Cùng hành động, đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn

11:01, 06/01/2022
Nhân dịp năm mới 2022, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Hoàng Liên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Lâm Đồng về hoạt động công đoàn trong tình hình mới.
 
•  Thưa ông, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là từ cuối tháng 4/2021, Công đoàn Lâm Đồng đã hành động như thế nào để thích ứng, vừa phòng, chống dịch, vừa hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2021?
 
Ông Hoàng Liên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
Ông Hoàng Liên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh
•  Ông Hoàng Liên: Dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội, trong đó có cả doanh nghiệp và người lao động (NLĐ). Các cấp công đoàn trong tỉnh đã khẩn trương vào cuộc, phối hợp với các cấp, các ngành và doanh nghiệp thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, gắn với khôi phục sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới.
 
Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động NLĐ nghiêm túc thực hiện các quy định, khuyến cáo về phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, không để bị lợi dụng, kích động, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch. Chủ động thành lập các “Tổ An toàn COVID-19” tại cơ quan, đơn vị, nhất là trong doanh nghiệp, phối hợp tổ chức hoạt động “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”. Mô hình “Câu lạc bộ xanh - an toàn’’ đã phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa rộng, là nơi để cán bộ công đoàn cùng nhau chia sẻ thông tin, những cách làm mới, sáng tạo, những kinh nghiệm thích ứng với dịch bệnh...
 
Cùng với đó, hoạt động công đoàn cũng được điều chỉnh phù hợp với tình hình mới, chuyển trọng tâm về cơ sở, tập trung phòng, chống dịch và chăm lo đời sống NLĐ, phát huy vai trò của cán bộ công đoàn ở cơ sở. Đã có hơn 2.900 lượt cán bộ công đoàn được đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng phòng, chống dịch bệnh COVID-19, kỹ năng hoạt động công đoàn... Hình thức đào tạo, bồi dưỡng cũng linh hoạt như, tổ chức trực tuyến, thi trắc nghiệm, thi viết, biên soạn tài liệu, hay tổ chức tập huấn trực tiếp tại các doanh nghiệp...
 
Với quyết tâm hành động của công đoàn các cấp, sự đồng thuận, hưởng ứng của đoàn viên, NLĐ, năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vinh dự được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Cờ thi đua xuất sắc.
 
Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà tuyến đầu chống dịch.
Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà tuyến đầu chống dịch.
 
•   Xin ông cho biết, Công đoàn đã có những hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho NLĐ như thế nào để vượt qua đại dịch?
 
•  Ông Hoàng Liên: Trong đại dịch, một bộ phận NLĐ bị giảm thu nhập, mất việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, cấp công đoàn trong tỉnh ưu tiên nguồn tài chính và huy động sự chung sức của doanh nghiệp để tập trung nguồn lực, chăm lo, hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 
 
Thông qua phong trào “San sẻ yêu thương’’, đã vận động ủng hộ, trao tặng hàng chục ngàn suất quà, khẩu trang, nước sát khuẩn, kính chống giọt bắn, bộ kit test COVID-19, hỗ trợ trên 9 tỷ đồng chia sẻ khó khăn với hơn 20 ngàn NLĐ bị ảnh hưởng bởi đại dịch, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 21 nhà “Mái ấm công đoàn’’, trị giá gần 1 tỷ đồng. Từ nguồn tài chính Công đoàn, hỗ trợ trên 2.000 NLĐ là F0, F1, F2 có hoàn cảnh khó khăn hơn 2 tỷ đồng, hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu và đoàn viên tham gia phòng, chống dịch trên 1,1 tỷ đồng. 
 
Phối hợp với doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ trên 1.200 NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được hưởng các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và trên 53.600 NLĐ được hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, vận động đoàn viên, NLĐ tích cực đóng góp ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, ủng hộ công nhân và Nhân dân các tỉnh phía Nam trên 100 tấn nông sản, nhu yếu phẩm... trị giá trên 11 tỷ đồng.
 
•  Thưa ông, năm 2022 Công đoàn tỉnh Lâm Đồng hướng tới những hoạt động trọng tâm nào?
 
•  Ông Hoàng Liên: Năm 2022, các cấp công đoàn trong tỉnh quyết tâm tăng tốc, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2018-2023), hướng đến Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2023-2028). 
 
Trước hết là, cùng với doanh nghiệp tăng cường phòng, chống dịch bệnh, vận động NLĐ tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động, khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất... để nâng cao thu nhập, đời sống trong tình hình mới, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
 
Cùng với đó, chú trọng phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức công đoàn, tăng tỷ lệ đoàn viên ở ngoài khu vực Nhà nước. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp, nhất là kỹ năng vận động, tổ chức các phong trào quần chúng, dân vận khéo và kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể.
 
Tập trung nguồn lực tại cơ sở để chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ. Tiếp tục phát huy, nâng cao hiệu quả các mô hình, hoạt động “thương hiệu’’ của Công đoàn như, Tết sum vầy, Tháng Công nhân, Chương trình phúc lợi đoàn viên... tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp để tăng số NLĐ được thụ hưởng.
 
Xin ông cho biết Công đoàn Lâm Đồng đã làm gì để đưa Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa XIII) “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới’’ vào thực tiễn?
 
•  Ông Hoàng Liên: Ngay khi có Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ tỉnh chủ động phối hợp với các ban Đảng tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tỉnh. Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh đã xây dựng Chương trình hành động với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với từng giai đoạn và phổ biến, quán triệt đến cán bộ công đoàn các cấp để thống nhất hành động.
 
Xác định vai trò trung tâm của mình, LĐLĐ tỉnh chủ trì, thống nhất 9 nội dung phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của 8 sở, ngành cấp tỉnh, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Công đoàn tiếp cận doanh nghiệp, tiếp cận NLĐ, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
 
Đặc biệt là, bố trí nguồn lực tài chính thỏa đáng để nâng cao phúc lợi xã hội, giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của NLĐ, nhất là nhà ở, nơi vui chơi, giải trí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tổ chức các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống của NLĐ.
 
Công đoàn đồng hành với các cấp, các ngành và doanh nghiệp chăm lo đời sống, việc làm cho người lao động, quyết tâm đổi mới tổ chức và hoạt động trong tình hình mới. 
 
Cảm ơn ông đã chia sẻ!
 
ĐỨC THIỆM (thực hiện)