Để không xảy ra tai nạn bom, mìn

05:06, 16/06/2021

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tàn tích thì vẫn chưa hết và lực lượng vũ trang thành phố vẫn nỗ lực từng ngày để bảo đảm bình yên cho Nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những tàn tích thì vẫn chưa hết và lực lượng vũ trang thành phố vẫn nỗ lực từng ngày để bảo đảm bình yên cho Nhân dân.
 
Cán bộ Ban CHQS TP Đà Lạt xử lý an toàn quả bom 500 kg được phát hiện khi người dân đào móng nhà trên địa bàn năm 2016
Cán bộ Ban CHQS TP Đà Lạt xử lý an toàn quả bom 500 kg được phát hiện khi người dân đào móng nhà trên địa bàn năm 2016
 
Ngày 13/6, trong lúc đào móng làm nhà, gia đình ông Trịnh Quang Ứng (59 tuổi, trú đường Trần Quang Diệu, Phường 10, TP Đà Lạt) đã phát hiện 1 vật trụ hình tròn, dài khoảng 50 cm, đường kính 8 cm, bên ngoài dạng lưới tổ ong có ghi số hiệu và 1 vật dài 60 cm, đường kính 10 cm nghi là đạn. 
 
Gia đình ông Ứng đã ngay lập tức ngưng hoạt động thi công công trình và báo cáo tình hình lên Công an Phường 10. Nhận được báo cáo từ công an cơ sở, Công an TP Đà Lạt đã thông tin và gửi đề xuất lên Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) TP Đà Lạt kịp thời xử lý. Qua quá trình kiểm tra, xác minh, Ban CHQS TP Đà Lạt xác minh đây là loại đạn cối 100 mm và đã nhanh chóng xử lý an toàn.
 
Đây là một trong hàng chục vụ việc người dân khi đào móng nhà, san gạt đất phát hiện ra các loại đạn, pháo còn sót lại thời chiến tranh. Ban CHQS TP Đà Lạt cho biết hiện nay, trong lòng đất, dù là khu vực sản xuất hay các khu dân cư trên địa bàn thành phố vẫn có thể còn sót lại nhiều loại bom, mìn, vật nổ nằm ở các độ sâu khác nhau chưa được tìm và xử lý. Do thời gian đã lâu, cùng với sự phát triển đô thị hóa, dấu vết bom đạn trên thực địa bị san lấp. 
 
Nhưng những bom đạn này khi vô tình tác động vào, chúng vẫn có thể nổ, gây sát thương cho người, làm hư hỏng công trình. Bom, mìn, vật nổ nằm trong lòng đất không chỉ là mối hiểm nguy tiềm ẩn gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của người dân mà còn là rào cản đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, công tác khắc phục hậu quả do bom, mìn được xác định là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài nhằm bảo đảm an toàn về sinh mạng cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển.
 
Đại úy Nguyễn Văn Tuyên - nhân viên Quân khí, Ban CHQS TP Đà Lạt, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc xử lý bom, mìn còn lại sau chiến tranh trên địa bàn cũng như công tác quản lý vũ khí, trang bị kỹ thuật của đơn vị cho biết: “Sau chiến tranh, bom, mìn có khả năng còn bị vùi lấp ở bất kỳ đâu. Nên trong quá trình bà con đào móng sâu để làm nhà hay san ủi tại các khu vực đồi núi thường phát hiện thấy. Đó là lý do các hạng mục công trình trước khi thi công đều phải thực hiện quy trình rà phá bom mìn, theo quy định. Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, trung bình mỗi năm, đơn vị nhận tin báo và xử lý trên 1 tấn đạn. Riêng năm 2021, đã có hơn 200 kg đạn được phát hiện và xử lý”. 
 
Nhắc lại về những nguy cơ tiềm ẩn về bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh, Đại úy Nguyễn Văn Tuyên cho hay, năm 2014, khi Chợ mới Đà Lạt được xây dựng, Công ty Len Nguyễn trong quá trình tiến hành đào móng công trình đã phát hiện có hầm đạn, mìn số lượng lớn. Hầm đạn lại nằm ngay sát đường Phan Bội Châu, khu trung tâm thành phố, đông dân cư nên rất nguy hiểm. 
 
Thời điểm phát hiện đã chập choạng tối, song Ban CHQS TP Đà Lạt đã ngay lập tức triển khai phương án phối hợp với các đơn vị liên quan để xử lý khéo léo, thành công nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Nhân dân. Và năm 2016, trong quá trình làm móng nhà, một người dân ở Phường 6 cũng đã phát hiện quả bom lớn. Sau khi nhận được tin báo, Ban CHQS TP Đà Lạt cũng đã ngay lập tức có mặt, bằng các biện pháp nghiệp vụ đã xử lý an toàn quả bom có trọng lượng hơn 500 kg an toàn. 
 
Đại úy Cù Văn Nguyện - Trợ lý quân khí, người trực tiếp xử lý bom, mìn khi phát hiện nói thêm: Đối với những vụ việc phát hiện số lượng đạn lớn hoặc bom, đơn vị sẽ báo với cơ quan quân khí của Bộ CHQS tỉnh để có phương án xử lý chuyên sâu. Còn đối với những vụ việc phát hiện có lượng đạn ít, Ban CHQS thành phố sẽ tiến hành di dời về khu vực an toàn, đào hố sâu 2 - 2,5m, xếp đạn vào túi ni lông rồi đổ các dung dịch làm mục sắt và hủy khả năng nổ của đạn. 
 
Thượng tá Phan Ngọc Dũng - Chỉ huy trưởng Ban CHQS thành phố Đà Lạt khẳng định: “Hàng chục năm qua, rất nhiều tin báo của người dân là kênh thông tin quan trọng để Ban CHQS thành phố tiến hành xử lý kịp thời những vụ phát hiện bom, mìn còn lại sau chiến tranh. Sự nỗ lực của lực lượng vũ trang và sự phối hợp tích cực từ Nhân dân là điều kiện tiên quyết để không xảy ra tai nạn do bom mìn. Và, điều đáng vui mừng nhất là tất cả các vụ việc đều được xử lý an toàn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân”. 
 
Để không xảy ra những hậu quả thương tâm do tai nạn bom, mìn, hàng năm Ban CHQS TP Đà Lạt cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân bằng nhiều hình thức. Nhờ vậy đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ tiềm ẩn của bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Từ đó, khi phát hiện bom, mìn người dân đã kịp thời thông tin cho các ngành chức năng biết để xử lý.
 
N. NGÀ - C. THÀNH