Cuộc truy tìm COVID-19 trong thầm lặng (bài 2)

05:06, 08/06/2021

329 trường hợp âm tính lần 1, 122 trường hợp âm tính lần 2 và rồi 129 mẫu xét nghiệm âm tính lần 3... là những kết quả xét nghiệm SARS-C0V-2 liên tục được cập nhật...

[links()]
 
Bài 2: Vỡ òa màu xanh SARS-CoV-2
 
329 trường hợp âm tính lần 1, 122 trường hợp âm tính lần 2 và rồi 129 mẫu xét nghiệm âm tính lần 3... là những kết quả xét nghiệm SARS-C0V-2 liên tục được cập nhật. Đằng sau những con số ấy lại là những cuộc đua, nỗ lực thầm lặng của đội ngũ xét nghiệm. Vượt lên trên những khó khăn, với họ tất cả vì trách nhiệm nghề nghiệp và trước cộng đồng.
 
Lặng lẽ nơi phòng xét nghiệm
Lặng lẽ nơi phòng xét nghiệm
 
Trắng đêm nơi phòng xét nghiệm
 
3 giờ sáng, Đà Lạt yên ắng, chốc chốc lại có tiếng côn trùng kêu, đằng sau khoảng không gian tĩnh lặng ấy là guồng quay làm việc không nghỉ của các nhân viên y tế Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng (CDC Lâm Đồng). Trong khoảng không đêm tối, ánh sáng tại các phòng làm việc vẫn sáng trong các dãy nhà của CDC Lâm Đồng. Tại phòng lab (phòng thí nghiệm), ba kỹ thuật viên lặng lẽ, miệt mài xét nghiệm các mẫu COVID-19. Tách biệt với mọi thứ bên ngoài, họ cuốn theo công việc, tập trung cao độ, để đưa ra được những kết quả xét nghiệm sớm và đòi hỏi tính chính xác nhất, phục vụ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh. 
 
Bên ngoài phòng xét nghiệm, trưởng kíp trực và một nhân viên y tế phụ trách tiếp nhận thông tin, nhận lệnh từ Ban Giám đốc; kết hợp với đội dịch tễ thống nhất tiếp nhận và phân loại mẫu; cập nhật thông tin cá nhân các trường hợp xét nghiệm. Ca trực trắng đêm, mọi người đều tập trung vào công việc, không để xảy ra bất cứ sai sót nào. 
 
Đã nhiều ngày, xét nghiệm viên  Trịnh Thị Lan Anh chưa về nhà. Công việc trực xuyên suốt từ 7 giờ sáng hôm nay đến 7 giờ sáng hôm sau; sau ngày trực, chị lại tiếp tục làm công việc chuyên môn vi sinh đến 6 - 7 giờ tối. Để tiết kiệm thời gian, chị chọn ngủ lại cơ quan, vừa có thêm thời gian nghỉ, vừa thuận tiện hỗ trợ đồng nghiệp khi cần. Nếu không có mẫu phát sinh giữa đêm thì ngày đó mọi người “được về sớm” nhưng khi ấy cũng phải 11, 12 giờ đêm. Ngủ ít nên mất sức nhiều, nhưng có hôm 3 giờ sáng có mẫu từ huyện gửi lên, nhân viên CDC Lâm Đồng cũng ở lại để nhận mẫu. “Mình may mắn vì chưa có gia đình nên thoải mái hơn, có thể ở lại, nhiều anh chị có gia đình còn vất vả hơn nhiều”, chị Lan Anh tâm sự. 
 
Đang đợi máy chạy kết quả cho mẻ xét nghiệm, chị Phạm Thị Hoa, phụ trách Lab sinh học phân tử, tranh thủ ra ngoài uống ít nước, tạm nghỉ ngơi. Từ khi xuất hiện bệnh nhân 3141 và 6437, hơn 1 tháng nay chị Hoa và mọi người ở Khoa Xét nghiệm luôn bận rộn. Vào ngày trực, anh chị gần như làm việc suốt 24 tiếng. Mắt đỏ vì thức trắng nhiều đêm, chị Hoa gượng cười: “Cũng lâu lắm rồi, từ khi dịch đến nay không có chuyện ra trực sớm, ngoài trực xét nghiệm phòng, chống dịch thì còn phải làm công việc chuyên môn. Rồi còn phải thông tin, trao đổi với các đội ở huyện thường xuyên nên ít có thời gian để nghỉ ngơi”.
 
Vừa ăn tạm ít trái cây lấy sức, chị Hoa chia sẻ công việc của mọi người ở Khoa: Một kíp trực, chúng tôi phân công 2 người đi lấy mẫu tại các khu cách ly, một số mẫu được huyện lấy trực tiếp rồi gửi lên. Nhóm còn lại thực hiện tách chiết mẫu, rồi đưa vào máy chạy kiểm tra. Khi có kết quả sẽ gửi qua trưởng kíp thông tin ngay lập tức. 
 
Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm ở khu cách ly
Nhân viên lấy mẫu xét nghiệm ở khu cách ly
 
Chị Hoa kể tiếp: Những lúc mẫu nhiều thì phải xử lý suốt một quy trình, không gián đoạn; do đó, suốt 6 - 7 tiếng làm mẫu, nhiều lúc có đói, khát nước, thậm chí buồn đi vệ sinh, chúng tôi cũng cố gắng làm xong việc mới ra ngoài. Trong thời gian máy chạy kết quả, mọi người tranh thủ ra ngoài thay phiên nghỉ ngơi, chợp mắt chừng 30 phút rồi lại vào làm tiếp. Nếu mẫu không gấp thường đợi đủ một mẻ, tối đa 90 mẫu, xét nghiệm viên sẽ tách chiết, xét nghiệm mẫu. Với trường hợp đặc biệt gấp thì chỉ cần một mẫu cũng phải chạy máy để kiểm tra. 
 
Vào phòng lab từ lúc trời chiều, xong việc bước ra ngoài đã là tràn đầy ánh sáng của ngày mới. “Làm việc tập trung quá quên luôn ngày giờ, chị em cũng hay hỏi đùa với nhau hôm nay ngày bao nhiêu, rồi lại cười, làm việc mệt nhưng cũng có những khoảnh khắc vui như thế”, chị Hoa cho hay.
 
Kể về câu chuyện đi lấy mẫu, chàng trai trẻ Chế Nguyên Khoa - kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm nói: “Đi lấy mẫu cũng khá vất vả, vì số lượng người đông, một số người cũng không hợp tác, hơn nữa phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, mồ hôi ướt đẫm nên có khi bản thân cũng thấy kiệt sức”. 
 
 
Chỉ khi lắng nghe họ tâm sự, tận mắt nhìn cường độ làm việc của cán bộ, y, bác sỹ và nhân viên nơi đây mới có thể cảm nhận được những vất vả của đội ngũ CDC Lâm Đồng. Làm việc căng thẳng, rủi ro lây nhiễm cao, ngủ không đủ giấc, ăn không đúng giờ, không có những phút giây nghỉ ngơi bên gia đình… và còn nhiều cái không nữa đối với họ. Nhưng mặc nhiên không một lời than vãn, mỗi người trong CDC Lâm Đồng đều nhận thức được trách nhiệm của mình, mọi người đều cố gắng, thầm lặng chiến đấu trong cuộc chiến COVID-19 này.
 
Vừa ăn sáng lúc 10 giờ trưa, vừa phải làm việc
Vừa ăn sáng lúc 10 giờ trưa, vừa phải làm việc
 
Trăm ngàn người dõi theo kết quả
 
Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, CDC Lâm Đồng được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, khoa cũng đã tham gia chương trình thử nghiệm do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức, kết quả đạt khớp 100% với kết quả của WHO đưa ra. Vì vậy, Lâm Đồng được công nhận đủ tiêu chuẩn để xét nghiệm COVID-19.
 
Thạc sĩ Phạm Thị Thanh Thương - Phụ trách Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, CDC Lâm Đồng cho biết: Ngày làm việc căng nhất, chúng tôi phải thực hiện hơn 600 mẫu, mọi thứ đều được phát huy hết mức có thể. Chúng tôi nhận định rất rõ, kết quả xét nghiệm mẫu có sức ảnh hưởng rất lớn. Bởi, kết quả âm tính hay dương tính hoặc không chuẩn xác sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng. 
 
Do vậy, quy trình lấy mẫu, xét nghiệm đều phải tập trung, cẩn thận tuyệt đối, không được phép sai sót; không được phân tâm tránh lây nhiễm chéo; khi kết quả cho không chuẩn, khoa thực hiện kiểm tra mẫu lại lần nữa. “Công việc này đòi hỏi sự tập trung, độ chính xác cao, từ khâu lấy bệnh phẩm, tách chiết mẫu, chạy máy, phân loại, thống kê số liệu, thông tin cá nhân… đều phải chuẩn xác”, chị Thương nói. 
 
Vì kết quả xét nghiệm mẫu COVID-19 rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội của cả tỉnh, nên đội ngũ nhân viên y tế Khoa Xét nghiệm cũng chịu không ít áp lực. Nhưng có lẽ người chịu áp lực nhiều nhất là bác sĩ Thương - người chịu trách nhiệm nhận lệnh và cung cấp thông tin, kết quả xét nghiệm cho cấp trên. 
 
Bác sĩ Thương chia sẻ: Thực tế, để làm mẫu có kết quả chính xác phải tuân theo quy trình, cần thời gian nhất định. Một quy trình xét nghiệm, từ khi tiếp nhận mẫu, thực hiện xét nghiệm và để ra kết quả chính xác phải mất 4 đến 6 tiếng. “Tuy nhiên, vì kết quả quan trọng, nhất là đối với các mẫu F1, F2 liên quan đến bệnh nhân 3141 và 6437 nên ai cũng sốt ruột, cứ cách vài phút là lại có điện thoại, tin nhắn hỏi kết quả xét nghiệm, bản thân tôi đôi lúc căng thẳng, phần vì mệt mỏi, phần áp lực thời gian”, chị Thương tâm sự. 
 
Để không bị áp lực ảnh hưởng đến tâm lý các xét nghiệm viên, Khoa đề ra quy định nghiêm ngặt: Luôn khách quan trung thực, không chịu áp lực với bất kỳ tác động nào bên ngoài, xét nghiệm phải đúng quy trình, đúng thời gian mới cho ra kết quả chính xác nhất.
 
Không chỉ riêng lãnh đạo và người dân căng thẳng chờ đợi kết quả xét nghiệm mà ngay những người làm công việc xét nghiệm cũng “căng như dây đàn”. Mỗi khi chạy máy cho ra kết quả, mọi người ở Khoa đều hồi hộp chờ đợi. Khi kết quả cho âm tính, là niềm vui vỡ òa không thể nào diễn tả được. 
 
Vui nhưng không chủ quan, thậm chí không cho phép mình có ít thời gian để nghỉ, đội ngũ y tế của CDC Lâm Đồng lại chuẩn bị những kịch bản và kế hoạch cho trường hợp dương tính xảy ra, tuyệt đối không lơ là, sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất. 
 
Kết thúc câu chuyện trắng đêm thức cùng đội ngũ y tế ở CDC Lâm Đồng cũng là lúc trời chực sáng với những tia nắng đầu tiên của ngày mới, sự lạc quan và ý chí không tắt của cán bộ và nhân viên y tế CDC Lâm Đồng với hy vọng “Lâm Đồng của chúng ta mãi mãi là màu xanh âm tính, không có màu đỏ của dương tính!” 
 
Bài 3: Khoảng lặng phía sau 
 
NHẬT QUỲNH