Duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn

06:04, 13/04/2021

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đặc biệt chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông đường bộ...

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải đặc biệt chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng hạ tầng giao thông đường bộ. Vì vậy, chất lượng các tuyến đường tăng lên đáng kể so với những năm trước đây, góp phần làm cho mặt đường tốt hơn, bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông.
 
Đèo Prenn gần đây đã được chỉnh trang và mở rộng một số đoạn cua hẹp
Đèo Prenn gần đây đã được chỉnh trang và mở rộng một số đoạn cua hẹp
 
Để giao thông trên các tuyến đường ngày một tốt hơn, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải đã thường xuyên cập nhật số liệu mạng lưới giao thông đường bộ, tình trạng cầu cống, đường sá, xử lý kịp thời các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ bị hư hỏng. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đường tỉnh thuộc trách nhiệm quản lý của Sở Giao thông vận tải và các đơn vị trực thuộc. 
 
Là một trong những đơn vị trúng thầu quản lý các tuyến tỉnh lộ trên địa phận tỉnh Lâm Đồng với tổng chiều dài tuyến là 388 km, gồm các tuyến đường như đèo Prenn, đường ĐT 722, ĐT 725, ĐT 724... những năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 886 Thành Nam đã làm khá tốt nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường này, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn, êm thuận.
 
Đại diện công ty cho biết, từ khi trúng thầu, thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên, lực lượng tuần tra của công ty thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời những phát sinh hư hỏng hoặc báo cáo cấp trên để xử lý những hạng mục phát sinh vượt quá thẩm quyền ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).
 
Công ty đã tập trung thực hiện các hạng mục có liên quan trực tiếp đến công tác ATGT như xử lý ổ gà, đùn lún phát sinh, xử lý thoát nước không để đọng nước mặt đường, lề đường, sơn cọc tiêu, biển báo, điều chỉnh bổ sung biển báo, vệ sinh mặt đường để bảo đảm giao thông êm thuận và bảo vệ kết cấu công trình giao thông.
 
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, hiện nay, tình trạng vi phạm hành lang giao thông trên các tuyến đường trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Tình trạng tái lấn chiếm lòng, lề đường, tình trạng họp chợ, buôn bán trên mặt đường vẫn chưa xử lý được dứt điểm; công tác quản lý đất đai tại một số địa phương cũng chưa tốt... đã dẫn đến vi phạm, lấn chiếm hành lang giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, theo đại diện Công ty Thành Nam, do điều kiện thời tiết ở Lâm Đồng mùa mưa kéo dài, lưu lượng xe ngày càng tăng, trong đó có lượng lớn xe tải nặng, xe quá tải đã ảnh hưởng đến kết cấu nền mặt đường, nên trên một số các tuyến đường do công ty duy tu, bảo dưỡng liên tục phát sinh hố lún, ổ gà... trong khi đó để đảm bảo ATGT, công tác xử lý hố lún, ổ gà đòi hỏi phải nhanh chóng kịp thời nhưng cứ vào mùa mưa thì rất khó khăn, vì công ty không thể xử lý vá hố lún, ổ gà bằng các vật liệu theo quy định như thảm và láng mặt đường bằng nhựa mà thường phải vá tạm bằng các vật liệu khác. Điều này cũng dẫn đến việc triển khai công tác bảo trì, bảo dưỡng của công ty chưa đạt được hiệu quả như mong muốn và gây tốn kém cho đơn vị. 
 
Phía đơn vị cũng cho biết, đối với công tác thoát nước mặt đường và các cửa xả thoát nước trên tuyến, ngay từ khi tiếp nhận các tuyến đường, đơn vị đã cho kiểm tra hệ thống thoát nước và bố trí nhân lực, thiết bị nạo vét, xử lý rất nhiều những tồn đọng do lịch sử để lại. Tuy nhiên, do ý thức của người dân ở một số nơi còn kém, chính quyền địa phương lại chưa tuyên truyền phổ biến rộng rãi về an toàn hành lang đường bộ cho dân nên vẫn còn nhiều hộ dân chỉ nghĩ tới lợi ích cá nhân, tự ý đặt ống cống thoát nước nhỏ hơn diện tích mương thoát nước, gây cản trở dòng chảy và đọng đất cát; một số vị trí cửa xả người dân còn dùng đất đắp lại và không cho đơn vị đào khai thông cửa xả, do vậy khi trời mưa lớn những đoạn này thường xuyên bị ngập nước, gây hư hỏng nền mặt đường...
 
Có thể nói rằng, công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ đang dần đáp ứng được yêu cầu thực tế, góp phần nâng chất lượng, gìn giữ kết cấu hạ tầng giao thông, tiết kiệm ngân sách, đảm bảo tất cả các phương tiện lưu thông an toàn, giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác duy tu, bảo dưỡng, nhất là trong mùa mua sắp tới, ngành Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của các đơn vị quản lý đường bộ; nâng cao vai trò, trách nhiệm của lực lượng thanh tra giao thông, cán bộ tuần kiểm, nhằm phát hiện sớm các vi phạm hành lang ATGT đường bộ để ngăn chặn, xử lý kịp thời...
 
NGUYỄN NGHĨA