Vang mãi tiếng cồng chiêng

05:04, 20/04/2021

Được ví là linh hồn của đồng bào dân tộc bản địa, văn hóa cồng chiêng đang được nhiều học trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông lưu giữ, tiếp nối từng ngày. 

Được ví là linh hồn của đồng bào dân tộc bản địa, văn hóa cồng chiêng đang được nhiều học trò Trường Phổ thông (PT) Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông lưu giữ, tiếp nối từng ngày. 
 
Ở môi trường học đường, học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông vẫn còn đó lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc bản địa
Ở môi trường học đường, học sinh Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông vẫn còn đó lưu giữ nét văn hóa truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc bản địa
 
Đều đặn vào tối thứ Bảy hằng tuần, sân Trường PT Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông lại vang lên âm thanh tiếng cồng chiêng quen thuộc. Đối với những ai một lần nghe qua đều ấn tượng, xen lẫn thân quen về loại tiếng nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đại ngàn đất Nam Tây Nguyên hùng vỹ.
 
Tối thứ Bảy. Khác với những ngày thường, sân trường hôm nay bỗng rộn ràng tiếng hò reo, í ới của học sinh bán trú trong một đêm ngoại khóa sum vầy và yêu thương. Trong đó, điểm nhấn của buổi học tập ngoại khóa là việc các học sinh miệt mài tập luyện đánh cồng chiêng và kết hợp múa xoang, điệu múa đặc trưng của đồng bào K’Ho.
 
Khởi nguồn của tiếng cồng chiêng vang lên trong trường học bắt đầu từ cuối năm 2018. Khi đó, nhiều thầy cô đã nhận thấy không gian cồng chiêng đang dần bị mai một, đặc biệt là đối với các em học sinh nên đã thể hiện quyết tâm trong công tác giữ gìn, bảo tồn. 
 
Ban đầu, mọi việc tưởng chừng khó khăn nhưng khi niềm đam mê được vun đắp, tạo cảm hứng, các em càng ngày thêm yêu thích. Thầy Nguyễn Đức Anh - Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc nội trú THCS Đam Rông chia sẻ: Với đặc thù là học sinh DTTS chiếm 100%, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, bổ trợ kiến thức học tập cho học sinh, công tác gìn giữ, tạo môi trường tốt nhất để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, nhất là văn hóa cồng chiêng được nhà trường đặc biệt quan tâm. “Bên cạnh để học sinh tự nguyện đăng kí theo học, nhà trường cũng đưa vào các em học sinh biết đánh cồng chiêng, múa xoang để thành lập đội cho trường. Tới năm học 2018 - 2019, chúng tôi đã chính thức xây dựng kế hoạch, đưa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người dân bản địa vào tiết học ngoại khóa” - thầy Đức Anh cho biết thêm.
 
Hiện đội cồng chiêng và múa xoang có 72 học sinh nam nữ tham gia đến từ các khối 7; 8 và 9. Qua vòng tuyển chọn, các em được tập luyện và tham gia biểu diễn vào các dịp như khai giảng năm học mới, các ngày lễ lớn trong năm, lễ hội của trường, Đoàn Thanh niên, tổng kết năm học... Trong đó, nam học sinh sẽ đảm nhận phần đánh cồng chiêng, học sinh nữ sẽ tập múa xoang.
 
Vốn được làm quen và tiếp xúc từ lúc còn nhỏ thông qua gia đình, người thân hoặc già làng trong thôn, không khó để nhận ra các em đã có tiến bộ từng ngày. Em Liêng Hót The Rệt, thành viên đội chiêng lớp 8C nói ngày còn bé, để được nâng niu, cầm chiếc chiêng trên tay, nhiều lần em đã trốn bố mẹ đi theo các anh trong thôn đến nhà già làng để tập tành. Rồi khi cắp sách đến trường, được nghe thầy cô giới thiệu về đội cồng chiêng, em đăng kí vào đội mà chẳng chút đắn đo, do dự. “Bắt đầu học, tụi em dần quen với tiếng chiêng ngân vang vào mỗi đêm cuối tuần và cũng dần hiểu được rằng, đây là nơi để những đứa học trò như tụi em cùng nhau bảo vệ giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình” - The Rệt nói.
 
Còn Phi Srônh Ha Tý, Đội trưởng Đội cồng chiêng lớp 9C vui vẻ chia sẻ quãng thời gian hơn một năm em theo học: “Chúng em thường xuyên luyện tập để đội nam đánh cồng chiêng ăn khớp với đội múa của các bạn nữ. Từ những buổi sinh hoạt như thế này giúp gắn kết các bạn trong lớp, trong trường với nhau. Tham gia hoạt động trong đội, em thấy rất thú vị và bổ ích; qua đó, giúp em hiểu thêm về văn hóa dân tộc mình và thấy được trách nhiệm của thế hệ trẻ cần phải gìn giữ”. 
 
Nhằm duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng, và để học sinh trong trường tiếp cận thường xuyên hơn, nhà trường đã mời nghệ nhân ở tại địa phương truyền dạy kỹ năng, cách đánh sao cho đúng nghi thức nhất. Theo đánh giá của thầy Nguyễn Thanh Lâm - Giáo viên phụ trách đội cồng chiêng cho hay: Thời điểm được mời về dạy, nghệ nhân trong làng rất vui mừng khi biết nhiều học sinh quan tâm theo học, giữ gìn nét văn hóa truyền thống nên chỉ dạy một cách tận tình, tâm huyết.
 
Cùng kết hợp mời nghệ nhân cồng chiêng, trường cũng thường xuyên tuyên truyền cho học sinh về truyền thống của các lễ hội dân gian, lồng ghép trong các buổi chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp, sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoài giờ, tích hợp trong các môn học có liên quan... “Mong rằng trong tương lai, đây sẽ là một trong những điều cần thiết cho các em. Ngoài việc bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình, học sinh sẽ biết áp dụng, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại địa phương gắn liền với phát triển du lịch trong tương lai” - thầy Đức Anh kỳ vọng.
 
Rời ngôi trường vùng sâu, vùng xa nhưng đâu đó âm thanh từ tiếng cồng, tiếng chiêng của những cậu học trò đang miệt mài tập luyện, chúng tôi có một niềm tin rằng thế hệ trẻ nơi đây sẽ gìn giữ được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. 
 
THÂN THU HIỀN