Các giải pháp tăng cường phòng, chống bệnh lao

05:01, 07/01/2022
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, tình hình dịch tễ bệnh lao tại tỉnh có tỷ lệ xét nghiệm đàm trên dân số khoảng 0,5%. Tổng số thu dung bệnh nhân lao hàng năm từ 500 - 600 người. Tỷ lệ bệnh nhân lao các thể khoảng 45 ca/100.000 dân số. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân lao trong quá trình điều trị chiếm khoảng 2 ca/100.000 dân. Tỷ lệ kháng đa thuốc trong bệnh nhân mới chiếm khoảng 2%.
 
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tổ chức khám, phát hiện bệnh lao mới tại cộng đồng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tổ chức khám, phát hiện bệnh lao mới tại cộng đồng
 
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng người mắc bệnh với nguy cơ lây lan ra cộng đồng lớn; bệnh có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm, chữa đúng phương pháp và đủ thời gian. Vì vậy, công tác phòng, chống bệnh lao là một nhiệm vụ quan trọng lâu dài của cả hệ thống chính trị; trong đó, ngành Y tế là nòng cốt nhằm đạt mục tiêu loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo bảo đảm các nguồn lực cho công tác phòng, chống bệnh lao; đồng thời, cần huy động mọi nguồn lực xã hội để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao. Phòng, chống bệnh lao chủ yếu dựa vào cộng đồng và được mạng lưới phòng, chống lao và bệnh phổi từ tỉnh xuống huyện, xã, phường, thôn, xóm, thực hiện, có sự phối hợp giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. 
 
Mục tiêu giảm số người mắc bệnh lao và tử vong do lao; giảm sự lây nhiễm lao, khống chế bệnh lao đa kháng thuốc để hướng tới loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng. Đến năm 2025, Lâm Đồng phấn đấu giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 50 ca/100.000 dân, giảm số người tử vong do bệnh lao xuống dưới 10 ca/100.000 dân, khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. 
 
Tầm nhìn đến năm 2030 duy trì thành quả phòng, chống bệnh lao đạt được vào năm 2025 và tiếp tục giảm số người mắc, số người chết do bệnh lao; trong đó, số người mắc bệnh lao trong cộng đồng giảm xuống dưới 20 ca/100.000 dân vào năm 2030.
 
Giải pháp truyền thông, đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao. Tuyên truyền về bệnh lao và công tác phòng, chống lao để người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa không mặc cảm, kỳ thị đối với người bệnh lao và chủ động tiếp cận sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao do ngành Y tế cung cấp. Các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, người bệnh, người nhà người bệnh tham gia tích cực vào tuyên truyền về bệnh lao để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh lao. Khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng, xã hội tham gia truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, chống bệnh lao.
 
Giải pháp chuyên môn kỹ thuật và dịch vụ phòng, chống bệnh lao: Tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao. Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng và quản lý bệnh lao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các cơ sở y tế trong mạng lưới phòng, chống lao các tuyến chủ trì, phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập bảo đảm hướng dẫn, giám sát việc cung cấp dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao có chất lượng cho mọi người dân. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, người di biến động dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao với khuyến khích tham gia của cộng đồng và các tổ chức xã hội hỗ trợ cho người bệnh lao được sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh lao thuận lợi.
 
Đẩy mạnh việc áp dụng các kỹ thuật mới vào khám, phát hiện, chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao. Xây dựng kế hoạch để chủ động tiếp cận các kỹ thuật đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng nhằm phổ cập dịch vụ khám, phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao toàn diện cũng như sử dụng tối ưu các kỹ thuật truyền thống để khám, chữa và phòng bệnh lao đạt hiệu quả trong điều kiện của địa phương. Nghiên cứu, triển khai thí điểm áp dụng các mô hình tiếp cận mới trước khi triển khai phổ cập các dịch vụ phòng, chống lao cho người dân thông qua hệ thống y tế công lập và ngoài công lập với sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể và cộng đồng. 
 
Về cung ứng thuốc và hậu cần kỹ thuật phòng, chống bệnh lao tiến hành triển khai thực hiện và hoàn thiện cơ chế quản lý, cung ứng thuốc chữa bệnh lao và hậu cần kỹ thuật phối hợp cho công tác phòng, chống bệnh lao kịp thời. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, tạo điều kiện tốt hơn về dinh dưỡng cho bệnh nhân lao. Củng cố và tăng cường cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế trong việc tham gia phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh lao. Theo dõi tình hình kháng thuốc và phản ứng có hại của thuốc điều trị bệnh lao.
 
Bên cạnh đó, kinh phí cho phòng, chống lao được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước của tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế; đồng thời, tăng cường huy động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống lao.
 
Mặt khác, thực hiện chính sách ưu tiên về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ, viên chức và người lao động làm công tác phòng, chống lao của địa phương. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo chuyên khoa; cập nhật kiến thức phòng, chống bệnh lao cho các thầy thuốc đa khoa và chuyên khoa, bồi dưỡng y khoa liên tục thông qua tập huấn, hội nghị, hội thảo, hướng dẫn trực tiếp. Nâng cao năng lực quản lý về phòng, chống bệnh lao cho cán bộ quản lý các cấp thông qua các chương trình đào tạo, tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn. Lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.
 
Cuối cùng về kiểm tra, giám sát, theo đó xây dựng cơ chế theo dõi, báo cáo để lượng giá, đánh giá và kiểm soát chất lượng dịch vụ phòng, chống bệnh lao ở tất cả các cơ sở y tế. Nâng cao năng lực giám sát dịch tễ bệnh lao và đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống bệnh lao các tuyến. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bệnh lao.
 
AN NHIÊN