Tác động của đại dịch COVID-19 đối với lĩnh vực văn hóa - giáo dục

04:09, 23/09/2021

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được các ngành, các cấp chủ động tổ chức, triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, linh hoạt và phù hợp với diễn biến của dịch bệnh...

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được các ngành, các cấp chủ động tổ chức, triển khai thực hiện các giải pháp kịp thời, hiệu quả, linh hoạt và phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục thực hiện tốt theo kế hoạch; ngành giáo dục và đào tạo tập trung thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; quy mô trường lớp được giữ vững, ổn định. 
 
Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt tặng quà động viên người khuyết tật
Đại diện Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Lạt tặng quà động viên người khuyết tật
 
Tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhanh chóng giúp người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 ổn định cuộc sống. Tính đến ngày 2/9/2021, đã hỗ trợ tổng cộng 73.000 đối tượng đặc thù riêng của tỉnh với kinh phí 109,5 tỷ đồng. Đối tượng đặc thù riêng của tỉnh gồm: Lao động tự do, đối tượng đặc thù khác tại địa phương theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ cho 118.000 đối tượng với kinh phí 119,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ vận chuyển gần hàng trăm thai phụ, trẻ em và người thân của họ có nguyện vọng về địa phương sinh nở bằng phương tiện máy bay, bảo đảm an toàn và tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chính sách này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của toàn xã hội vì tính nhân văn trong thời điểm tỉnh còn nhiều khó khăn.
 
Đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trực tiếp đến người dân ở khu vực phong tỏa hoặc thực hiện giãn cách xã hội. Thành lập các trung tâm hỗ trợ, cứu trợ, lập và duy trì 24/24 giờ đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin cần hỗ trợ của người dân.
 
Tỉnh đã chủ động triển khai kế hoạch huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, thành lập, phát triển “Quỹ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh COVID-19”; đến ngày 20/9/2021, đã tiếp nhận được trên 73 tỷ đồng và thực hiện chi hỗ trợ 11.629 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, những tác động khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch là vô cùng lớn, nên một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là các đối tượng yếu thế, người lao động tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phi nông, lâm nghiệp. Việc thực hiện “mục tiêu kép” là một thách thức, nhất là, việc tạo thuận lợi cho lái xe vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh, vùng dịch vào địa bàn tỉnh... 
 
Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lâm Đồng cũng đã báo cáo và kịp thời đề xuất kiến nghị Trung ương, Ủy Ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội một số vấn đề như: Cần đẩy mạnh hơn nữa việc phân bổ nguồn vốn thực hiện kiên cố hóa trường học, nâng cấp trang thiết bị số để các em có điều kiện tiếp cận công nghệ phục vụ tốt hơn cho việc học tập sau này. Nơi nào có điều kiện an toàn, thực hiện tốt việc phòng, chống dịch thì nên để các em được học tập, sinh hoạt bình thường.
 
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo cho biết thêm: Số lượng giáo viên trong toàn tỉnh là 25.922 người nhưng hiện nay số giáo viên được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đạt tỷ lệ rất thấp, một phần cũng do lượng vắc xin không đủ, ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch. Vì vậy cần có giải pháp cấp bách tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp và các em học sinh từ 12 tuổi trở lên. Ngoài ra, cần xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Đề nghị có hướng dẫn cụ thể cho các trường chuyên biệt đang thực hiện giảng dạy cho các em câm, điếc, khuyết tật, tự kỷ... vì các đối tượng này không thể thực hiện học trực tuyến và nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì các em không được học tập để vượt qua khó khăn, phát triển năng lực học tập, các kỹ năng tự lập để sớm hòa nhập và tự lập trong cuộc sống.
 
Đoàn ĐBQH cũng đề nghị cơ quan chức năng cần chủ động các phương án linh hoạt, phù hợp các giải pháp thi, xét tốt nghiệp cho học sinh cuối cấp. Tiến hành nhanh việc sáp nhập các trường đại học, cao đẳng trong cả nước nhằm giảm đầu mối, giảm chi phí quản lý, tránh lãng phí cơ sở, vật chất, tập trung đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại nâng cao trình độ đào tạo, tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
 
Tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể còn kéo dài, việc dạy và học trực tuyến sẽ được áp dụng nhiều. Đối với vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên việc mua sắm thiết bị như điện thoại thông minh, máy vi tính, ti vi, hệ thống mạng... sẽ khó thực hiện. Đề nghị, thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội, Chính phủ nên đưa vào mục hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dùng trong học trực tuyến đối với khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khẩn trương thực hiện Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo không học sinh nào không được đến trường sau dịch COVID-19...
 
NGUYỆT THU