Nhiều biện pháp quyết liệt phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải hàng hóa

06:07, 21/07/2021

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Lâm Đồng với các địa phương khác...

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; để duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa tỉnh Lâm Đồng với các địa phương khác trong cả nước hiện vẫn đang diễn ra bình thường và khá thông suốt. Lâm Đồng hiện đang có số lượng xe khá lớn mỗi ngày vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là rau, củ, quả đi TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong cả nước và ngược lại. Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng từ các hoạt động vận tải hàng hóa, tỉnh đã đề ra rất nhiều biện pháp quyết liệt và đồng bộ nhằm đạt hiệu quả phòng, chống dịch.
 
Hiện nay, do đặc thù công việc, các lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa đang là một trong những đối tượng gặp rủi ro cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh
Hiện nay, do đặc thù công việc, các lái xe, phụ xe vận tải hàng hóa đang là một trong những đối tượng gặp rủi ro cao vì ảnh hưởng của dịch bệnh
 
Thường xuyên xét nghiệm COVID-19
 
Thời gian qua, trên địa bàn Lâm Đồng đã phát hiện một số trường hợp lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh dương tính với COVID-19. Để đảm bảo an toàn cho đội ngũ lái xe, phụ xe, đồng thời góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh từ đội ngũ lái xe, phụ xe ra cộng đồng; Sở Giao thông vận tải (GTVT) Lâm Đồng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa yêu cầu các lái xe, phụ xe tham gia vận chuyển hàng hóa thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin, khai báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú các thông tin như: Họ tên, số điện thoại liên lạc, luồng tuyến vận tải... để tiện cho việc theo dõi và quản lý công tác phòng, chống dịch ở địa phương.
 
Các lái xe và phụ xe được yêu cầu bắt buộc phải chủ động xét nghiệm COVID-19 trước khi tham gia vận chuyển hàng hóa; và chỉ tham gia vận chuyển hàng hóa khi kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính còn giá trị, trong đó kết quả test nhanh có thời hạn 3 ngày, Real-time PCR có thời hạn 5 ngày. Sau khi lái xe vận chuyển hàng hóa về nơi lưu trú, nếu không tiếp tục lái xe vận chuyển vẫn phải xét nghiệm lại sau 3 ngày.
 
Thực hiện nghiêm việc cung cấp thông tin lộ trình
 
Bắt đầu từ 12h ngày 19/7, các lái xe khi xuất bến buộc phải báo cáo, đăng ký với chính quyền địa phương sở tại, Sở GTVT về lịch trình di chuyển (nhật ký hành trình), thông tin về hàng hóa chuyên chở trên xe để theo dõi, quản lý theo quy định. Khi đi qua các chốt kiểm soát, bắt buộc tất cả lái xe, phụ xe ô tô vận chuyển hàng hóa phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực theo quy định, Giấy chứng nhận tiêm phòng vắc xin COVID-19 (nếu có) và khai báo y tế điện tử trước khi vào địa phận tỉnh Lâm Đồng. Trường hợp không chấp hành thì lực lượng chức năng dứt khoát không xem xét cho vào tỉnh.
 
Trong suốt lịch trình vận chuyển, lái xe, phụ xe phải tuân thủ đúng Phương án vận chuyển mà đơn vị vận tải đã gửi về Sở GTVT; lái xe, phụ xe không được dừng nghỉ, không ăn uống tại các hàng, quán trên hành trình qua vùng dịch và trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mà chỉ sử dụng thức ăn, nước uống mang theo hoặc mua tại các cửa hàng bán mang đi. Khi giao nhận hàng hóa chỉ có một người bên giao (lái xe, hoặc phụ xe) được xuống giao, nhận hàng và phải đảm bảo quy định 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét, mặc đồ bảo hộ y tế... Trường hợp đơn vị vận tải đã có phương án vận chuyển đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 gửi Sở GTVT Lâm Đồng và Sở đã chuyển đến các chốt kiểm dịch thì lái xe không phải thực hiện việc lập tờ khai lịch trình vận chuyển. Riêng việc khai báo y tế thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
 
Yêu cầu ở lại nơi lưu trú tập trung
 
Các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa cũng được yêu cầu phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo nội dung hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Và bắt đầu từ 12 giờ ngày 19/7, các lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa khi trở về Lâm Đồng phải khai báo lịch trình di chuyển tại chốt kiểm soát và phải lưu trú, sinh hoạt tại địa điểm tập trung do UBND cấp huyện, thành phố bố trí, hoặc địa điểm lưu trú riêng biệt do doanh nghiệp, đơn vị vận tải tự bố trí; tuyệt đối không trở về gia đình, khu dân cư, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho người thân và cộng đồng. UBND cấp huyện có trách nhiệm chuẩn bị và bố trí điều kiện ăn, nghỉ; chi phí cho lái xe, phụ xe hoặc chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải chịu trách nhiệm chi trả.
 
Để tạo điều kiện cho các lái xe, phụ xe có địa điểm lưu trú, sinh hoạt đủ tiêu chuẩn và đảm bảo phòng, chống dịch; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan ra cộng đồng từ những đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh cao do công việc thường xuyên phải di chuyển, tiếp xúc nhiều người; hiện thành phố Đà Lạt cho biết đã vận động 2 địa điểm tổ chức tiếp nhận lưu trú, sinh hoạt tập trung cho đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa đường dài khi trở về Lâm Đồng, trong đó có 1 địa điểm miễn phí tiền lưu trú đó là Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lâm Đồng (số 2, Huyền Trân Công Chúa, Phường 5, Đà Lạt) và chỉ thu phí ăn uống tại điểm lưu trú này là 80.000 đồng/ ngày/người. Địa điểm thứ 2 là Nhà khách Tổng Liên đoàn tại Đà Lạt (số 1, Yersin, Phường 10, Đà Lạt). Nhà khách này thu chi phí lưu trú 120.000 đồng/người/ngày; chi phí ăn uống 200.000 đồng/người/ngày. Ở các địa điểm lưu trú này, các lái xe, phụ xe có thể chọn đặt suất ăn tại nơi lưu trú, hoặc cũng có thể nhờ người nhà mang thức ăn đến nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch theo quy định giao nhận hàng.
 
Tổ chức tiêm vacxin phòng cho lái xe, phụ xe 
 
Để bảo vệ an toàn cho đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hành hóa liên tỉnh; hiện nay, do các lái xe, phụ xe vận tải đường dài có khả năng năng bị lây nhiễm COVID-19 rất cao và dễ lây nhiễm ra cộng đồng nên UBND tỉnh Lâm Đồng đã ưu tiên tổ chức tiêm vắc xin cho các đối tượng này. 
 
Tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở GTVT thông báo rộng rãi, yêu cầu các đơn vị vận tải hàng hóa, lái xe, phụ xe sớm đăng ký, lập danh sách tại đơn vị, địa phương để tổ chức khám sáng lọc và ưu tiên tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 ngay trong thời gian tới. Và ngày 19/7, thành phố Đà Lạt là địa phương đầu tiên đã tổ chức tiêm vacxin phòng COVID-19 cho hơn 400 lái xe, phụ xe đã đăng ký danh sách với các phường, xã.
 
Lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, sẽ dành 3 ngàn liều vacxin đợt này trong tổng số 9 ngàn liều mà tỉnh vừa được Bộ Y tế phân bổ để ưu tiên tiêm trước cho đội ngũ lái xe, phụ xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh.
 
NGUYỄN NGHĨA