Cần chung tay kéo giảm tai nạn giao thông

05:04, 20/04/2021

Trước tình hình tai nạn giao thông 3 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng...

Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) 3 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp, các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng lại có chiều hướng gia tăng; mới đây UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tăng cường các biện pháp đồng bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), đặc biệt là ATGT đường bộ với mục tiêu kéo giảm số vụ, số người chết và số người bị thương vì TNGT. 
 
Tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn
Tuyến cao tốc Liên Khương - Prenn
 
Tai nạn giao thông tăng
 
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/3/2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 37 vụ TNGT, làm chết 26 người, bị thương 20 người. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ TNGT tăng 14 vụ (tăng 60,87%), số người chết tăng 11 người (tăng 73,33%), số người bị thương tăng 4 người (tăng 25%).
 
Riêng đoạn đèo Bảo Lộc dài 10 km tuy đã được nâng cấp, khôi phục, mở rộng mặt đường nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra 8 vụ TNGT trên đường đèo Bảo Lộc, làm chết 3 người, bị thương 3 người, hư hỏng 21 ô tô, 1 mô tô. Bên cạnh nguyên nhân do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện thì yếu tố kỹ thuật của tuyến đường cũng là một trong những nguyên nhân gây mất ATGT. 
 
Có rất nhiều nguyên dân dẫn đến việc TNGT tăng đột biến, trong đó có rất nhiều nguyên nhân căn cơ cũng đã được Ban ATGT tỉnh cũng như các địa phương chỉ ra. Tuy nhiên, hầu hết các lý do gây ra TNGT đều là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông ở một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự tốt. Việc xử lý các điểm tiềm ẩn về TNGT, các điểm đen ở một số tuyến đường chưa kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền Luật Giao thông và việc nâng cao văn hóa khi tham gia giao thông cho người dân cũng chưa thật sự hiệu quả...
 
Cần sự chung tay, quyết liệt của toàn xã hội
 
Tất cả chúng ta đều biết rằng, việc đảm bảo ATGT gắn liền với việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT của các cơ quan chức năng như quản lý tốt hoạt động kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; tổ chức tốt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe... Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố trên, để kéo giảm TNGT thì việc tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông và văn hóa khi tham gia giao thông của người dân cũng vô cùng quan trọng. Do đó, cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, cách ứng xử và văn hóa tham gia giao thông.
 
Có thể thấy rằng, việc thực hiện nếp sống “Văn hóa giao thông” gần đây được đề cập rất nhiều và từ lâu đã được nhiều người quan tâm, cũng đã được các cấp ngành, đoàn thể chính trị lồng ghép vào các đợt tuyên truyền, các hội thi về ATGT. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa văn hóa giao thông nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT do ý thức của con người trong điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, cần ý thức cao của tất cả mọi người. Làm sao để ý thức của mọi người được nâng lên? Làm được điều này, trước hết cần sự gương mẫu của đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức trong việc tuân thủ Luật Giao thông và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức hơn ai hết phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác ATGT, trở thành những người không chỉ chấp hành Luật Giao thông mà còn là những tuyên truyền viên tích cực trong lĩnh vực này, nhằm nhân rộng, tạo được làn sóng đẹp về văn hóa giao thông đến mọi tầng lớp nhân dân. 
 
Song song đó, cần quan tâm đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT. Bởi, hoạt động này thời gian gần đây tuy đã được quan tâm nhưng ở một số cấp, ngành vẫn còn mang tính hình thức. Việc đổi mới tuyên truyền chủ yếu mới chỉ thực hiện ở các buổi ngoại khóa về pháp luật trong các trường học. Việc tuyên truyền về giao thông cũng chưa đa dạng, và chưa thật sự sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Một số tuyến đường ở vùng có dân trí còn thấp nhưng thực hiện tuyên truyền qua pa nô, áp phích, tờ rơi có nội dung còn sơ sài, hình thức đơn điệu, chưa có nhiều sáng kiến mới, thiếu sinh động, thiếu hấp dẫn dẫn đến hiệu quả kém. 
 
Các mô hình, tổ tự quản về ATGT tuy được thành lập ở các địa phương nhưng thực chất các mô hình này hoạt động không hiệu quả và thiếu thường xuyên. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền còn hạn chế cả về nhân lực lẫn kinh phí. Công tác nắm bắt dư luận xã hội, cập nhật tình hình TNGT ở các địa phương tuy có thực hiện, nhưng các địa phương lại chưa có các biện pháp hay kế hoạch cụ thể gắn liền với các sự kiện, vấn đề để tổ chức các buổi tuyên truyền về ATGT nhằm kịp thời tuyên truyền và có định hướng để tháo gỡ, tăng tính phòng ngừa xã hội...
 
Trước tình hình số vụ TNGT, số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh đang gia tăng trong những tháng đầu năm, rất mong công tác đảm bảo ATGT sẽ không chỉ được các cơ quan chức năng của Nhà nước quan tâm mà sẽ nhận được sự “chung tay” tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân và đông đảo người dân trong việc tuân thủ Luật Giao thông, văn hóa giao thông... nhằm kéo giảm TNGT.
 
NGUYÊN THI