Ánh mặt trời trên ngôi trường nhỏ

05:12, 22/12/2021

Một trường học vùng sâu, với những cô bé, cậu bé học trò nhỏ đang học tập dưới những ngọn đèn khá kì lạ, đèn được thắp sáng từ năng lượng mặt trời...

Một trường học vùng sâu, với những cô bé, cậu bé học trò nhỏ đang học tập dưới những ngọn đèn khá kì lạ, đèn được thắp sáng từ năng lượng mặt trời. Ấy là Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông. Và ánh sáng từ mặt trời được thực hiện từ Đề án hỗ trợ xây dựng mô hình sử dụng điện mặt trời áp mái phục vụ công tác dạy và học do Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng chủ trì.
 
Bộ điều khiển hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông
Bộ điều khiển hệ thống điện mặt trời áp mái tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông
 
Thầy Nguyễn Đức Anh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông chia sẻ, trường thành lập năm 2008, khá trễ so với nhiều trường DTNT trong tỉnh. Ngôi trường với tuổi đời còn trẻ, còn nhiều khó khăn nhưng thầy và trò của trường luôn vươn lên trong giảng dạy và học tập. Không chỉ dạy và học, hàng năm trường còn đón nhận trên 300 học trò sống nội trú trong kí túc. Những cô bé, cậu bé xa gia đình, xa cha mẹ, đến ở trong nhà trường như mái ấm thứ hai. Cũng vì là trường nội trú, nhu cầu sử dụng điện trong dạy và học của nhà trường rất lớn. Thầy Hiệu trưởng cho biết: “Hàng tháng chi phí tiền điện cho dạy và học cũng như các hoạt động khác của nhà trường không nhỏ. Vì vậy, thầy và trò của trường chúng tôi hết sức vui mừng khi được sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. Mô hình này đã góp phần giảm hơn 1/4 chi phí điện năng tiêu tốn cho nhà trường, đồng thời là bài học trực quan giúp các em học sinh hiểu biết về năng lượng tái tạo cũng như hiểu thêm về tiết kiệm điện”.
 
Ông Lê Như Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Sở Công thương Lâm Đồng cung cấp thông tin rất nhiệt tình. Tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành Công thương. Vì vậy, ngành luôn chú trọng tới việc áp dụng các biện pháp tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường. Trong đó, hỗ trợ các trường học cải thiện hệ thống điện là nhiệm vụ thường xuyên của ngành. Đặc biệt, năm 2021, Sở Công thương Lâm Đồng quyết định thử nghiệm lắp đặt, xây dựng mô hình sử dụng điện mặt trời áp mái phục vụ công tác dạy và học. Và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông được chọn làm trường học thử nghiệm dự án. Bởi lẽ, trường ở vùng sâu vùng xa, cần được hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần, giúp thầy và trò có thêm điều kiện dạy và học. Thêm nữa, vùng đất Đam Rông có lượng bức xạ từ mặt trời khá cao trong năm, phù hợp để sử dụng hệ thống điện mặt trời áp mái. 
 
Hệ thống điện mặt trời áp mái lắp đặt tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông là hệ thống điện mặt trời trực tiếp không có lưu trữ. Tổng đầu tư 200 triệu đồng, bước đầu mô hình được lắp đặt, đi vào hoạt động khá ổn định và đem lại hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng, tiết kiệm được chi phí điện cho nhà trường. Được lắp đặt 30 tấm pin mặt trời và các trang thiết bị đi kèm, hệ thống có thể phát được 1.500kWh điện mỗi tháng. Khi mặt trời lên, hệ thống bắt đầu hoạt động thì lưới điện quốc gia sẽ tự động ngắt. Ban đêm, khi mặt trời không đủ, hệ thống sẽ tự động chuyển qua lưới điện quốc gia nên rất an toàn cho người sử dụng. 
 
Đã lắp đặt và đi vào hoạt động khá ổn định, hệ thống điện mặt trời áp mái của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đam Rông tiết kiệm được chi phí điện cho nhà trường khá nhiều. Vào những ngày trời nắng, lượng điện thừa được thầy và trò sử dụng trong mọi hoạt động cần tới điện. Từ bóng đèn chiếu sáng, máy chiếu, hệ thống máy tính phục vụ việc dạy và học cho tới điện để chạy quạt trần, giúp lớp học thoáng mát giữa cái nắng cao nguyên. 
 
Một công nghệ khá hiện đại đã được Sở Công thương Lâm Đồng lắp đặt tại ngôi trường vùng xa. Ngoài chuyện tiết kiệm chi phí cho thầy và trò, hệ thống điện mặt trời áp mái còn giúp những cậu bé, cô bé hiểu thêm về giá trị của ánh mặt trời, nắm bắt thêm công nghệ mới, tận dụng quang năng để sản xuất điện. Để thầy và trò thêm ý thức trong việc bảo vệ môi trường, xây dựng, vun đắp tình yêu với thiên nhiên, gìn giữ thiên nhiên ngày thêm tươi đẹp.
 
DIỆP QUỲNH