Doanh nghiệp nắn suối khai thác cát gây sạt lở núi

06:11, 24/11/2021

Các vị trí khai thác cát trên suối lớn Đạ Tro (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) đã gây ra cảnh sạt lở, ô nhiễm môi trường từng ngày...

Các vị trí khai thác cát trên suối lớn Đạ Tro (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) đã gây ra cảnh sạt lở, ô nhiễm môi trường từng ngày. Nguy hiểm hơn, sự tác động làm thay đổi dòng chảy để khai thác cát còn khiến tình trạng sạt lở tại đây ngày càng nghiêm trọng…
 
Lòng suối Đạ Tro bị đổ đất nâng nền trái phép
Lòng suối Đạ Tro bị đổ đất nâng nền trái phép
 
Những ngày qua, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh về tình trạng sạt lở đất ở khu vực ven suối lớn Đạ Tro. Con suối chạy dọc theo tuyến đường dẫn từ Quốc lộ 27C vào Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, đây cũng là tuyến đường nội bộ có biển báo giới hạn xe tải trọng 15 tấn trở xuống mới được lưu thông, nhưng gần đây đoạn đường này đã xuống cấp quá nhanh và ngày càng trầm trọng bởi mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải cỡ lớn nối đuôi nhau chở cát từ khu mỏ trên suối lớn Đạ Tro qua lại. Theo quan sát, tại một vị trí gần đến cổng Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, hiện trường là những sườn đồi nham nhở do hoạt động khai thác khoáng sản, nắn dòng chảy của suối gây sạt lở, không ít cây thông ba lá bị cuốn xuống suối, trôi theo dòng nước đục.
 
Vụ việc trên đã được Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà có văn bản đề nghị UBND huyện Lạc Dương chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra việc khai thác, vận chuyển cát tại khu vực tuyến đường giao thông nối Quốc lộ 27C vào khu hành chính dịch vụ của Vườn. Theo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tuyến đường này được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp V miền núi, các phương tiện được phép lưu thông, gồm: các loại ô tô con, ô tô tải có tổng trọng tải xe dưới 15 tấn không cơi nới thùng xe, các loại ô tô chiều cao dưới 3 m; xe ô tô chở học sinh, sinh viên, khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên, hiện nay dọc tuyến đường này có nhiều điểm khai thác cát sử dụng các loại xe quá tải trọng, làm mặt đường hư hỏng, nhiều đoạn xuống cấp, gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương cũng như công tác chung của Vườn. 
 
Qua tìm hiểu, khu vực trên được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến khai thác cát xây dựng (thời hạn 25 năm, bắt đầu từ năm 2013) trên diện tích 6 ha, tương ứng chiều dài lòng suối 2,5 km, độ sâu trung bình 4,05 m, trữ lượng khai thác tối đa 195.000 m 3, công suất khai thác 8.000 m 3/năm. 
 
Dù vậy, quá trình thực hiện, công ty này đã tự ý đắp 2 đập chắn ngang dòng suối và hướng dòng chảy vào phía chân đồi khiến cho cả khu vực rộng lớn bị sạt lở. Vậy nhưng, trong một lần làm việc với cơ quan chức năng, ông Trần Xuân Lễ - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến, cho rằng việc xây dựng đập bằng đất làm hạn chế dòng chảy để làm tăng mực nước, thuận lợi cho việc khai thác khoáng sản (do công ty sử dụng công nghệ khai thác bằng tàu để hút cát), tạo hồ lắng để xử lý đối với nước thải. Việc tạo đập về cơ bản không làm ảnh hưởng đến dòng chảy tại khu vực dù chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
 
Trong khi đó, kiểm tra thực tế cơ quan chức năng xác định ít nhất 3.274 m 2 đất lâm nghiệp (rừng thông ba lá thuộc lô b, khoảnh 5, Tiểu khu 95, xã Đạ Nhim) thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã bị sạt lở. Sườn núi nơi sạt lở đã tạo taluy cao trung bình từ 12 - 14 m, chạy dài hơn 130 m bị cuốn trôi theo dòng nước. Quá trình tác động này kéo dài nhiều năm, đến nay hiện tượng này vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục sạt lở. 
 
Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định do suối bị thay đổi dòng chảy gây sạt lở. Ngoài ra, dù sử dụng tàu hút cát nhưng các tàu tại đây không có số hiệu, bãi tập kết cũng không có trạm cân. Được biết, tại khu vực trên, UBND tỉnh Lâm Đồng từng phạt doanh nghiệp này 124 triệu đồng về hành vi khai thác cát ngoài phạm vi ranh giới cấp phép, chưa thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định. UBND huyện Lạc Dương cũng xử phạt 12 triệu đồng về hành vi gây cản trở đến việc sử dụng đất của người khác, đồng thời buộc doanh nghiệp khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Cơ quan chức năng còn yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Nam Tiến tháo dỡ ngay đập đất, khơi thông dòng chảy, hoàn trả lại nguyên trạng ban đầu cho dòng suối lớn Đạ Tro, nhưng cho đến nay doanh nghiệp vẫn vô tư chặn dòng để khai thác cát. 
 
Ngoài ra, nằm cách đó khoảng 1 km, một vị trí khác trên suối lớn Đạ Tro cũng bị người dân đổ đất tạo mặt bằng ngay trên mặt suối Lớn. Theo UBND xã Đạ Nhim, mới đây địa phương đã phát hiện ông Phạm Văn Thành (ngụ xã Đạ Nhim), đổ đất xuống lòng suối tạo thành nền rộng 868 m2. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng do đang thi công đường bờ kè sạt lở tại địa phương có lượng đất bị dôi dư nên đã đổ xuống suối, không có ý định lấn chiếm lòng suối?. 
 
UBND huyện Lạc Dương đã có văn bản giao Công an huyện chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn, UBND xã Đạ Nhim kiểm tra, xử lý các phương tiện khai thác, vận chuyển cát quá tải trên tuyến đường Quốc lộ 27C vào khu hành chính Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà theo nội dung văn bản đề nghị của Vườn ngày 6/10/2021, hoặc báo cáo, đề xuất UBND huyện xử lý theo qui định. 
 
THỤY TRANG