Quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy vào thác Cam Ly

04:04, 19/04/2021

Tình trạng ô nhiễm nước chảy vào thác Cam Ly đã đến lúc rất cần đặc biệt quan tâm. Đâu là những nguyên nhân cơ bản và giải pháp tổng thể?

[links()]
 

Kỳ 2: Nguyên nhân ô nhiễm và giải pháp tổng thể

 
Tình trạng ô nhiễm nước chảy vào thác Cam Ly đã đến lúc rất cần đặc biệt quan tâm. Đâu là những nguyên nhân cơ bản và giải pháp tổng thể?
 
Dư lượng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp là một nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước
Dư lượng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp là một nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước
 
Cả nguyên nhân chủ quan và khách quan 
 
Trước hết, ý thức cộng đồng dân cư chưa cao, chưa hiểu được tầm quan trọng của tài nguyên đất và nước. Việc bảo vệ tài nguyên nước, tăng nguồn nước sinh thủy để bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, sử dụng tài nguyên nước trong cộng đồng còn thấp; sự quan tâm của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý tài nguyên nước chưa được chú trọng. Tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước của nhiều tổ chức, cá nhân (kể cả khách du lịch) chưa tốt. Tình trạng sử dụng tài nguyên nước lãng phí còn diễn ra phổ biến trong sinh hoạt và sản xuất. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các khu vực sông suối, ao hồ trên thượng nguồn thác Cam Ly vào mùa khô kiệt ngày càng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp và nước thải sinh hoạt trong vùng dân cư tập trung. Hoạt động kinh doanh dịch vụ - du lịch nghỉ dưỡng chưa có các giải pháp công nghệ hữu hiệu trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường nước và phục hồi môi trường. Và đó còn là hoạt động sản xuất nông nghiệp (dư lượng phân bón hóa học, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật rất cao; số lượng nhà lưới, nhà kính gia tăng). 
 
Nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao do gia tăng dân số và đô thị hóa với mức tập trung cao cũng là nguyên nhân góp phần thiếu sự cân bằng giữa các hệ sinh thái. Thực tế cho thấy, tình trạng ô nhiễm nguồn nước phần lớn tại khu vực nội thành, khu dân cư tập trung, công viên, khu vui chơi giải trí, các nhà hàng, cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ, thương mại... do chưa xây dựng đầy đủ hệ thống thoát nước bẩn; nước thải chỉ được xử lý sơ bộ qua hệ thống tự hoại hoặc bán tự hoại, có nơi còn xả thẳng nước thải qua suối, ao hồ dẫn đến ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước và môi trường cảnh quan đô thị. Trong lúc, ở địa phương chưa có giải pháp và thiếu công trình xử lý chất thải rắn; chất thải sinh hoạt công nghệ chủ yếu vẫn là chôn lấp...
 
Các giải pháp tổng thể
 
Cần nâng cao nhận thức từ ở các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và ở Nhân dân, thông qua công tác tuyên truyền, chuyển biến tích cực thực sự về ý thức trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường. Mặt khác, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội và các đoàn thể mà nòng cốt là tổ chức Mặt trận thành phố, các phường, xã và tổ dân phố. Thực hiện việc quản lý và kiểm soát quy hoạch. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực cần được rà soát phù hợp kế hoạch sử dụng đất, tránh các hoạt động có nguy cơ phát sinh thêm nguồn gây ô nhiễm. Quản lý chặt chẽ công tác quy hoạch đồng bộ ở nhiều lĩnh vực trong quá trình phát triển đô thị; quy hoạch sử dụng đất hợp lý để cân bằng đất, nước và giữ được nguồn nước sinh thủy trong lưu vực. Quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa; hạn chế việc xây dựng nhà lưới, nhà kính tùy tiện, tự phát. Đồng thời, đảm bảo về đầu tư theo kế hoạch hằng năm và về xây dựng các công trình xử lý môi trường trong nhà lưới, nhà kính. Về giải pháp hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính. Nghiêm khắc thực hiện các chế tài đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, các kho bãi... không thực hiện đầy đủ các hạng mục công trình, hệ thống xử lý môi trường trong các cam kết của Kế hoạch bảo vệ môi trường và Báo cáo đánh giá tác động môi trường.
 
Về giải pháp kỹ thuật và đầu tư, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các công trình kết cấu hạ tầng, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nội thị, hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung và xử lý môi trường. Các hầm tự hoại, công trình xử lý chất thải trong khu dân cư, khu chung cư, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú không được xả thải trực tiếp ra môi trường. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong việc xây dựng công trình bảo vệ môi trường.
 
Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương về đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đối với đô thị loại I. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường, sử dụng các công cụ kinh tế để kiện toàn và nâng cao năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Kiểm tra, kiểm toán hoạt động vận hành của nhà máy xử lý nước thải thành phố kể cả công suất và kinh phí hoạt động hằng năm vào mùa khô. Đẩy mạnh hiệu quả về giải pháp quản lý, kiểm soát nguồn thải và ứng dụng công cụ quản lý và quan trắc môi trường. Đặc biệt, chú trọng đến sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp. Cùng đó là hoàn thiện các công trình xử lý môi trường và có giám sát hiệu quả đối với các cơ sở du lịch, dịch vụ, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú... Mỗi cơ sở cần tự giác thường xuyên quan tâm đến công tác phòng ngừa, hạn chế và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm tại các cơ sở của mình. Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở kinh doanh - dịch vụ tiếp tục đầu tư các công cụ và hệ thống thiết bị hiện đại để quan trắc và giám sát môi trường. 
 
Và cuối cùng là vấn đề xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường bằng việc thể chế hóa các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Thực hiện các nguyên tắc “Ai xả người đó phải trả, ai hưởng thành quả người đó cũng phải trả, xả ra thế nào trả thế ấy”. Đó cũng là vấn đề chúng tôi sẽ bàn sâu hơn qua việc xây dựng và phát huy hiệu quả đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung ở kỳ sau.
 
PHAN MINH ĐẠO - LƯƠNG VĂN NGỰ