Quan tâm phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

06:01, 13/01/2022
Có thể nói rằng, năm qua, ngành Giao thông vận tải (GTVT) đã làm tốt công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tranh thủ được sự quan tâm của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ và đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành để bố trí ưu tiên các nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trong đầu tư xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch cũng như Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh…
 
Tuyến đường 722 kết nối Lâm Đồng với Đắk Lắk sẽ được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng trong năm 2022.
Tuyến đường 722 kết nối Lâm Đồng với Đắk Lắk sẽ được tỉnh đầu tư nâng cấp, mở rộng trong năm 2022.
 
Nổi bật về giao thông đối ngoại, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan của Bộ GTVT tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng dự án xây dựng QL.27, đoạn tránh Liên Khương dài 6,2 km; phối hợp thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và tham mưu UBND tỉnh phương án điều chỉnh hướng tuyến cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc; đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án trong giai đoạn trung hạn 2021 - 2025 như Dự án Cải tạo, nâng cấp QL.27 (đoạn Km83 - Km174) dài 91km; QL.28B (đoạn Km51+000 - Km69+000) dài 18km; QL.55 (đoạn Km205+140 - Km229+140) dài 24km, nâng cấp đoạn đèo Mimosa và các cầu yếu trên tuyến QL.20.
 
Đối với hệ thống đường tỉnh và hạ tầng giao thông quan trọng được giao làm chủ đầu tư, đến nay cơ bản cũng đã hoàn thành 7 dự án. Sở GTVT cho biết, hiện Sở đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công 3 dự án bảo đảm tiến độ và chất lượng. Tháng 7/2021, cũng đã khởi công công trình xây dựng đường vành đai TP Đà Lạt và hạ tầng khu dân cư, hiện đang tiến hành thực hiện nâng cấp, cải tạo đường tỉnh ĐT.725, đoạn Di Linh - Bảo Lâm; sửa chữa, nâng cấp đoạn Lộc Bảo - Lộc Bắc và đoạn Con Ó - Đạ Tẻh thuộc đường tỉnh ĐT.725; cầu Đạ Long, huyện Đam Rông; nâng cấp đường B’Sar - Đoàn Kết; nâng cấp đường ĐT.724 và 3 cầu, thông tuyến đường ĐT.721 (giai đoạn 1); dự án xây dựng 3 cầu trên tuyến đường ĐH.412-ĐH413; nâng cấp, sửa chữa đường ĐH.412 - ĐH.413. Đồng thời, xây dựng cầu Bà Trung và Bà Bống, đường gom cao tốc Liên Khương - Prenn, đường ĐT.725, đoạn Tân Rai - Lộc Bảo.
 
Đối với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có, Sở đã triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có, đẩy mạnh công tác quản lý và thực hiện kế hoạch bảo trì, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến đường do Sở quản lý và chú trọng kiểm tra, đề nghị các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ. Đặc biệt, Sở GTVT năm qua quan tâm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc Ban Quản lý bảo trì đường bộ và các nhà thầu bảo dưỡng thường xuyên thực hiện đúng các nội dung hợp đồng công tác quản lý và bảo dưỡng. Qua kiểm tra, đã tham mưu ban hành các văn bản chấn chỉnh công tác bảo dưỡng thường xuyên. Triển khai quyết định quy định về trình tự thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sử dụng phần mềm quản lý GovOne để kiểm tra và giám sát công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên trên các tuyến đường tỉnh và quốc lộ. Trong năm 2021, Sở đã tổ chức nghiệm thu hoàn thành 20 công trình, hiện còn 16 công trình đang tiếp tục thực hiện. Đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư 5 công trình theo dự kiến kế hoạch sửa chữa định kỳ trên các tuyến quốc lộ ủy thác 2022 đã được Tổng Cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt chủ trương.
 
Những kết quả đạt được ấy đã khẳng định sự nỗ lực, cố gắng của Sở GTVT trong việc tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, bám sát kế hoạch, chủ động phối hợp giải quyết công việc với các sở, ban, ngành liên quan, để đôn đốc, xử lý tình huống, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Công tác quản lý đầu tư năm 2021 cũng được đánh giá đáp ứng các yêu cầu về thủ tục, tiến độ theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh; thực hiện các chế độ báo cáo kịp thời theo đúng quy định, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư, đáp ứng yêu cầu về thực hiện kế hoạch đầu tư công của tỉnh đã đề ra. Công tác giải ngân kế hoạch vốn được giao năm 2021, trong đó kế hoạch vốn bảo trì đường bộ địa phương là 84,204 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 65,329 tỷ đồng, đạt 77%, phấn đấu hết niên hạn 2021 giải ngân đạt trên 98%; kế hoạch vốn bảo trì đường bộ Trung ương là 130,517 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 115.872 tỷ đồng, đạt 88%, phấn đấu hết niên hạn 2021 giải ngân đạt trên 98%.
 
Bên cạnh đó, cũng cần nhìn nhận một thực tế, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tuy đã được quan tâm đầu tư cải thiện rất nhiều thời gian qua nhưng vẫn chưa đồng bộ, chưa có sự kết nối thông suốt giữa giao thông đối ngoại và đối nội, một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chậm đầu tư, nâng cấp nên ngày càng xuống cấp. Việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra của dự án, nhất là việc khảo sát, xác định hệ số giá đất thị trường làm cơ sở tính toán giá trị bồi thường còn nhiều khó khăn, vướng mắc. 
 
Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ theo hướng hiện đại trong giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để đầu tư các dự án quan trọng, dự án cấp thiết, có tính chất kết nối chiến lược, lan tỏa, bảo đảm hài hòa giữa các vùng như đô thị, khu kinh tế, khu du lịch, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Địa phương cũng sẽ ưu tiên đầu tư các công trình giao thông trọng điểm, các tuyến đường vành đai, một số cầu, đường có tính chất kết nối; kiên cố hóa tuyến đường giao thông nông thôn.
 
NGUYỄN NGHĨA