cứ du khách nào khi đến thành phố hoa đều tìm đến tham quan, từng đi vào bao tác phẩm thi ca nổi tiếng. Được xem là một trong những biểu tượng của Đà Lạt, thác Cam Ly êm đềm, dịu dàng được ví như nàng sơn nữ xinh đẹp.
 
Thế nhưng, sự ô nhiễm trong những năm gần đây đã khiến dòng thác mất đi vẻ đẹp vốn có. Khách du lịch không còn mặn mà, ngay cả người dân địa phương cũng “quay lưng”, tiếc nuối cho thắng cảnh mang tên “Cẩm Lệ”- tức một con suối đẹp, với phong cảnh thiên nhiên hài hòa, có nước, có đá, có hoa cỏ, cây cối. 
 
Tại Hội thảo khoa học “Giải pháp tổng thể quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy vào thác Cam Ly” diễn ra vào tháng 9/2019, Thạc sỹ Tài nguyên nước Lương Văn Ngự nhấn mạnh: Việc gia tăng dân số, mật độ dân cư trong quá trình đô thị hóa; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong thành phố; cùng với các hiện tượng thiên tai cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng xấu, làm cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên nước biến đổi liên tục ngày càng xấu theo cả không gian, thời gian; cả về chất và lượng.
 
Đây cũng là tình hình chung mà các con suối trên địa bàn thành phố Đà Lạt đang gặp phải, với 46 đoạn suối thuộc đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là ý thức của con người. Tháng 7/2019, sự việc một quán ăn ở Đà Lạt vứt hàng chục bao rác xuống suối Cam Ly khiến nhiều người phẫn nộ. Mặc dù ngay sau đó, UBND thành phố Đà Lạt đã xử phạt 6 triệu đồng đối với chủ quán, nhưng sự việc này lại một lần nữa cảnh báo về tình trạng người dân xả rác bừa bãi, gây ô nhiễm dòng suối vốn đã tồn tại hàng chục năm nay. 
 
Sự trong lành dần mất đi, thay vào đó là những dòng suối mang đầy chất thải rắn, nước thải từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất. Nước suối bị ô nhiễm đã gây tổn hại không ít đến các giá trị về cảnh quan tự nhiên, môi trường và du lịch cho thành phố Đà Lạt. 
 
Bởi suối không chỉ đổ về sông, suối còn “đổ” vào tâm hồn của mỗi người và nhắc nhớ về trách nhiệm đối với thiên nhiên mà con người đang nương náu.
 
Hồ Tuyền Lâm được hình thành từ một nhánh của suối Datanla. Ảnh: Văn Báu
Hồ Tuyền Lâm được hình thành từ một nhánh của suối Datanla. Ảnh: Văn Báu
 
Xanh lại những dòng suối trong
 
Vào ngày Chủ nhật xanh diễn ra vào Tháng Thanh niên năm 2019 tại đoạn suối Phan Đình Phùng, xen lẫn giữa hình ảnh quen thuộc của màu áo xanh của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thành phố Đà Lạt, là những bóng áo cam của 100 bạn trẻ trong nhóm “Ờ! Phượt” đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.
 
Trong thời gian một buổi sáng, họ đã cùng dọn dẹp rác thải lòng suối và ven suối Cam Ly, trồng thêm 300 cây mai anh đào dọc theo con suối.
 
Có mặt ở đó, mới thấy sức trẻ và nhiệt huyết căng tràn. Nhiều người dân xung quanh suối cũng xắn tay áo chung tay góp sức. Anh Nguyễn Tuấn Anh - một trong những người sáng lập ra cộng đồng “Ờ! Phượt” chia sẻ: “Không dám nghĩ tới việc những con suối sẽ sạch đẹp chỉ trong một hay vài buổi, chúng tôi chỉ mong muốn thông qua hành động của mình có thể lan truyền những thông điệp tốt đẹp về bảo vệ môi trường, và ý thức giữ gìn vệ sinh khi đi du lịch của mọi người”.
 
Đó cũng là suy nghĩ, mong muốn chung của những người con Đà Lạt và người yêu Đà Lạt. Thế nên, những năm gần đây, không ít những đợt ra quân dọn vệ sinh cho lòng suối đã được các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên phát động. Không phải là chuyện một sớm một chiều, nhưng có thể thấy, ý thức của người dân và khách du lịch đã dần có sự chuyển biến đáng kể. 
 
Cùng với những biện pháp tích cực nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm là sự phối hợp liên ngành để trả lại sự trong lành vốn có cho các dòng suối tự nhiên. Điển hình như phong trào “Phường, xã - Khu dân cư - Đoạn suối không rác” với các hoạt động thiết thực, phù hợp như ra quân dọn dẹp vệ sinh, làm sạch đẹp dọc theo hai bên bờ và lòng suối; tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân; thu gom, bố trí thùng rác hợp lý;.., Một số phường cũng đã lắp đặt camera an ninh, kết hợp kiểm tra, phát hiện các trường hợp đổ rác xuống lòng suối để kịp thời xử lý.
 
Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng, mở rộng mạng lưới thu gom, nâng công suất hệ thống xử lý nước thải tập trung của thành phố đã nâng tỷ lệ thu gom lên đáng kể, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước cho các con suối.
 
Trân trọng nơi mình đang sống, người dân Đà Lạt vẫn đang chung tay, đồng lòng để giấc mơ về câu chuyện xanh hóa cho các con suối dần trở thành hiện thực. Yêu quý một Đà Lạt xanh, những con người đến từ nhiều nơi đã không ngại ngần mang ủng, mang găng tay, sẵn sàng vớt từng bụi cây, nhặt từng cọng rác,... 
 
Mùa xuân này, những cây mai anh đào trồng dọc suối Cam Ly đã bắt đầu ra hoa mùa đầu tiên. Cũng giống như niềm tin rằng từ những nỗ lực bảo vệ môi trường chung, nhiều năm sau nữa, những con suối chứa trong đó cả câu chuyện về văn hóa, lịch sử sẽ vẫn trong lành, hiền hòa chảy giữa lòng thành phố hoa.
 
VIỆT QUỲNH