Cụ ông, cụ bà lưu giữ nghề truyền thống

06:03, 28/03/2022
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ ông K’Đều (82 tuổi) và cụ bà Ka Rỗi (74 tuổi) người Mạ ở Thôn 6, xã Mađaguôi, huyện Đạ Huoai vẫn cố công lưu giữ nghề truyền thống được cha ông mình truyền lại.
 
Cụ ông K’Đều và cụ bà Ka Rỗi vẫn miệt mài làm việc và tâm nguyện lưu giữ nghề truyền thống để truyền dạy cho thế hệ trẻ
Cụ ông K’Đều và cụ bà Ka Rỗi vẫn miệt mài làm việc và tâm nguyện lưu giữ nghề truyền thống để truyền dạy cho thế hệ trẻ
 
Biết đan gùi và dệt thổ cẩm khi mới 15 tuổi, cho đến khi cụ ông K’Đều và cụ bà Ka Rỗi kết hôn rồi chung sống một nhà thì họ vẫn gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Đôi bàn tay khéo léo của cụ ông K’Đều vẫn còn nhanh nhẹn với từng chiếc gùi truyền thống, còn cụ bà Ka Rỗi thì khéo léo bên khung cửi với những đường chỉ thêu hoa dệt gấm. Mặc dù thu nhập của nghề đan gùi và dệt thổ cẩm không được như xưa nhưng hai cụ vẫn dồn hết tâm huyết để tạo ra sản phẩm mang dáng dấp, hồn cốt của núi rừng Đạ Huoai. 
 
Cụ ông K’Đều tâm sự: Tôi làm nghề đan gùi trên 60 năm rồi, từ hồi còn là một thiếu niên. Đến giờ con cháu đề huề, tôi vẫn say mê với công việc này. Chiếc gùi của người Châu Mạ là một vật dụng không thể thiếu trong đời sống, đi nương, lên rẫy, nó đều theo chân chủ nhân. Ngày trước bà con đặt đan nhiều, giờ thì ít đi hẳn. Trung bình chiếc gùi lớn có giá chừng 350 nghìn đồng, chiếc gùi nhỏ thì khó đan hơn nên có giá khoảng 700 nghìn đồng. Dù thu nhập ngày một giảm xuống nhưng tôi vẫn cố công lưu giữ vì đây là những gì ông bà, tổ tiên để lại cho con cháu. 
 
Còn cụ bà Ka Rỗi thường ngày vẫn miệt mài bên khung cửi, bên những sợi chỉ thổ cẩm để dệt nên sản phẩm tinh hoa của đồng bào Mạ. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm mà cụ bà thường được đặt làm chính là chiếc chăn cưới của các đôi vợ chồng. Một chiếc chăn cưới thường có giá khoảng 1,7 triệu đồng nhưng cụ bà Ka Rỗi phải dành cả tuần mới hoàn thiện.
 
Bên chiếc gùi được đan bằng tre lồ ô, dây mây; chiếc chăn cưới thể hiện niềm hạnh phúc của đôi lứa; nỗi niềm của hại cụ chính là làm sao phải lưu giữ, truyền dạy lại cho con cháu. Cụ ông K’Đều nói một cách chân tình: Ngay con cháu trong nhà mình cũng không học nghề truyền thống của ông bà để lại, bây giờ, con trẻ chỉ chăm chú vào những thứ khác hiện đại hơn như điện thoại chẳng hạn. Việc tỉ mỉ chuốt từng đoạn mây, xâu từng sợi chỉ giờ còn lại những người già chúng tôi thôi. Dù vậy, vợ chồng tôi luôn cố gắng và sẵn sàng tuyền dạy cho con cháu, xóm làng. 
 
Dẫu biết rằng nghề đan gùi và dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ ở địa phương khó tìm kiếm được thị trường như các sản phẩm mây, tre đan hiện đại nhưng bảo lưu được những giá trị ấy chính là giữ được hồn cốt của núi rừng, bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình. 
 
Bà Trần Thị Thùy Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Mađaguôi cho biết: Hiện nay, đồng bào Mạ làm nghề đan gùi và dệt thổ cẩm ở địa phương chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Cụ ông K’Đều và cụ bà Ka Rỗi là một trong số những người lớn tuổi còn lưu giữ được nghề truyền thống. Làm sao để truyền nghề lại cho lớp trẻ là điều mà chính quyền địa phương đang cố gắng thực hiện. Đó cũng là ý niệm lớn nhất của hai cụ cho đến giờ phút này. 
 
ĐỨC TÚ