Ðổi thay ở xã Anh hùng cách mạng Ðinh Trang Thượng

05:01, 19/01/2022
Ðinh Trang Thượng nằm cách trung tâm huyện Di Linh khoảng 30 km, vốn là vùng căn cứ cách mạng, vùng đất anh hùng trong kháng chiến. Với sự quan tâm, đầu tư của Ðảng và Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Ðinh Trang Thượng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm nên đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện và nâng cao.
 
Nhiều tuyến đường vào khu sản xuất đã được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.
Nhiều tuyến đường vào khu sản xuất đã được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của người dân.
 
Vùng sâu, vùng xa Đinh Trang Thượng ngày nào nay không còn xa nữa bởi hệ thống giao thông từ trung tâm huyện đến xã được đầu tư nâng cấp, mở rộng tương đối khang trang, các đường làng, ngõ xóm đã được nhựa và bê tông hóa, nên việc sinh hoạt đi lại, lưu thông hàng hóa của người dân nhiều thuận lợi. 
 
Toàn xã có tổng số 5 thôn, buôn, với 966 hộ, 3.816 nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm trên 87%, hầu hết là người Mạ và từng là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Di Linh. Để tháo gỡ khó khăn, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Di Linh đã triển khai nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ đồng bào trong xã vươn lên thoát nghèo như: Chương 327, 134, 135, 30a và đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Từ các chương trình nói trên, Nhà nước đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các công trình cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, điện, đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sinh hoạt và các công trình thủy lợi Đạ Srọ 1, Đạ Srọ 2..., nên đã tạo “cú hích” giúp đồng bào thuận lợi hơn trong việc phát triển kinh tế - xã hội mà cụ thể là việc vận dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả. 
 
Theo thống kê, toàn xã hiện có 2.517 ha cà phê, năng suất bình quân đạt từ 3-3,5 tấn/ha với tổng sản lượng ước đạt hơn 8.809 tấn, tăng 1.258,5 tấn so với niên vụ 2020. Ông Ksor Huân - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, cho biết: “Các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước phát huy hiệu quả đã tác động tích cực, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước mà đã biết phát huy tính chủ động, tự giác, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất cà phê ngày càng tăng cao, các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, mô hình xen canh mang lại hiệu quả ổn định, giúp cải thiện, nâng cao đời sống người dân và nhiều gia đình đã đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô...”.
 
Từ nguồn lực các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM... đã giúp Đinh Trang Thượng vươn lên một cách mạnh mẽ. Đảng ủy, UBND xã Đinh Trang Thượng đã thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, các chương trình, nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội đã được cụ thể hóa, nhất là chương trình ghép cải tạo, tái canh cà phê, chuyển đổi một số diện tích cà phê già cỗi, năng suất kém sang phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng cây rau màu và chăn nuôi dê, lợn đen.
 
Trồng dâu, nuôi tằm được phát triển mạnh tại Thôn 3 và Thôn 4, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Lạc trồng 0,5 ha dâu, sản lượng đạt khoảng 1.600 kg kén tằm/năm, thu lãi trên 264 triệu đồng/năm (giá trung bình 165.000 đồng/kg kén); tương tự các hộ ông K’Thái, ông K’Kres... cũng trồng từ 0,2-0,3 ha, với giá kén tằm trên thị trường dao động từ 160.000 - 170.000 đồng/kg thì mỗi năm các hộ nói trên cũng có nguồn thu từ 124-132 triệu đồng từ trồng dâu nuôi tằm.
 
Ông K’Drim - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đinh Trang Thượng, chia sẻ: Đến nay, hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn đã được đầu tư khá toàn diện, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương. Một trong những điểm nổi bật của địa phương trong thời gian qua là ngoài nguồn thu chủ lực từ cà phê, người dân còn có thêm nguồn thu từ trồng dâu nuôi tằm và trồng cây rau màu. “Đến nay, toàn xã đã có 65 hộ trồng trên 15,80 ha dâu nuôi tằm, bình quân cung cấp sản lượng cho thị trường đạt khoảng 7.900 kg kén tằm/năm. Đối với cây rau màu, chủ yếu là cây cà chua, trên địa bàn xã đã có 43 hộ trồng với diện tích 8,6 ha. Những tháng vừa qua, khi giá cả cà chua trên thị trường tăng cao, có hộ thu lãi ròng từ 37-50 triệu/sào/vụ. Nhờ đó, bà con đã có điều kiện trang trải cuộc sống gia đình, còn nguồn thu từ cà phê dành để tích trữ” - ông K’Drim phấn khởi nói.
 
Từ chính sách đầu tư và nhiều nguồn hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM, đời sống của đồng bào DTTS ở xã Anh hùng cách mạng Đinh Trang Thượng đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân của người dân trong xã chỉ đạt 25 triệu đồng/người/năm thì đến cuối năm 2021 đạt gần 42 triệu đồng/năm. Hiện xã Đinh Trang Thượng chỉ còn 48 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5%) và 5 hộ cận nghèo (chiếm 0,5%).
 
Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm, thường xuyên thực hiện “Ngày thứ Bảy” vì NTM, tổ chức vận động Nhân dân đóng góp trên 200 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động tu sửa 7,5 km đường vào các khu sản xuất để đảm bảo việc đi lại và vận chuyển nông sản cho bà con. Đến nay, xã đã có 2 thôn được công nhận là thôn NTM tiêu biểu. 
 
Trong thời gian tới, xã Đinh Trang Thượng sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giúp đồng bào DTTS nơi đây mạnh dạn hơn nữa trong thay đổi tư duy lao động sản xuất, vươn lên làm giàu trên vùng đất quê hương. 
 
NDONG BRỪM