Đơn Dương hướng tới phổ cập khóa học chống đuối nước cho học sinh

05:06, 11/06/2021

Có thể Đơn Dương không phải là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng hồ bơi trong trường học, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, địa phương này đã có 10/35 trường tiểu học, trung học cơ sở có hồ bơi...

Có thể Đơn Dương không phải là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh xây dựng hồ bơi trong trường học, nhưng với nỗ lực, quyết tâm cao, địa phương này đã có 10/35 trường tiểu học, trung học cơ sở có hồ bơi. Đây là tiền đề rất quan trọng, tạo cơ sở để ngành giáo dục huyện nhà trang bị kỹ năng chống đuối nước cho tất cả học sinh trong tương lai không xa.
 
Học sinh Trường Tiểu học Quảng Lập hào hứng với khóa học bơi lội tại hồ bơi trong khuôn viên nhà trường, trước thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát
Học sinh Trường Tiểu học Quảng Lập hào hứng với khóa học bơi lội tại hồ bơi trong khuôn viên nhà trường, trước thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát
 
Hè về, trẻ em, học sinh bậc tiểu học, THCS rất thích ra gần các sông, suối, kênh mương vui chơi, chạy nhảy dẫn tới nguy cơ đuối nước tiềm ẩn. Trên thực tế Lâm Đồng mỗi năm ghi nhận cả chục trẻ em, học sinh đuối nước tại ao, hồ, sông, suối,.. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt rà soát và thực hiện rào chắn, cắm biển cảnh báo tại ao, hồ, các "điểm đen", để ngăn ngừa tai nạn đuối nước xảy ra và Đơn Dương không phải là địa phương ngoại lệ. 
 
Địa phương này có con sông Đa Nhim chạy dài trên địa bàn một số xã, thị trấn, có nhiều hồ lớn, lại là huyện thuần nông, trong khi dân cư không tập trung, người dân đào ao tưới tiêu mà không có biện pháp rào chắn nên còn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích nước cho trẻ em. 
 
Từ năm 2017 tới năm 2019, địa phương có 10 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước thương tâm (chủ yếu tại các ao, hồ người dân không rào chắn cẩn thận) trên địa bàn huyện. Tới niên học 2019 - 2020, Đơn Dương bắt đầu triển khai mạnh mẽ việc xây hồ bơi trong nhà trường và từ đầu năm 2021 tới thời điểm này, chưa có trường hợp trẻ em đuối nước nào được ghi nhận.
 
Có được kết quả khả quan như vậy, một trong những giải pháp căn cơ theo ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đơn Dương là việc trang bị kỹ năng cho trẻ em biết bơi, để khi có tai nạn bất ngờ có thể được hạn chế ở mức thấp nhất. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2018, Đơn Dương mới có hồ bơi hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Trường THCS Lạc Lâm, trước đó địa bàn huyện chỉ có 1 hồ bơi xã hội hóa của người dân xây dựng.
 
Ngay khi đi vào hoạt động tháng 8/2020, hồ bơi với vốn đầu tư 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của UBND huyện Đơn Dương đã thu hút nhiều học sinh tham gia, các bậc phụ huynh thì ban đầu chần chừ nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã hưởng ứng rất tích cực. Tới thăm hồ bơi này vào chiều 8/6, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Lâm cho biết, chỉ riêng trong hè năm 2021 đã có 350 phụ huynh đăng ký tham gia cho con em mình học khóa bơi lội trong trường, chưa kể hàng chục trường hợp là các em học sinh Trường Tiểu học Lạc Lâm đóng chân gần đó được phụ huynh tới đăng ký.
 
Có thể thấy nhu cầu học bơi là rất lớn của học sinh, trẻ em trên địa bàn xã Lạc Lâm. Điều đáng tiếc theo bà Hương là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, từ 8 tháng nay trường đã tạm hoãn dạy để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Tính từ thời điểm đi vào hoạt động, trường mới hoàn thành 1 khóa học bơi cho khoảng 400 học sinh, đồng thời khả năng đáp ứng số lượng học sinh tham gia của hồ bơi này còn khá lớn.
 
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Quảng Lập (xã Quảng Lập), bà Nguyễn Thị Quế, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho biết, đã lập danh sách 60 học sinh học khóa bơi lội trong hè 2021 nhưng do dịch phức tạp nên phải thông báo tạm hoãn. Theo bà Quế, nhu cầu học sinh, kể cả trẻ em tại địa phương học bơi rất lớn. Cả học sinh và phụ huynh đều hào hứng tham gia nên niềm yêu thích môn bơi lội được khơi dậy. Ngay cả khi vào năm học tuy nhà trường không tiếp tục dạy bơi vì các thầy, cô đã kín tiết dạy nhưng các em vẫn đến hồ bơi để vui chơi, rèn luyện thể lực. 
 
Hiện theo báo cáo từ Phòng Giáo dục huyện Đơn Dương, mô hình hồ bơi cho học sinh đã được triển khai tại 10 trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Với số hồ bơi chiếm 10/35 trường như trên, ông Nguyễn Văn Kháng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện nhận định việc trung bình 1 tới 2 xã (tùy thuộc số học sinh nhiều hay ít) có 1 hồ bơi thì việc dạy bơi cho học sinh theo hướng liên trường đã cơ bản đảm bảo đáp ứng khóa học kỹ năng bơi lội cho học sinh các trường trên địa bàn.
 
Mới đây nhất ngày 3/6, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng đoàn công tác đã tới một số trường học trên địa bàn huyện Đơn Dương để kiểm tra việc đầu tư cơ sở vật chất, các khu thể thao phục vụ học sinh trong năm học tới. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Đơn Dương (thị trấn Thạnh Mỹ) và Trường THCS Kambutte (xã Tu Tra), nơi có 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số theo học, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao việc nhà trường đã trang bị bể bơi nhân tạo, cùng lúc đáp ứng tập bơi cho 15 - 20 em một thời điểm; có sân bóng đá hiện đại; khuôn viên chơi thể thao bóng rổ,... Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là tín hiệu rất tốt, đáng biểu dương trong ngành giáo dục và nhấn mạnh huyện Đơn Dương cần tiếp tục đi đầu trong phong trào dạy kỹ năng bôi lội, phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong thời gian tới.
 
C.THÀNH