Nỗ lực tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em

05:07, 23/07/2021

Huyện Đức Trọng đang triển khai thực hiện các quy định của Luật về trẻ em và các chính sách, chương trình liên quan, nhằm đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số...

Huyện Đức Trọng đang triển khai thực hiện các quy định của Luật về trẻ em và các chính sách, chương trình liên quan, nhằm đảm bảo quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số. Trong đó, huyện đã quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của các cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
 
Lãnh đạo huyện Đức Trọng trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học. (Hình chụp trước 27/4/2021)
Lãnh đạo huyện Đức Trọng trao học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học. (Hình chụp trước 27/4/2021)
 
Trong những năm qua, huyện Đức Trọng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ về trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Trẻ em 2016, Nghị định số 56 quy định một số điều của Luật Trẻ em, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; việc tiếp cận, bảo vệ trẻ em thông qua tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (111), các văn bản liên quan đến trẻ em, giáo dục giới tính, phòng, chống thương tích trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình... Các hình thức tuyên truyền cũng khá phong phú, như thông qua các hoạt động sinh hoạt hè, Tháng hành động vì trẻ em, Tết trung thu, tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã, thị trấn, bằng pano, áp phích hay lồng ghép trong các buổi họp thôn, tổ dân phố... Các trường học cũng thường xuyên đưa nội dung tuyên truyền, giáo dục trẻ em, học sinh thông qua các buổi ngoại khóa tại trường, qua các buổi sinh hoạt đoàn, đội; phổ biến các kiến thức về giới đến cho các học sinh; giáo dục kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho các em học sinh các cấp. Đặc biệt, chính quyền địa phương các xã, thị trấn đã chủ động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội để gắn vào hoạt động của các tổ chức này trong việc vận động Nhân dân thi đua thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã, thị trấn phù hợp với trẻ em, không có tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em. 
 
Song song với đó, các cấp chính quyền cũng tạo cơ hội để trẻ em được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; giải quyết, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả khi có trường hợp vi phạm quyền trẻ em, trẻ em bị bạo lực, xâm hại; vận động xã hội cùng Nhà nước hỗ trợ, chăm sóc các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo tất cả trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện. Quan tâm đảm bảo môi trường an toàn, lành mạnh, phòng chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em. Tổ chức nhiều hoạt động hướng đến trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng như: tổ chức Tết trung thu, các cuộc thi kể chuyện theo sách, các giải bóng đá thiếu nhi, hoạt động hè... thu hút hàng ngàn trẻ em tham gia. Chỉ tính riêng từ năm 2019 đến nay, huyện Đức Trọng đã trao tặng trên 200 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, cấp 100 suất học bổng từ nguồn Quỹ bảo trợ trẻ em của tỉnh và 1.000 phần học bổng cho học sinh nghèo hiếu học từ các nguồn hỗ trợ khác; tổ chức cho 42 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tham gia giao lưu tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh.
 
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với trẻ em, tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra. Tính từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện và xử lý 20 vụ xâm hại trẻ em, trong đó bạo lực trẻ em là 2 vụ, xâm hại tình dục trẻ em là 18 vụ. Kết quả đã khởi tố 18 vụ với 18 bị can do hành vi xâm hại trẻ em. Đa số trẻ em bị xâm hại đều là trẻ em nữ trong độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hộ khẩu tạm trú tại địa phương. Đối tượng xâm hại trẻ em đều là người quen của nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. 
 
Tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay vẫn còn những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Do đó, trong thời gian tới, UBND huyện Đức Trọng tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội để nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về phòng, chống xâm hại trẻ em; chủ động tố giác, tố cáo tội phạm; chỉ đạo các trường học tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ mình cho học sinh, nhằm giảm thiểu và hạn chế tối đa tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn huyện.
 
NHẬT MINH